Đề xuất cấm lao động Việt Nam sang nước ngoài làm nghề “giải trí” được dư luận quan tâm, ủng hộ. Ảnh: Chí Cường

Đề xuất cấm lao động Việt Nam sang nước ngoài làm nghề “giải trí” được dư luận quan tâm, ủng hộ. Ảnh: Chí Cường

Cấm sang nước ngoài làm bốc mả, giải trí…

Bộ LĐ,TB&XH vừa đưa ra dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và hướng dẫn đưa người lao động sang Đài Loan, thực tập sinh sang Nhật Bản và người lao động sang Saudi Arabia giúp việc gia đình. Tại dự thảo, có 8 danh mục công việc cấm đi làm việc ở nước ngoài, như: Nghề massage, làm việc tại các nhà hàng khách sạn hoặc các trung tâm giải trí; công việc phải tiếp xúc thường xuyên với chất nổ, chất độc hại trong luyện quặng kim loại màu (đồng, chì, thủy ngân, bạc, kẽm), tiếp xúc thường xuyên với mangan, điôxit thủy ngân; công việc tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở, khai thác quặng phóng xạ các loại; công việc sản xuất, bao gói phải tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất a xít nitơric, natri sunfat, disunfua cacbon, các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ, diệt chuột, sát trùng, chống mối mọt có độc tính mạnh; công việc săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập; công việc thường xuyên ở nơi thiếu không khí, áp suất lớn (dưới lòng đất, lòng đại dương); công việc liệm, mai táng tử thi, thiêu xác chết, bốc mồ mả; công việc mà nước tiếp nhận lao động và Việt Nam cấm.

Dự thảo được lấy ý kiến đến hết ngày 31/1/2019. Ngay sau khi đưa ra, đề xuất trên đã thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là những người có thân nhân đang lao động ở nước ngoài và cho rằng, đề xuất trên của Bộ LĐ,TB&XH là hoàn toàn đúng đắn, bởi những hạng mục nghề nghiệp đưa vào danh mục cấm không những trái với thuần phong mỹ của người Việt mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh con người và đất nước Việt Nam đối với các nước trong khu vực và thế giới.

Chị V.T. D (SN 1989, ở Tuyên Quang) thẳng thắn: “Tôi có anh trai đang sinh sống và làm nhà hàng tại Singapore. Cách đây gần một năm tôi cũng sang nước này chơi theo dạng du lịch. Tôi không biết nhập cảnh sang các nước khác như thế nào nhưng khi làm thủ tục nhập cảnh vào Singapore, tôi thấy khá chặt chẽ. Vì khi xếp hàng nhập cảnh, cán bộ hải quan nước họ “soi” rất kỹ, từ cách ăn mặc, đến trang điểm, đến con người. Một số phụ nữ trang điểm và ăn vận thời trang phải quay đầu về nước. Tôi ăn vận đơn giản và không trang điểm nên dễ dàng đến đất nước Singapore. Thế nhưng, một vài lần đi du lịch ở đất nước này tôi thấy có không ít người Việt Nam sang đây làm nghề massage, phục vụ quán bar, sòng bạc và một số ngành, nghề nhạy cảm. Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất trên của Bộ LĐ,TB&XH bởi tôi và nhiều người khác không muốn nghe thông tin người Việt sang nước này, nước kia làm những ngành nghề đó”.

Phải tái cơ cấu hoá ngành nghề lao động

Theo Bộ LĐ,TB&XH, những ngành nghề, công việc nhạy cảm hoặc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không những không phù hợp với thể trạng của người Việt Nam mà còn ẩn chứa nhiều rủi ro, bất lợi cho người lao động và công ty phái cử. Là nhà xã hội học, PGS.TS Trịnh Hoà Bình, Viện Xã hội học - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam hoàn toàn đồng tình và tán thành với đề xuất trên. Trao đổi với phóng viên Báo Gia đình & Xã hội, PGS.TS Trịnh Hoà Bình thẳng thắn: “Đề xuất này sẽ đi trước một bước và phải gắn với nhiều chế tài. Lâu nay chúng ta thấy rõ là nhiều lao động sang các nước khu vực làm giúp việc, thậm chí làm thuê. Nhiều trường hợp còn làm vợ “hờ” hoặc làm những công việc liên quan đến làm móng, làm tóc và có cả những bộ phận đi du lịch ngắn ngày để làm những ngành nghề ngắn ngày nhạy cảm khác… Vấn đề này đã trở thành thực trạng đáng quan ngại và cần quan tâm vì nó làm xấu đi hình ảnh của lao động Việt. Liên quan đến câu chuyện bảo vệ và giữ gìn hình ảnh con người, đất nước Việt Nam nên Bộ LĐ,TB&XH ra những đề xuất trên là hoàn toàn hợp lý”.

Cũng theo ông Bình, từ những đề xuất trên, chúng ta cũng cần đặt ra câu chuyện về hợp tác quốc tế lao động là cần phải củng cố, nâng vị thế lao động Việt lên một bước mới. Đặc biệt là những giải pháp mang tính tích cực như tạo sức hút, tạo dòng người Việt đi lao động khoẻ về thể trạng, chuẩn chỉnh hơn về tác phong… để lao động Việt không vướng đến những ngành nghề nhạy cảm. Những giải pháp này sẽ góp phần đảm bảo an ninh, trật tự xã hội nước bạn, tránh những phiền toái và ảnh hưởng quan hệ quốc tế của nước ta với các nước bạn. Đơn cử như việc lao động Việt sang Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc… theo dạng du lịch vài tháng rồi trở thành lao động bất hợp pháp. Kể cả pháp luật ngăn cấm thì họ vẫn tìm cách trốn chui để kiếm được những công việc có thể kiếm nhiều tiền trong thời gian ngắn...

PGS.TS Trịnh Hoà Bình nói: “Chỉ có một cách là chúng ta phải tổ chức lại luồng lao động di cư sang nước bạn để làm lành mạnh đội ngũ lao động. Tôi thấy lâu nay, mọi người hay nói “phải làm thế này”, “hãy làm thế kia” nhưng về mặt chiến lược vĩ mô thì phải tái cơ cấu hoá ngành nghề lao động, để tạo ra nguồn lao động dồi dào, chuẩn mực ở ngay tại trong nước. Bên cạnh đó, tăng cường đẩy mạnh hơn nữa những hoạt động giao thương trong việc hợp tác quốc tế về lao động. Cộng thêm việc tổ chức, đào tạo, huấn luyện việc làm, để cho nguồn lao động xuất khẩu lành mạnh hơn, khoẻ khoắn hơn”.

Dự thảo quy định những khu vực cấm đi làm việc ở nước ngoài gồm: Khu vực có chiến sự hoặc có nguy cơ xảy ra chiến sự, khu vực bị nhiễm xạ, khu vực bị nhiễm độc, khu vực đang có dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm và khu vực mà nước tiếp nhận lao động cấm người lao động nước ngoài đến làm việc…

Bảo Loan

Theo Giadinh.net.vn