Trong quá khứ, Kyoto là thành phố hàng đầu Nhật Bản, là kinh đô của đất nước Mặt Trời mọc. Thành phố rộng 828 km², với số dân hơn 1,5 triệu người. Tuy không rộng và cũng không đông dân, nhưng đây là thành phố cực phát triển, có tới 37 viện và trường đại học, trong đó có 3 trường Đại học Kyoto, Doshisha và Ritsumeikan, Kyoto Women’s University hết sức danh giá.

Tới nay, Kyoto còn giữ lại cho mình tới 2000 đền, chùa đạo Phật và Thần đạo. Thành phố cũng có nhiều cung điện nổi tiếng, như Cung điện Hoàng gia Kyoto, biệt thự Hoàng gia Katsura, biệt thự Hoàng gia Shugaku-in... Trong trung tâm thành phố, đi đâu cũng gặp di sản văn hóa, đi đâu cũng gặp một điều gì đó nửa quen nửa lạ, như thực như mơ.

Xen lẫn những nét cổ kính của Kyoto là những công trình kiến trúc hiện đại, trong đó có nhà ga Kyoto. Đây là nhà ga lớn và hiện đại đứng thứ hai ở Nhật Bản với 15 tầng gồm khách sạn, rạp chiếu phim, trung tâm mua sắm và siêu thị. Nhà ga được coi là nơi hội tụ tất cả các tuyến đường của thành phố. Người ta nói rằng, nếu không may lạc lối ở Kyoto thì chỉ cần hỏi bất cứ người dân nào nhà ga ở đâu, tới đó bạn sẽ tự tìm được lối về.

Đường lên đền Motonosumi-Inari.

Đường lên đền Motonosumi-Inari.

Kyoto cách khá xa Tokyo, gần 500km. Cũng chính vì thế thành phố này luôn là trung tâm thứ hai của đất nước. Do phương tiện hiện đại, nếu muốn đến Tokyo, từ ga trung tâm Kyoto bạn chỉ cần lên tàu siêu tốc, 2 tiếng sau là đến. Việc kết nối thuận tiện của hai thành phố lớn nhất Nhật Bản này càng khiến cho cuộc sống thuận lợi hơn.

Geisha là một nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản. Geisha trong tiếng Nhật có nghĩa là “con người của nghệ thuật”, là nghệ sĩ vừa có tài ca múa nhạc lại vừa có khả năng trò chuyện, là một nghệ thuật giải trí truyền thống của Nhật Bản.

Thế kỷ 18 và 19, Kyoto được coi là “thủ phủ Geisha” của nước Nhật. Dù bị nhiều tai tiếng, nhưng thực sự thì Geisha là một loại hình biểu diễn tài nghệ văn hóa lành mạnh, cao cấp.

Loại hình nghệ thuật này gắn liền với các võ sĩ đạo- Samurai. Là tầng lớp quý tộc Nhật, các Samurai sống rất có văn hoá, lấy thi ca, nhã nhạc, thư pháp làm trò giải trí. Họ ưa được hưởng sự phục vụ từ phía nữ giới dưới hình thức văn hoá lành mạnh hợp với tâm hồn võ sĩ, đó là hình thức giải trí tao nhã.

Theo truyền thống, Geisha được huấn luyện từ khi còn nhỏ. Người học sống tại nơi đào tạo, bắt đầu với việc làm việc nhà và giúp đỡ người thợ chính, từ đó dần dần thành nghề.

Tới nay Geisha không còn phổ biến, nhưng ở Kyoto họ vẫn xuất hiện tại các khu vực gọi là “hanamachi” khu phố hoa. Họ không còn sống tại nơi làm việc như trước mà ở nhà riêng, được người hâm mộ gọi là những người của “hoa liễu giới”- tức là thế giới của hoa và liễu.

Mùa xuân Kyoto

Mùa xuân Kyoto

Tokyo còn thực sự là thủ phủ của Kimono- trang phục nữ truyền thống của người Nhật Bản. Kimono không đơn thuần là trang phục truyền thống mà còn được xem là một tác phẩm nghệ thuật. Lịch sử của Kimono được ghi nhận vào thời Heian (khoảng năm 794). Kimono phù hợp với mọi thời tiết, từ đó đã trở thành một phần trong cuộc sống của người dân Nhật.

Theo thời gian, trang phục này cũng có sự biến đổi, cải tiến, tuy nhiên vẫn còn đó cốt cách nền tảng không thay đổi. Tới nay, người Nhật hiếm khi mặc Kimono trong cuộc sống hàng ngày mà dành chúng cho những dịp như đám cưới, đám ma, tiệc trà hay những sự kiện đặc biệt khác trong mùa lễ hội.

Kimono có nhiều loại: “Furisode”- dành cho thiếu nữ còn độc thân, ống tay áo rộng và dài, màu sắc tươi tắn với nhiều hoa văn trang trí trên vải lụa tốt, thường được dệt thủ công. “Tomesode”- là y phục trang trọng dành cho phụ nữ đã có gia đình, ống tay áo ngắn, màu chủ đạo ở thân áo là màu đen, phần vạt áo bên dưới có một số hoa văn đơn giản với màu sắc trang nhã.

Tsukesage”- được mặc trong các buổi tiệc, tiệc trà, cắm hoa và đám cưới của bạn bè. Thường có hoa văn chạy dọc theo thân và lưng áo, đắp ở đỉnh vai, họa tiết trên áo sáng và nổi rõ.

“Yukata”- đây là loại thông thường, mặc mùa hè, thường làm bằng vải cotton với tay áo ngắn. “Shiromuku”- là lễ phục trắng cô dâu mặc trong đám cưới với phần đuôi áo khá dài và tròn ra. Màu trắng tượng trưng cho sự bắt đầu của một chuyến đi. Bộ lễ phục này thường đi kèm băng vải trắng trên đầu.

Với một bộ Kimono, cần 8 mảnh vải để may. Những mảnh này được khâu thủ công lại với nhau để tạo ra hình dáng cơ bản, mọi đường may đều dựa trên đường thẳng. Kimono bao giờ cũng được trang trí bằng những hình vẽ với các họa tiết cổ điển, tuy rằng màu sắc khá phóng khoáng.

Thiếu nữ Kyoto trong bộ Kimono truyền thống.

Thiếu nữ Kyoto trong bộ Kimono truyền thống.

Một phụ kiện không thể thiếu trong bộ Kimono là chiếc khăn thắt lưng Obi, nó là điểm nhấn trang trí rất tinh tế.. Một chiếc Obi thông thường dài khoảng 4,2m và rộng 30cm, chất liệu lụa và được trang trí hoa văn dệt thủ công cầu kì, tinh xảo.

Mặc Kimono cũng là cả một nghệ thuật. Một người không thể tự mặc mà phải cần đến sự giúp đỡ của người khác. Riêng với Obi, người Kyoto đã có tới hơn 100 cách để buộc cho thấy sự cầu kì, tỉ mỉ và tinh tế hết mức.

Phụ nữ Kyoto hiện đại mặc Kimono đơn giản hơn trước, nhưng bao giờ cũng có khăn Obi, tất xỏ ngón Tabi và đi với dép Zori. Tất Tabi và dép Zori luôn là màu trắng.

Và, để làm đẹp, bất kỳ người Kyoto nào khi mặc Kimono thì cũng đều mang theo một cây dù trúc truyền thống. Đẹp và tao nhã.

Theo ngaynay.vn