Ảnh minh họa

Theo đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 3 Thông tư số 35/2014/TT-NHNN về "Mức phí rút tiền mặt", cụ thể: Trường hợp số tiền mặt rút qua tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước bằng hoặc nhỏ hơn số tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông nộp về Ngân hàng Nhà nước trong tháng, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được miễn phí rút tiền mặt.

Trường hợp số tiền mặt rút qua tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước lớn hơn số tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông nộp về Ngân hàng Nhà nước trong tháng, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu mức phí rút tiền mặt là 0,005% trên số chênh lệch giữa số tiền mặt rút qua tài khoản thanh toán và số tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông nộp về Ngân hàng Nhà nước trong tháng.

Việc bổ sung quy định này nhằm khuyến khích tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng có nguồn kinh phí để tăng cường đầu tư nguồn lực tuyển chọn, thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, góp phần thực hiện nhiệm vụ quan trọng của NHNN là đảm bảo chất lượng và làm sạch đẹp đồng tiền trong lưu thông.

Đồng thời, nội dung sửa đổi vẫn đảm bảo mục đích của Thông tư 35 ban đầu là nhằm tác động đến các TCTD để tăng cường sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), hạn chế sử dụng tiền mặt; giúp các TCTD nâng cao chất lượng dịch vụ TTKDTM và từ đó gián tiếp tác động đến khách hàng nhằm tăng cường sử dụng phương tiện TTKDTM, hạn chế dùng tiền mặt để thanh toán.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung “Phương thức thu phí rút tiền mặt” như sau: Sở Giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện thu phí rút tiền mặt đối với khách hàng theo cách thu định kỳ theo tháng.

Định kỳ hàng tháng, sau khi tính và thu phí rút tiền mặt của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Sở Giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ chứng từ thu phí (Bảng kê tính phí) hạch toán khoản thu phí rút tiền mặt.

Theo Pháp luật & Xã hội