Theo quan điểm của ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh) cho biết, người dân sử dụng nước bị ảnh hưởng trực tiếp từ vụ đổ trộm dầu thải tại Hòa Bình có thể khởi kiện doanh nghiệp để đền bù thiệt hại.

Những ngày vừa qua, vụ việc nhiều đối tượng đổ trộm dầu thải tại Hòa Bình đã và đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cũng đang tiến hành làm rõ động cơ của việc đổ trộm dầu thải ở đầu nguồn nước dẫn vào Nhà máy nước sạch sông Đà gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến 250.000 hộ dân tại Hà Nội.

Trao đổi với báo chí, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng nhấn mạnh: "Tuy không nằm trong phạm trù an ninh quốc gia, nhưng an ninh nguồn nước lại tác động lớn đến an ninh quốc gia".

ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng.

Theo Đại biểu Hồng cho rằng, sự vào cuộc của chính quyền trong sự cố dầu thải không kịp thời. Điều này xuất phát từ nhận thức cũng như tính chủ động trong việc xử lý sự cố liên quan đến môi trường khi có hiện tượng bất thường xảy ra. Ngoài ra, Đại biểu Hồng cũng nhấn mạnh câu chuyện trách nhiệm và hai chữ "trách nhiệm" vẫn luôn lẩn khuất ở đâu đó, không rõ ràng.

Chính vì vậy, Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cho rằng cần phải có quy định về pháp luật để bảo vệ nguồn nước, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Cần có cơ chế xử lý kịp thời nếu có sự cố xảy ra cũng như đề phòng đến các hoạt động phá hoại, đưa chất độc hại vào nguồn nước. Từ đó, mới có phương án xử lý hiệu quả nếu xảy ra sự cố.

Phát hiện nước đặc sệt, mùi tựa dầu thải trong quá trình thau rửa bể một chung cư tại đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Lê Bảo

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh cũng nhấn mạnh, sự cố đổ trộm dầu thải khu vực đầu nguồn nước dẫn vào Nhà máy nước sạch Sông Đà đã ảnh hưởng trong nhiều quận huyện với hàng trăm nghìn người dân.

Đặc biệt, Đại biểu Hồng cũng nêu rõ quan điểm của mình: "Nhân vụ việc này, tôi đề nghị báo chí lên tiếng, yêu cầu họ đền bù thiệt hại cho người dân. Bản thân tôi ủng hộ phương án đưa doanh nghiệp ra tòa. Người dân có thể khởi kiện về dân sự, Hội bảo vệ người tiêu dùng Hà Nội phải đứng ra khởi kiện, như vụ Vedan xả thải gây ô nhiễm".

Vụ đổ trộm dầu thải đã khiến hàng trăm nghìn người dân Hà Nội rơi vào cảnh khốn đốn.

Theo quan điểm của Đại biểu Hồng, đối tượng đổ trộm dầu thải phải xử lý nghiêm. Với vi phạm của doanh nghiệp, tại Bộ Luật Hình sự cũng đã quy định về pháp nhân, nên có thể nghiên cứu, xem xét doanh nghiệp vi phạm đến mức nào, nặng có thể xử lý hình sự, hoặc người dân có thể khởi kiện dân sự doanh nghiệp đó và yêu cầu bồi thường.

Trước câu hỏi của báo chí về việc doanh nghiệp cung cấp nước sạch từ chối xin lỗi người dân trong buổi họp báo tại Hòa Bình vừa qua. Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cho biết: "Đây là lúc doanh nghiệp phải cúi đầu nhận lỗi, nhưng họ lại có thái độ coi thường người dân là không chấp nhận được. Chính vì vậy, cần lên án để tạo nên một văn hóa trong kinh doanh, phải xem xét trách nhiệm thông qua khởi tố vụ án và thông qua việc khởi kiện".

Theo Gia đình & Xã hội