Làng Shirakawa Go là một ngôi làng nhỏ nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Gifu, miền Trung nước Nhật. Ngôi làng nằm trong một thung lũng lớn, với một bên là dãy núi Hakusan, một bên là sông Shogawa nổi tiếng của cao nguyên Hida.

Trước khi có con đường hầm xuyên qua núi, Shirakawa Go gần như biệt lập với thế giới bên ngoài trong nhiều trăm năm trời. Nhưng kể cả bây giờ, với hệ thống đường bộ hiện đại của Nhật, thì vào mùa đông, làng Shirakawa Go vẫn có thể bị cô lập, bởi đây là một trong những khu vực tuyết rơi nhiều nhất Nhật Bản vào mùa đông.

Lịch sử của Shirakawa Go đã có từ hàng nghìn năm trước, khi những bậc tu hành chọn nơi này làm chốn ẩn cư. Điều kì diệu là trải qua cả nghìn năm, thế giới thay đổi thế nào mặc kệ, Shirakawa Go vẫn giữ được gần như trọn vẹn vẻ nguyên thuỷ của mình - một ngôi làng như trong những câu chuyện cổ tích mà bạn vẫn đọc thời thơ ấu.

Tuy là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất nước Nhật, nhưng ở Shirakawa Go không có khách sạn lớn, mà chỉ có vài nhà nghỉ và homestay nhỏ. Hầu hết khách du lịch chỉ ghé qua và đi trong ngày chứ không ở lại, nên vào cuối mùa thu, đầu mùa đông, sau 5 giờ, trời đã tối đen, các nhà hàng đóng cửa. Cả làng Shirakawa chỉ có duy nhất một hàng ăn phục vụ buổi tối là Nono Restaurant.

Tuy nhiên, tôi đã chọn ở lại đây, không chỉ một mà là hai đêm (nói thực là suýt nữa định ở thêm đêm thứ ba) và thấy đây là quyết định sáng suốt nhất chuyến đi Nhật của mình. Thực lòng cảm ơn một người bạn đã gợi ý cho tôi đến nơi này.

Tôi yêu từng milimet đất của làng Shirakawa: những ngôi nhà gassho cổ kính, những con đường nhỏ ngoằn ngoèo, yêu cả cây hồng cuối thu khẳng khiu, trơ trụi lá nhưng quả chín rực cả góc vườn.

Người ta nói đến mùa tuyết rơi là mùa mà Shirakawa Go đẹp nhất. Khi đó, dưới lớp tuyết dày cả mét, gần 200 ngôi nhà Gasho trong làng sẽ đồng loạt thắp đèn trong lễ hội ánh sánh. Cả ngôi làng sáng bừng trong tuyết. Nếu bạn đi từ trên những con đường trên đỉnh núi và nhìn ánh đèn toả ra từ những ngôi nhà Gassho ở Shirakawa những tối mùa đông, hẳn là bạn sẽ có cảm giác nhớ nhà, nhớ món ăn mẹ nấu, nhớ bếp lửa mà gia đình bạn quây quần bên nhau mỗi tối.

Nhưng kể cả khi đến Shirakawa không phải giữa mùa tuyết rơi, thì tôi vẫn bần thần vì vẻ đẹp của ngôi làng cổ tích ấy.

Mùa thu, làng Shirakawa tựa lưng vào vách núi, với những rặng tuyết tùng xanh thẫm kiêu hãnh và lạnh lùng; với những hàng cây phong rủ nhau đỏ mặt; những con mương nhỏ trong vắt chạy quanh co khắp làng, ôm lấy những ngôi nhà, ôm lấy đồng ruộng, ôm lấy cả những cây hồng chín đỏ và những vạt cỏ lau sau lưng nhà, rồi chảy ra sông Shogana đang mùa cạn nước.

Tôi đã ngồi ở trên đỉnh đài quan sát và nhìn xuống thung lũng cả một buổi chiều, nhìn những ánh đèn bắt đầu thắp lên trong ô cửa những ngôi nhà cổ xưa... và chỉ chịu rời đi khi trời sầm sập tối và mưa bắt đầu nặng hạt.

