Dự án nhiều tai tiếng

Dự án Xây dựng lại khu tập thể 30A Lý Thường Kiệt (phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm) do Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư tài chính Toàn Cầu làm chủ đầu tư (CĐT). Tổng mức đầu tư dự án khoảng 190 tỷ đồng. Theo phê duyệt, tiến độ thực hiện dự án bắt đầu từ Quý I/2011, thời gian hoàn thành vào Quý I/2013.

Theo tìm hiểu trước đó, ngày 10/1/2011, UBND TP. Hà Nội có Công văn số 213/UBND-KH&ĐT về việc chấp thuận đầu tư dự án Xây dựng lại khu tập thể 30A Lý Thường Kiệt. Cụ thể, UBND TP. Hà Nội chấp thuận cho Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư tài chính Toàn Cầu đầu tư xây dựng mới khu nhà chung cư tại địa chỉ trên, đảm bảo phù hợp theo quy hoạch kiến trúc được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Dự án 30A Lý Thường Kiệt trên

Kể từ khi chưa khởi công xây dựng, Dự án 30A Lý Thường Kiệt trên "đất vàng" quận Hoàn Kiếm đã vướng loạt "lùm xùm". (Ảnh: Trần Tiến)

Các hộ dân và cơ quan, tổ chức được bố trí tái định cư tại chỗ theo Quyết định phê duyệt của UBND quận. Trong đó, các cơ quan tổ chức được bố trí tái định cư từ tầng 1 - 3, còn các hộ dân đc bố trí từ tầng 4 - 7. Diện tích còn lại từ tầng 7 - 10 CĐT mới được kinh doanh thu hồi vốn...

Trước khi thi công xây dựng, dự án trên vướng “lùm xùm” liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng, thu hồi đất. Sau đó, các cơ quan ban, ngành quận Hoàn Kiếm đã phải tổ chức cưỡng chế thu hồi và bàn giao mặt bằng cho CĐT, vì thế dự án trên đã bị chậm tiến độ. Mặc dù được chấp thuận đầu tư từ năm 2011 (thời gian hoàn thành vào Quý I/2013), nhưng đến thời điểm này, dự án vẫn đang trong quá trình thi công xây dựng.

Theo phản ánh, nhiều hộ dân ở Tập thể Ngoại thương (trú tại 31 Hàng Bài, phường Hàng Bài, Hoàn Kiếm) cho biết, trong quá trình CĐT thi công xây dựng đã làm hư hỏng nhà dân và gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ.

Quá trình dự án thi công gây nứt, bong tróc tường nhà dân khu Tập thể Ngoại thương. (Ảnh: Trần Tiến)

Quá trình dự án thi công gây nứt, bong tróc tường nhà dân khu Tập thể Ngoại thương. (Ảnh: Trần Tiến)

Một hộ dân sinh sống tại tầng 4 của Tập thể Ngoại thương bức xúc cho biết: “Công trình này khởi công xây dựng khoảng đầu năm 2018. Mặc dù nhà tập thể 5 tầng được xây dựng kiên cố, thế nhưng hoạt động xây dựng đã làm hư hỏng, nứt nhà chúng tôi. Mọi người luôn phải sống trong sự lo lắng, không những thế bụi bặm từ công trường bay sang nhà tôi rất nhiều”.

Người dân còn phản ánh, việc CĐT cho thi công xây dựng công trình cả ngày đêm, điều này đã khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Ngoài ra, việc thực hiện các biện pháp che chắn quanh công trình thi công còn sơ sài, chưa đảm bảo an toàn. Cực chẳng đã, nhiều hộ dân khu Tập thể Ngoại thương đã làm đơn kiến nghị đến chính quyền địa phương và CĐT.

“Bên dự án thi công cả ngày lẫn đêm làm chúng tôi không ngủ được. Tôi và nhiều hộ dân sinh sống tại đây đã có phản ánh đến chính quyền và CĐT nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm”, người dân sinh sống ở Tập thể Ngoại thương phản ánh.

CĐT, nhà thầu thi công “phớt lờ” quy định?

Theo phản ánh của người dân, việc thi công xây dựng dự án còn nhiều vấn đề khác gây bức xúc. Theo đó, đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Xây dựng số 2 – VINACONEX chưa tuân thủ quy định, coi thường an toàn và tính mạng của người tham gia giao thông.

“Cần trục tháp vươn ra cả ngoài đường Lý Thường Kiệt rất nhiều và hoạt động cả ngày. Chúng tôi sống ở đây cũng lo sợ nhất là mỗi lần đi bộ qua dự án này. Theo tôi được biết thì cẩu tháp như vậy chỉ được hoạt động theo giờ quy định, không hiểu sao đơn vị thi công này vẫn ngang nhiên làm như vậy”, ông B. (trú tại phố Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm) bức xúc cho biết.

