Tôi vừa trở về sau một chuyến đi dài, lênh đênh trên biển đầy sóng và gió. Suốt những ngày sóng to gió lớn, cứ xong những phút tác nghiệp vất vả, tôi lại nhớ Hà Nội. Phố xá Hà Nội ồn ào tấp nập như thế, đã có lúc giữa lòng phố tôi thấy cảm thấy mình thực sự ngột ngạt, nhưng Hà Nội luôn là như vậy, lúc đi xa sẽ nhớ nhung không ngừng, sẽ muốn quay về không ngừng. Và như vậy, khi máy bay đáp xuống sân bay Nội Bài, tôi đứng thở bầu không khí tưởng chừng đã đi xa lắm. Một thành phố thanh xuân như tôi vẫn nghĩ, dẫu có đôi lần bạn tôi hỏi: Thành phố hơn 1000 năm tuổi, sao lại gọi là thành phố thanh xuân?

Cũng như tôi, sau một thời gian sinh sống tại nước ngoài, bạn tôi trở về Hà Nội những ngày áp tết, ken đặc người và những vòng bánh xe. Không như tâm trạng nặng nề vì phải chờ đợi các khung đường ngày cận tết, bạn tôi cười, nụ cười hiền hòa trong lất phất mưa xuân: Hóa ra, có những điều tưởng chừng bình thường giản dị, khi đi xa rồi bất chợt gặp lại, mới thấy quý giá đến vô cùng. Bạn tôi đã có lúc bảo rằng: Mình đi trong mùa đông giá rét, để mong chờ một cuộc sống nhiều mới mẻ, một mức thu nhập tốt hơn, để có thể về lại Hà Nội trong ấm áp mùa xuân. Và vèo một cái… để về được mùa xuân ấp áp này, bạn tôi đã mất trọn… 10 năm. Kỳ lạ là ở chỗ, 10 năm trở về, bạn tôi vẫn bảo: Hà Nội thật trẻ.

Giữa phố thị ồn ào, Hà Nội vẫn có văn hóa làng – nguyên vẹn và trong trẻo

Cũng đúng thôi, vì thành phố này là thanh xuân của chúng tôi – những con người tứ xứ, từ khắp nơi, được ghép chung về một giảng đường đại học, một xóm trọ ồn ào náo nhiệt của tuổi 18, đôi mươi. Lúc chúng tôi yêu sôi nổi nhất, lúc chúng tôi sống ồn ào nhất, và những lúc chúng tôi phải tự học để trưởng thành nhất, tất cả đều diễn ra ở đây. Hà Nội vừa là thanh xuân của chúng tôi, vừa là ký ức, thực tại của chúng tôi, bởi vậy, chạm ngõ thành phố sau một thời gian đi xa, thật giống như gặp lại thanh xuân của chính cuộc đời mình.

2. 30 Tết, mẹ tôi mới gói bánh, mẹ bảo thôi đừng gói quá sớm, vì ở thành phố này, phong tục đón tết cũng chừng mực, vừa phải, cỗ bàn vừa vừa để còn thời gian đi du xuân. Tôi nhớ lại 4 năm trước, lúc quyết định chuyển nhà lên đây, bố mẹ tôi đã nghĩ ngợi mông lung nhiều lắm. Bố mẹ sợ không hòa nhập được với cuộc sống thành phố, cũng sợ sẽ không vượt qua được nỗi nhớ làng, nhớ quê. Nhưng hóa ra bây giờ, ông bà đã dần quen được với văn hóa phố, và cái mừng hơn tất cả, là thành phố luôn có những diện mạo văn hóa đa dạng đến không ngờ, giữa phố thị ồn ào, Hà Nội vẫn có văn hóa làng – nguyên vẹn và trong trẻo cũng chẳng khác quê của ông bà là bao.

Tôi từng rất nhớ, cô giáo thời đại học của tôi luôn nói rằng: Hà Nội có nét văn hóa vô cùng khác biệt, đó là văn hóa làng trong phố. Nên Hà Nội có lúc đúng tên gọi là thành phố hiện đại, cũng có khi được gọi là “cái làng to thật to”. Văn hóa Thăng Long cho phép rất nhiều những nét văn hóa khác hội nhập, vì thế, qua thời gian, vẻ thâm trầm cổ kính khi xưa không mất đi, nhưng diện mạo trẻ trung, thanh xuân vẫn luôn được vun đắp mới. Vì thế, không chỉ giới trẻ, những người từ nhiều lứa tuổi đến thành phố này dễ gắn kết, dễ có thêm tình yêu, sự gắn bó với đất kinh kỳ.

3. Càng gần giờ khắc chuyển giao năm cũ và năm mới, tôi lại càng tha thiết cảm giác thích được một mình thong dong đi qua những chỗ gắn bó với mình, là một phần kỷ niệm thanh xuân của mình ở đây. Đó là cổng trường ĐH đã thưa thớt bóng người vì vào kỳ nghỉ lễ, đó là cổng cơ quan rợp bóng cây xanh, mát mẻ giữa lòng phố xá tầng tầng lớp lớp những nhà cao tầng, đó là quán café trước kia tôi vẫn ngồi nghe ban nhạc Bức Tường hát:

“Để hôm qua sau lưng

Cất bước quay trở về

Để bữa tối ấm áp bên mẹ hiền

Để đêm đông lùi xa

Khi bước chân bên hiên nhà”

Có khi nào những khuôn mặt phố tôi từng đi qua, năm, mười, hai mươi năm nữa sẽ thay đổi?

Là những ngõ phố mà suốt hơn 10 năm mưu sinh, tôi từng thuê nhà ở hết chỗ này đến chỗ khác. Có những lúc nằm trong mái nhà che nắng che mưa, tôi nghĩ rằng, có khi nào những khuôn mặt phố tôi từng đi qua, năm, mười, hai mươi năm nữa sẽ thay đổi? Nhưng dẫu có thay đổi hay không, đây vẫn là thành phố đi qua thanh xuân của tôi. Rồi tôi, cũng như rất nhiều người khác sẽ bước vào công cuộc di chuyển lớn nhất trong năm: Rời thành phố để về những làng đón tết, nhưng lại cũng rất nhanh, rất vội thôi, chúng tôi sẽ quay lại, như cái cách mà nhiều người vẫn cùng quay về:

“Vội vã trở về cùng tháng năm xưa

Sau những con đường dầu dãi nắng mưa”

Và, sau tất cả, Hà Nội vẫn là thành phố thanh xuân của mình.

Theo Pháp luật xã hội