Sẽ tăng 2 - 7 lần

Chiều nay 26/10, theo Tuổi trẻ đưa tin, Bảo hiểm xã hội VN đã tổ chức cuộc họp báo cho biết thông tin giá 1.800 dịch vụ y tế sắp tăng mạnh, trong đó đa số dịch vụ sẽ tăng 2-7 lần so với hiện hành do đưa phụ cấp trực, phục cấp phẫu thuật thủ thuật và một phần lương vào viện phí. 

Chưa hết, theo lộ trình thì đến ngày 1/3/2016 sẽ đưa toàn bộ lương vào viện phí và viện phí sẽ còn tăng tiếp một đợt nữa.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội VN, trong số các dịch vụ cơ bản, giá khám bệnh sẽ tăng từ 2-4 lần tùy hạng bệnh viện, lên mức 30-39 ngàn đồng/lượt khám thông thường, trường hợp mời chuyên giá đến hội chẩn sẽ tính 150-200 ngàn đồng/lần.

Tiền ngày giường bệnh sẽ tăng khoảng 2 lần, tối đa giá giường hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt lên mức xấp xỉ 700.000đ/ngày giường.

Tại Bệnh viện hạng 4 là hạng bệnh viện thấp nhất hiện nay, giá giường điều trị nội trú cũng lên tối thiểu 154.000đ/ngày giường, cao gấp gần 3 lần so với hiện hành. Giá 1.800 dịch vụ y tế cơ bản cũng tăng mạnh, trong đó nhiều dịch vụ sẽ tăng 2-7 lần.

Trả lời báo chí về tác động của viện phí mới đến người bệnh, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện Chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội VN cho biết trước mắt viện phí mới sẽ áp dụng với nhóm bệnh nhân có bảo hiểm y tế (73% dân số), số còn lại dự kiến sẽ áp dụng trong năm 2016.

Ông Sơn cũng cho rằng viện phí mới thống nhất tại các cơ sở khám chữa bệnh cùng hạng trong cả nước, do đó người bệnh sẽ được cung cấp dịch vụ công bằng và đồng đều hơn.

Ngoài ra, phần chi từ tiền túi người dân sẽ giảm, do thuốc, vật tư y tế, chi phí khấu hao máy móc, duy tu bảo dưỡng thiết bị đã được tính vào giá dịch vụ và được quỹ Bảo hiểm y tế chi trả, người bệnh sẽ không phải trả chi phí đã được tính vào giá dịch vụ y tế.

Theo ông Sơn, hướng đến năm 2018 phần chi từ tiền túi người dân sẽ ở mức dưới 40% giá dịch vụ, giảm hơn rất nhiều so với hiện nay là xấp xỉ 50%.

Tuy nhiên điều khó khăn là còn tới 27% dân số tương đương 25 triệu người chưa có bảo hiểm y tế, dự kiến mức viện phí mới tăng cao kể trên cũng sẽ áp dụng với nhóm bệnh nhân này trong 2016.

Các dịch vụ y tế mà bảo hiểm y tế chi trả sẽ tăng giá trong thời gian tới

Bệnh viện lo giữ bệnh nhân

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết trên Hà Nội mới, với cơ chế tài chính hiện nay, Bệnh viện dù làm tốt hay chưa tốt thì ngân sách nhà nước vẫn cấp kinh phí trả lương cho bác sĩ và chi phí cho bệnh nhân tính theo đầu giường bệnh.

Do đó xảy ra tình trạng bệnh nhân đi khám bệnh phải "mang ơn" bác sĩ hoặc không ít nhân viên y tế có thái độ trịch thượng, thờ ơ với người bệnh. Vì làm tốt hay không, đối xử tử tế hay thô lỗ thì vẫn được trả lương. Còn nếu giá viện phí tính theo giá thị trường, Nhà nước ngừng cấp kinh phí, Bệnh viện không thu hút được bệnh nhân sẽ "đói".

Đồng tình với quan điểm này, ông Sơn cho biết, tăng viện phí chính là cách tốt nhất để các bệnh viện tự "chuyển mình", nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và thay đổi thái độ phục vụ đối với bệnh nhân - "Thượng đế". Làm tốt - lương cao, nhân viên y tế sẽ phải thay đổi quan niệm "ban ơn", còn người bệnh cũng có quyền yêu cầu được phục vụ tốt, phù hợp với giá tiền mình bỏ ra. 

Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội) cho rằng, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế ở nhóm bệnh nhân có thẻ Bảo hiểm y tế là phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Bà Hường phân tích việc điều chỉnh viện phí lần này được coi là "một mũi tên trúng hai đích":

Bệnh viện đỡ khó khăn hơn khi tự chủ tài chính, còn bệnh nhân cũng được hưởng chất lượng khám chữa bệnh cao hơn, đỡ phải mua vật tư bên ngoài. Mỗi Bệnh viện cũng phải cố gắng hết sức để thu hút bệnh nhân, nếu không Bệnh viện sẽ không có tiền trả lương nhân viên, thậm chí đóng cửa.

Theo Ngân Chi (Tổng hợp) / Gia đình Việt Nam