Theo khảo sát của PV, trên thị trường hiện nay có rất nhiều những đồ chơi Trung Quốc gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của các bạn nhỏ. Những mặt hàng này không chỉ có ở nhiều tuyến phố trên Thủ đô mà còn xuất hiện ở những trung tâm thương mại, siêu thị lớn của Hà Nội- nơi được cho là kiểm tra kĩ. Điều đáng nói là có một số sản phẩm không có tem kiểm định, kiểm tra an toàn mà vẫn được bày bán...

Câu hỏi đặt ra liệu cơ quan chức năng có thường xuyên kiểm tra hay không? Và trong khi câu hỏi thì vẫn đang bỏ ngỏ nhưng hậu quả thì đã nhãn tiền, không chỉ dừng lại ở mức cảnh báo nguy hiểm, ảnh hưởng mà nó đã trở thành những hậu quả hết sức thương tâm.

Điểm mặt những sự cố từ đồ chơi Trung Quốc

Cụ thể như năm 2014, một số bạn học sinh trường tiểu học Chu Văn An (thị trấn Đức An, Đắk Song, Đắk Nông), trước khi vào học chính thức, các bạn học sinh đã mua một loại đồ chơi có hình thù gần giống quả lựu đạn ở gần cổng trường. Trong quá trình chơi do dẫm đạp, quăng ném nên đã phát nổ làm cho 32 học sinh có triệu chứng choáng váng, khó thở, có em bị ngất xỉu… May mắn trong sự việc trên chưa có trường hợp nào tử vong nhưng sự hoảng loạn, sang trấn về tinh thần cũng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của các em sau này.

Đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của trẻ nhỏ

Đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của trẻ nhỏ (Ảnh: Internet)

Tiếp đó, cũng trong năm 2014, tại Ninh Thuận một vụ nổ đồ chơi Trung Quốc khiến 1 bạn nhỏ phải nhập viện và mất 3 ngón tay, vỡ thủy tinh thể.

Sau đó 1 năm, năm 2015, tại (thôn Đông, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương), một bạn nhỏ 7 tuổi mua món đồ chơi này tại một cửa hàng gần trường học. trong lúc anh em giằng nhau đồ chơi, người nhà nghe tiếng “tách”. Ngay sau âm thanh đó, 2 bạn nhỏ đứng khựng lại, một lúc sau xỉu dần. Thấy vậy, gia đình vội đưa đến bệnh viện Thanh Miên để cấp cứu, tuy nhiên, kém may mắn hơn các trường hợp nêu trên, một trong hai bạn nhỏ kể trên đã tử vong trước khi đến bệnh viện.

Gần đây nhất ngày tháng 08/2018, tại xã Hưng Lợi, Hưng Nguyên, Nghệ An, một bạn nhỏ 8 tuổi Khi đang nghịch đồ chơi chạy bằng pin, không may bị vật này phát nổ gây chấn thương nặng phải nhập viện cấp cứu.

Những sự cố nêu trên chỉ là 1 trong hàng trăm, hàng nghìn trường hợp liên quan đến mức độ nguy hiểm của đồ chơi trung quốc đối với các bạn nhỏ, những hậu quả để lại cũng hết sức nặng nề. Nếu như việc cảnh báo của truyền thông có sức lan tỏa hơn, cơ quan chức năng có liên quan xử lý triệt để các trường hợp vi phạm hơn kèm theo ý thức của những bậc phụ huynh được nâng cao hơn thì có lẽ những trường hợp thương tâm nêu trên đã không xảy ra.

Các bậc phụ huynh bỏ tiền ra để mang lại niềm vui cho con trẻ, để phục vụ nhu cầu thiết yếu mà các em đáng được hưởng nhưng thực tế nhận lại khác xa với mong muốn. Việc lựa chọn đồ chơi cho con em mình cần hết sức kỹ lưỡng và sáng suốt để tránh việc “tiền mất tật mang” thậm chí là đánh đổi cả tính mạng của các em nhỏ. Điều mà không ai muốn nghĩ tới và mong muốn xảy ra.

Các thương hiệu lớn về đồ chơi có thực sự có nguồn gốc từ “phương Tây” ?

Những mặt hàng đồ chơi trôi nổi trên thị trường và cả những thương hiệu đồ chơi đã có tiếng tăm trên thị trường thực chất có nguồn gốc như thế nào? Và có thật sự đảm bảo?

Khảo sát thêm của phóng viên trên thị trường đồ chơi tại các trung tâm thương mại lớn, có rất nhiều hãng đồ chơi xuất xứ của Trung Quốc nhưng lại lấy cái tên mang đậm chất “Phương Tây” như My Kingdom… vô hình chung khiến đa phần các bậc phụ huynh nhầm tưởng mình bỏ ra số tiền lên đến hàng triệu đồng là đang sở hữu đồ chơi của Châu Âu.

Thực tế xuất xứ của hãng đồ chơi này từ đâu? Và giá thành có đi đôi với chất lượng?

Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra đồng thời xử lý những sai phạm nếu có để những người tiêu dùng có thể yên tâm mua những sản phẩm chất lượng cho con em mình.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin ./.

Theo Trúc An/Đô thị mới