Theo quyết định ngày 19/11/2015 do Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga ký, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được phép đào tạo trình độ đại học hệ chính quy, ngành Y đa khoa (mã số 52720101) và Dược học (mã số 52720410).

Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ: “Chỉ tiêu tuyển sinh của các ngành trên nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy của trường. Việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đánh giá kết quả học tập và cấp bằng tốt nghiệp thực hiện theo quy định hiện hành”.

Quyết định này ngay lập tức đã khiến nhiều người bất ngờ. Trên nhiều diễn đàn về giáo dục, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về chất lượng đào tạo ngành y, dược đối với một trường đại học ngoài công lập có truyền thống đào tạo về kinh tế, quản trị.

Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý cho ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành Y đa khoa, Dược học 

Bộ Y tế khuyến cáo bổ sung điều kiện 

Thông tin từ VnExpress, hai ngày trước khi Bộ Giáo dục cho phép Đại học Kinh doanh và Công nghệ đào tạo Y Dược, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu trường hoàn thiện một số điều kiện trong biên bản thẩm định thì mới ủng hộ mở ngành.

Ông Nguyễn Minh Lợi, Cục phó Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, tháng 10/2015, Bộ Y tế tham gia vào đoàn thẩm định, kiểm tra các điều kiện cụ thể tại cơ sở Đại học Kinh doanh và Công nghệ dự định dành đào tạo bác sĩ đa khoa ở Bắc Ninh. Đoàn đã thống nhất trường cần bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung để hoàn thiện đề án.

Cụ thể, Bộ Y tế khuyến cáo trường cần bổ sung, hoàn thiện và làm rõ đội ngũ giảng viên cơ hữu chuyên ngành, cơ sở thực tập tại trường, cơ sở thực hành ngoài trường và sự tham gia của các giảng viên cơ hữu chuyên ngành tại cơ sở thực hành ngoài trường… Danh sách trường có 47 giảng viên đào tạo bác sĩ, nhưng chỉ 17/47 người có cam kết, trong khi yêu cầu cần tối thiểu một nửa. 

“Theo quy trình, Bộ Y tế hiểu rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát, xác định và nhất trí với những bổ sung của trường theo góp ý của Bộ Y tế. Vì vậy, ngày 17/11 Bộ có công văn yêu cầu trường hoàn thiện theo biên bản làm việc mới ủng hộ việc mở ngành”, ông Lợi cho biết. 

Tuy nhiên, đến ngày 19/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định cho phép Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo trình độ đại học, hệ chính quy ngành Y đa khoa, Dược học. 

Theo quy định, việc xem xét, quyết định cho phép mở ngành đào tạo thuộc thẩm quyền của Bộ Giáo dục. Hai Bộ Y tế, Giáo dục sẽ kiểm tra các điều kiện đảm bảo việc mở ngành và chất lượng đào tạo đối với Đại học Kinh doanh và Công nghệ nói riêng và các cơ sở đào tạo nhân lực y tế trong cả nước. Nếu không đáp ứng điều kiện, Bộ Y tế sẽ kiến nghị Bộ Giáo dục ngừng tuyển sinh.

Theo ông Lợi, Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Giáo dục đẩy mạnh chương trình đổi mới căn bản, toàn diện trong đào tạo lĩnh vực Y, Dược. Trong tương lai, Bộ Y tế đề xuất và xây dựng chính sách trong đó sẽ tổ chức thi chứng chỉ hành nghề theo như thông lệ quốc tế.

Hiện cả nước có 22 trường cả đa ngành và chuyên ngành tham gia đào tạo trong lĩnh vực y tế. Trong đó có Đại học Kinh doanh và Công nghệ là trường ngoài công lập thứ năm và là trường đầu tiên Bộ Y tế được tham gia thẩm định mở ngành đào tạo trong lĩnh vực y tế.

Cũng theo TTXVN, ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ cho biết, trường đã mất 3 năm chuẩn bị để mở ngành Y, Dược, bao gồm hệ thống phòng ốc, máy móc, thiết bị y tế, cơ sở thực tập, quy trình xử lý rác y tế… Không tính diện tích đất đai, phòng ốc, riêng chi phí đầu tư trang thiết bị cho các ngành này là 80 tỷ đồng.

Về nhân lực, ông Hóa khẳng định trong hơn 40 cán bộ, giảng viên thì hơn 10 người là giáo sư, phó giáo sư có uy tín đầu ngành trên cả nước. "Về đội ngũ, thậm chí nhiều trường y, dược chuyên ngành hiện nay cũng không bằng trường tôi", ông Hóa nói.

Theo Phó hiệu trưởng Hóa, trường đã gửi báo cáo lên Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đề xuất ba tổ hợp tuyển sinh gồm Toán - Lý - Hóa, Toán - Hóa - Sinh và Toán - Lý - Sinh. Trường xét tuyển theo điểm thi THPT quốc gia, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 20 điểm ba môn và dự định tuyển khoảng 100 chỉ tiêu cho cả hai ngành.

Văn bản đề xuất của Bộ Y tế ủng hộ cho ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được đào tạo Y đa khoa và Dược học 

Đáng tin hay chỉ để kiếm tiền?

