Để khởi nghiệp thành công không phải là điều dễ dàng đối với các doanh nhân trẻ chưa có kinh nghiệm. Khởi nghiệp thành công một tập đoàn đa quốc gia còn khó hơn khi vướng nhiều rào cản về văn hóa, ngôn ngữ và địa lý.

Tuy nhiên, chàng sinh viên Harvard, Anthony Tan đã thành công khi sáng tạo ra nền tảng gọi xe công nghệ Grab giờ đây đã quen mặt khắp các ngõ ngách của Đông Nam Á.

Từng là sinh viên Đại học Harvard - Anthony Tan được bố mẹ mong đợi sẽ nối nghiệp gia đình là một doanh nhân trong lĩnh vực dầu khí ở Malaysia. 

Tuy nhiên, khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, nhận thấy rất nhiều người gặp khó khăn trong việc đón taxi ở quê nhà, chàng trai này đã nghĩ ra ý tưởng tạo ra ứng dụng chỉ cần mở điện thoại là có thể gọi được xe. Để có sự đồng thuận của gia đình và có vốn để bắt tay vào khởi nghiệp với Tan là không hề đơn giản mà trải qua nhiều khó khăn, sóng gió.

Với niềm quyết tâm của mình, sau 6 năm kể từ khi tạo dựng, Grab đã nhanh chóng vươn vòi khắp toàn khu vực, mở rộng đến 11 quốc gia và 235 thành phố với hơn 650 triệu người tiếp cận. Để có được một Grab thành công như ngày hôm nay, Tan và những đồng sự của mình đã phải nắm giữ nhiều bí quyết và nó không hề đơn giản.

Nhà sáng lập kiêm CEO Grab Anthony Tan.

Nhà sáng lập kiêm CEO Grab Anthony Tan.

Theo giám đốc công nghệ Grab, ông Theo Vassilakis cho biết, bí quyết để Grab thành công như ngày hôm nay là “địa phương hóa”. “Ở mỗi quốc gia khác nhau việc kinh doanh sẽ khác biệt. Tuy nhiên, nếu bạn thâm nhập thị trường đó và tìm điểm khác biệt và mở ra những chiến lược phù hợp địa phương thì bạn sẽ có thể làm tốt hơn nhiều”, ông Vassilakis chia sẻ tại hội nghị bán lẻ, marketing và thương mại FUTR ở Singapore. Với Grab, việc này đồng nghĩa với việc đạt được ba điều.

Đáp ứng yêu cầu của địa phương

Nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng bước đầu tiên để chinh phục khách hàng ở các thị trường mới là hiểu những gì họ đang tìm kiếm và đáp ứng những điều đó.

Grab

Grab tập trung vào phương tiện vận tải truyền thống

Grab đã thiết lập mô hình kinh doanh cơ bản của mình là gọi xe công nghệ. Từ dịch vụ này, họ bắt đầu điều chỉnh để hợp hơn với từng thị trường. Họ tập trung vào phương tiện vận tải truyền thống chứ không đóng khung bất cứ một mô hình nào. Điều đó đã khiến cho Grab dễ đi vào thói quen của người dùng hơn.

Ví dụ ở Singapore xe taxi được tập trung chủ yếu. Tuy nhiên, đến với Ấn Độ thì xe ba gác tuk tuk là chủ yếu. Sang Indonesia, Việt Nam thì hãng lại tập trung phát triển mảng xe ôm công nghệ đầu tiên khi ở hai thị trường này số lượng xe máy lưu thông đứng đầu thế giới.

Giải quyết các vấn đề địa phương

Thích ứng với địa phương là điều quan trọng thì việc làm sao để tối ưu hóa những đặc điểm đó càng khó hơn.

Grab ở Indonesia cho phép khách hàng kết nối với các đối tác GrabBike ở gần chỗ mình đứng hoặc khu vực lân cận mà không cần đặt trước. Còn ở Việt Nam, Grab triển khai trả tiền mặt đối với nhưng người chưa có tài khoản ngân hàng, và đảm bảo rằng giao diện ứng dụng phù hợp với mọi người, bất kể chất lượng hay điều kiện của điện thoại thông minh.

Để thực hiện mục tiêu, Grab còn xây dựng đến sáu trung tâm nghiên cứu và phát triển, có 2.000 kỹ sư và nhà phát triển tại các thị trường khác nhau.

Cách tiếp cận quen thuộc

Khía cạnh cuối cùng để làm nên thành công của Grab hôm nay là đảm bảo rằng đội ngũ của doanh nghiệp luôn liên lạc với người dùng để tìm cách cải thiện sản phẩm.

Giám đốc điều hành Anthony Tan không chỉ ngồi bàn giấy. Ông thường xuyên gặp gỡ các tài xế để trao đổi những vướng mắc, thậm chí còn làm nhân viên giao hàng để có được những phản hồi từ khách hàng.

Còn giám đốc công nghệ Grab cho biết “Hãy đi xuống đường” là phương châm của hãng. Grab hiện mở một loạt buổi học tại nhiều thị trường khác nhau để giúp hãng nắm rõ hơn tình hình tài chính doanh nghiệp và nhận thêm phản hồi từ mạng lưới tài xế và chủ doanh nghiệp nhỏ.

Theo Mộc Trà/Đô Thị Mới