Công việc của dân văn phòng thường kéo dài 8 tiếng mỗi ngày khiến cơ thể rất mệt mỏi, gây ra nhiều bệnh lý. Dưới đây là các bệnh thường gặp của dân văn phòng và cách phòng tránh.

cac benh thuong gap cua dan van phong va cach khac phuc giaidnhvietnam

Dân văn phòng thường phải đối mặt với nhiều bệnh lý khác nhau (Ảnh minh họa)

Bệnh thoái hóa cột sống

Dân văn phòng thường phải ngồi làm việc liên tục do đó rất dễ bị thoái hóa cột sống. Một số biểu hiện rõ rệt của bệnh là triệu chứng đau lưng, nhức mỏi xương khớp. Nếu ngồi lâu mà không đứng dậy đi lại, vận động bạn có thể bị chùn cột sống dẫn đến nguy cơ thoái hóa cột sống khi có tuổi. Ngoài ra, cùng với việc hạn chế tiếp xúc ánh nắng mặt trời lâu dần sẽ làm cho xương trở nên giòn, xốp và đẩy nhanh quá trình loãng xương kèm theo một số bệnh như thoát vị đĩa đệm, gai cột sống và thoái hóa đốt sống cổ.

Cách phòng tránh: Bạn nên vận động nhiều hơn, thường xuyên thay đổi tư thế ngồi, tránh ngồi lâu một tư thế, 1-2 tiếng ngồi lên và đi lại khoảng 5 phút, có thể kết hợp một số động tác như vươn vai, xoay người. Duy trì lối sống tích cực với việc thường xuyên tập thể dục.

Bệnh trĩ, táo bón

Bệnh trĩ là một trong những bệnh dân văn phòng hay gặp nhất. Đặc thù ngồi nhiều một tư thế, vận động ít là nguyên dân dẫn đến sức ép lên trực tràng, cùng với việc ăn uống thất thường tạo điều kiện cho bệnh táo bón hình thành , dẫn đến tình trạng bệnh trĩ càng nặng hơn.

Cách phòng tránh: Bạn nên vận động thường xuyên, thay đổi thói quen ăn uống, ăn nhiều rau xanh và chất xơ hơn, tránh làm việc quá mệt, không ngồi đại tiện quá lâu và tránh việc mặc quần quá chật.

Các bệnh về mắt

Mỏi mắt và khô mắt là hai triệu chứng dễ nhận thấy nhất khi phải làm việc nhiều với màn hình máy tính. Nếu làm việc nhiều giờ với máy tính mà không cho mắt thư giãn sẽ khiến bạn bị đau đầu, có cảm giác nôn nao rất khó chịu. Đặc biệt bạn phải thường phải mở to mắt hơn bình thường khi nhìn vào màn hình máy tính mắt sẽ nhanh bị khô.

Cách phòng tránh:  Để tránh khô mắt bạn nên chớp mắt thường xuyên sẽ giúp mắt không bị mỏi và khô. Bên cạnh đó, bạn nên chọn một chỗ ngồi gần cửa sổ có không khí và ánh sáng tự nhiên sẽ có lợi cho sức khỏe của bạn, bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lí và đầy đủ vitamin A.

Đau, viêm loét dạ dày

Dân văn phòng thường xuyên phải chịu áp lực công việc, ngủ nghỉ không đúng giờ giấc và thói quen ăn uống thất thường không đảm bảo( sử dụng nhiều cafein, ăn nhanh, bỏ bữa,..) làm dạ dày tiết nhiều axit, tăng dịch vị làm đau, loét dạ dày.

Cách phòng tránh:  vận động nhiều, ăn uống hợp lý, có biện pháp giải tỏa áp lực linh hoạt, tránh để stress kéo dài.

Suy giảm trí nhớ

Tình trạng suy giảm trí nhớ ở dân văn phòng trở nên đáng báo động hơn bao giờ hết. Có hơn 30% dân văn phòng bị mắc bệnh lý này. Nguyên nhân chủ yếu là do áp lực công việc, số lượng công việc quá lớn nên mọi người phụ thuộc quá nhiều vào các thiết bị công nghệ.

Cách phòng tránh: Giảm áp lực công việc là việc làm cần thiết để tránh tình trạng suy giảm trí nhớ.

Hội chứng ống cổ tay

 Nguyên nhân chính của bệnh này là do chúng ta sử dụng chuột máy tính. Do các dây thần kinh bị chèn ép, nên nhiều người cảm thấy đau, tê ngón phải và ngón giữa, cảm giác ngón cái yếu đi, đau ở cổ tay và lòng bàn tay. Chứng bệnh này tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng về lâu dài có thể tàn tật do tổn thương các dây thần kinh và mạch máu.

Cách khắc phục: chúng ta nên ngồi làm việc ở tư thế chuẩn, bàn tay, cổ tay và cánh tay đặt thẳng hàng và song song với sàn nhà. Độ cao tay vịn của ghế phải ngang tầm với mặt bàn. Khi sử dụng chuột, không nên để gập cổ tay và tỳ cổ tay vào cạnh bàn, tránh chèn ép lưu thông máu cánh tay.

Nguồn: https://giadinhvietnam.com/diem-mat-6-can-benh-thuong-gap-cua-dan-van-phong-va-cach-khac-phuc-d145641.html

Theo Giadinhvietnam.com