Tôi chọn ở lại trong một homestay nhỏ ven sông, ăn tối trong nhà hàng duy nhất của làng; ban ngày ôm máy ảnh đi lê la khắp làng, buổi tối sau 5h30- tôi học cách sống như người làng Shirakawa, ngồi bên lò sưởi, thưởng thức chén trà xanh thơm lừng, ăn một chiếc bánh nhân đậu đỏ truyền thống và đọc cuốn sách yêu thích mang theo.

Điều mà tôi thích nhất ở Shirakawa, là kể cả đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng, nó vẫn giữ được sự tách biệt vốn có với phần còn lại của thế giới mà nó đã mang theo cả nghìn năm. Người làng Shirakawa, những chủ nhân của những ngôi nhà Gassho quý giá đã cùng nhau ký vào một cam kết: không bán, không phá, không thay đổi cấu trúc và không cho khách thuê trọ trong những ngôi nhà đó.

Dù có thể thu lợi rất nhiều từ khách du lịch, nhưng hình như người Shirakawa Go không quá mặn mà với việc kiếm tiền. Những nhà hàng, quán cafe mở cửa từ 11 giờ trưa đến 4 giờ chiều. Đúng 4 giờ chiều, không chậm hơn một phút, dù khách bước vào, tha thiết muốn dùng một tách cafe hay mua một món đồ lưu niệm, họ cũng kiên quyết nói không.

Ở Shirakawa Go không có taxi. Trong làng, trừ xe của người địa phương, còn thì các phương tiện khác không được đi lại. Cả làng chỉ có một trạm bus đón khách du lịch đến từ Takayama và Kanazawa , cùng vài xe bus nhỏ dành cho khách di chuyển từ trạm bus lên đài quan sát.

Nhưng đừng leo lên chiếc shuttle bus ngắm cảnh ấy. Vì 20 phút leo núi sẽ chẳng là gì so với những cảnh đẹp sẽ khiến bạn trầm trồ trên đường đi.

Việc đi bộ 5-7km mỗi ngày ở Shirakawa Go là một trải nghiệm rất tuyệt vời với tôi khi vừa đi vừa tha thẩn chụp ảnh, ngó nghiêng khắp chốn, lúc thì sà vào tiệm trà, khi thì ghé qua hàng bánh gạo; hoặc đôi khi chỉ là ngồi vẩn vơ bên con kênh nhỏ, dưới gốc cây hồng già.

Người làng Shirakawa rất dễ thương và hiền lành.

Bà chủ quán trà chiều tôi ngồi, khi tôi tự dọn dẹp tách trà mang đến quầy thanh toán, bà hỏi tôi từ đâu đến và đã nói “xin chào, cảm ơn” bằng Tiếng Việt và tặng tôi một cái postcard tự tay bà vẽ.

Sasaki, chàng trai trong homestay tôi ở thì đưa đón tôi hết lần này đến lần khác mà kiên quyết không nhận tiền.

Lúc 5h30 tối, tôi nói với chủ nhà hàng Nono là tôi muốn ăn thịt bò và order suất lẩu bò (chỉ dành cho hai người). Nhưng bà kiên quyết từ chối, nói rằng suất đó quá nhiều cho tôi, và dù tôi có trả tiền bà cũng ko bán. Bà chỉ cho tôi một nhà hàng cạnh đó, chuyên bán BBQ bò, và bảo tôi hãy đến đó thử. Bà nói: “sẽ tiếc lắm nếu đến đây mà mày chỉ ăn mỗi món của nhà hàng tao”. Thế là tôi lại đi bộ trong sương giá, tìm nhà hàng BBQ, đến nơi thì vừa kịp đóng cửa, mà tuyệt nhiên ko hề thấy bực mình.

Một nơi đáng yêu hơn nhiều lần so với sự kỳ vọng...

Vài lưu ý nhỏ:

-Nếu đi từ sân bay Kansai hoặc Kyoto station, có thể bắt tàu của JR đến ga Kanazawa rồi đi Ohi Bus đến làng Shirakawa. Chuyến bus cuối cùng cả hai chiều đều là 5h30 chiều.

-Nếu bạn có con nhỏ, hoặc cần một chỗ ở sang chảnh và tiện nghi, thì ko nên qua đêm ở Shirakawa.

 

 

Theo dulich.reatimes.vn