Theo tìm hiểu được biết, ngày 15/11/2018, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư tài chính Toàn Cầu có Công văn số 91/CV-GI gửi Sở Xây dựng TP Hà Nội và Chi cục Giám định xây dựng, về việc xin phép sử dụng cần trục tháp cho dự án Xây dựng lại khu tập thể 30A Lý Thường Kiệt.

Cần trục tháp dự án 30A Lý Thường Kiệt hoạt động bất chấp quy định ngay cả giờ cao điểm, giao thông đông đúc. (Ảnh: Trần Tiền)

Cần trục tháp dự án 30A Lý Thường Kiệt hoạt động bất chấp quy định ngay cả giờ cao điểm, giao thông đông đúc. (Ảnh: Trần Tiền)

Qua quan sát, dự án được xây dựng trên mảnh “đất vàng” ngay sát ngã tư Lý Thường Kiệt giao với phố Hàng Bài (Hoàn Kiếm), nơi có mật độ dân cư đông đúc và lưu lượng người tham gia giao thông dày đặc. Tuy nhiên, cần trục tháp vượt quá phạm vi công trường vẫn hoạt động kể cả vào giờ cao điểm và không có đủ các hệ thống cảnh báo, cảnh giới, người hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông. Điều này khiến người tham gia giao thông cũng như người dân sinh sống gần dự án cảm thấy bất an. Chẳng may nếu cần trục tháp xảy ra sự cố gì, thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Trước đó, tại Công văn số 10107/SXD-GĐCL ngày 04/11/2016, Sở Xây dựng TP. Hà Nội đưa ra các yêu cầu cần tuân thủ đối với CĐT. Cụ thể: “Đối với vùng hoạt động của cần trục tháp vượt ra khỏi phạm vi công trình, có ảnh hưởng tới giao thông đi lại của nhân dân và công trình lân cận chỉ cho phép hoạt động từ 22 giờ đến 6 giờ sáng và phải đảm bảo có đủ hệ thống cảnh báo, cảnh giới, người hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời tăng cường kiểm tra bảo đảm an toàn kỹ thuật của cần trục tháp mới cho phép hoạt động”.

Ngoài ra, Chỉ thị số 08/CT-UBND của UBND TP. Hà Nội, về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định quản lý, sử dụng, vận hành cẩu tháp trong thi công xây dựng trên địa bàn Hà Nội cũng nêu rõ:

“Trong quá trình thi công, nhà thầu phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định, quy trình, quy phạm về lắp dựng, vận hành, bảo trì cẩu tháp; trong quá trình thi công xây dựng, chủ đầu tư, nhà thầu thi công có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho công trình, người lao động… CĐT phải bố trí người có đủ năng lực theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn của nhà thầu thi công xây dựng, tạm dừng hoặc đình chỉ thi công khi phát hiện sự cố gây mất an toàn, dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn…”.

ngày 15/11/2018, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư tài chính Toàn Cầu

Ngày 15/11/2018, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư tài chính Toàn Cầu mới xin phép sử dụng cần trục tháp tạidự án.

Mặc dù quy định đã rõ ràng như vậy, thế nhưng nhà thầu thi công dự án Công ty Cổ phần Xây dựng số 2 – VINACONEX vẫn vận hành cần trục tháp trong giờ “giới nghiêm”. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng CĐT và nhà thầu thi công đang “phớt lờ” các quy định pháp luật?

Nhiều năm trở lại đây, cùng với sự gia tăng xây dựng các công trình nhiều tầng trên địa bàn thành phố, cần trục tháp sử dụng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, do xây dựng ở các dự án cao tầng trong khu dân cư tại khu vực nội thành, chật hẹp, các đơn vị thi công thường sử dụng cần cẩu tháp không đúng quy định nên vượt ra ngoài phạm vi công trình, điều đó tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường.

Trên thực tế, đã có rất nhiều vụ việc tai nạn lao động xảy ra liên quan đến việc nhà thầu thi công vận hành cần trục tháp. Trước đó, khoảng 11 giờ ngày 20/8, trong khi cẩu tháp vận chuyển vật liệu phục vụ thi công công trình The Sun Mễ Trì Hạ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) thì bất ngờ dây cáp bị đứt, khiến 1 người đang lưu thông trên đường Mễ Trì bị thương. Cần trục tháp giờ đây đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân hàng ngày đi qua hoặc sinh sống gần nơi có dự án thi công.

Đề nghị các cơ quan chức năng quận Hoàn Kiếm, Sở Xây dựng và Sở Lao động Thương binh và Xã hội vào cuộc, làm rõ những phản ánh trên./.

Trần Tiến

Theo Reatimes.vn