Trao đổi với Vietnamnet, TS Võ Xuân Sơn - Giám đốc Trung tâm y khoa EXSON, TP.HCM:“Tôi rất lo ngại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ đào tạo ngành y”

Cách thức thi cử hiện nay của chúng ta không phản ánh đúng được chất lượng đòi hỏi đầu vào của ngành y. Bao nhiêu điểm không quan trọng lắm, nếu ngoài 3 môn đó ra còn có thêm tiêu chí khác. Nhưng theo Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thông báo chỉ xét tuyển trên tổ hợp 3 môn thi, thì rõ ràng chất lượng thí sinh 20 điểm thua thí sinh 27, 28 điểm.

Nếu bổ sung thêm được tiêu chí xét tuyển thì tốt, tùy theo đặc điểm của ngành, của trường mà thêm kiến thức chung về xã hội, tâm lý học, giao tiếp, các bài kiểm tra để đánh giá tâm lý có ổn định hay không, kiểm tra về tâm tính con người.

Và muốn đào tạo được tốt nhất, phải nhìn xem xã hội đang thiếu gì. Về chuyên môn, thì phải nắm vững kiến thức chuyên môn, vấn đề bệnh học, sinh lý học, cách xử lý dược học, độc học… Nhưng phải rèn luyện được kỹ năng thể hiện được sự quan tâm với người bệnh, cách tiếp xúc với người bệnh. Ở Việt Nam, đây là vấn đề yếu nhất.

Đào tạo y không chỉ trường công lập mới làm được. Tôi ủng hộ đào tạo tư nhân. Nếu trường tư có tâm huyết, có tài chính thậm chí còn tốt hơn trường công lập, bởi không bị những vấn đề khác, như cử tuyển, kéo mặt bằng chất lượng xuống. Trường tư còn mạnh ở cơ chế, nên kéo được nhiều giảng viên giỏi về trường.

Nhưng đấy là lý thuyết. Ở Việt Nam, trường ngoài công lập đáng được tin cậy không, hay chỉ để kiếm tiền? Nếu chỉ đào tạo để xà xẻo, theo kiểu giật gấu vá vai, thì đương nhiên là không tốt.

Có những đơn vị nếu làm trường tư thì tôi sẽ tin, ví dụ như Vincom. Nếu bây giờ họ lập trường đại học y dược, tôi sẽ tin bởi họ đã làm bệnh viện bài bản, thể hiện tiềm lực tài chính, nhân sự. Nhưng quả thực nếu những trường như ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội làm tôi rất lo ngại.

Để đào tạo y khoa, trường phải có ít nhất là phòng xác, với đủ số lượng xác, để học môn giải phẫu, phải có đủ số lượng phòng thí nghiệm vi sinh, sinh học... cơ sở thực nghiệm và thực tập. Cho đến nay, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã có đủ cơ sở vật chất này chưa vẫn chưa ai rõ.

Quan trọng nữa là nhân sự. Để có được một đội ngũ giảng viên thực sự có đủ khả năng giảng dạy, đào tạo, lại là chuyện khác. Hiện nay tại nước ta, số lượng các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ biết giảng dạy, biết soạn thảo giáo trình giảng dạy y khoa không nhiều. Nếu thiếu lực lượng "đặc biệt tinh nhuệ" này, thì dù cho cơ sở vật chất có tốt đến mấy cũng không thể thành công được.

Một điều nữa, không biết Bộ Giáo dục có điều nghiên kĩ chưa. Số lượng trường đào tạo trình độ Đại học hệ chính quy ngành Y đa khoa của chúng ta bây giờ có lẽ đã hơi bị nhiều.

Hiện nay, có một cuộc khủng hoảng thừa điều dưỡng, với khoảng , ½ số người học điều dưỡng ra trường đang thất nghiệp. Không biết với tốc độ này, khi nào thì sẽ có cuộc khủng hoảng thừa bác sĩ?

Nếu không có quy hoạch sẽ tạo ra hệ thống xã hội rất tệ.

Trong tình hình đào tạo như hiện nay, chúng ta cũng cần đặt vấn đề kiểm soát đầu ra với chuẩn mực chung cho ngành. Cho các trường được đào tạo khi đủ điều kiện, nhưng việc cấp chứng nhận (lisence) làm việc là vấn đề quốc gia, không còn là vấn đề của trường nữa.

Việc này cần một cơ quan độc lập đứng ra thực hiện, ví dụ như Y sĩ đoàn. Cơ quan này điều tra xã hội về nhu cầu bác sĩ cần bao nhiêu, tiêu chuẩn như thế nào. Bộ Y tế là cơ quan quản lý Nhà nước, từ những dữ liệu đó đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể, đưa ra chương trình khảo nghiệm quốc gia để khảo sát. Những người qua được cuộc khảo sát này mới được hành nghề bác sĩ, chứ không phải chỉ tấm bằng tốt nghiệp của trường rồi mười mấy tháng làm việc trong bệnh viện.

Theo Ngân Chi (Tổng hợp)/ Gia đình Việt Nam