Xu hướng du lịch trong tương lai

Tổ chức Du lịch thế giới – UNWTO nhận định, đến năm 2030, khách du lịch của lĩnh vực tôn giáo, sức khỏe sẽ chiếm 31% tổng lượng khách. Trong đó mục đích du lịch nghỉ dưỡng giải trí chiếm 54%, mục đích công việc chiếm 15%.

Trong giai đoạn 2018 - 2028, nhu cầu du lịch sẽ tăng lên 4% hằng năm, thậm chí còn vượt qua tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, mục đích của đa số du khách là tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí. Bên cạnh đó, du lịch cũng chuyển sang xu hướng mới, quan tâm tới những giá trị văn hóa truyền thống và kết hợp với chăm sóc sức khỏe. Xu hướng mới này khiến cho các đơn vị tổ chức du lịch cũng phải vận động theo.

Du lịch sức khỏe đang được quan tâm. Ảnh: Internet

Bằng chứng là năm vừa qua, rất nhiều địa điểm du lịch tâm linh đã đón lượng khách tăng vọt cả trong và ngoài nước. Các điểm du lịch tâm linh chủ yếu tập trung ở các vùng khí hậu trong lành, kết hợp cùng thiền định, spa, dưỡng sinh, thải độc. Các địa điểm du lịch kết hợp tâm linh như Yên Tử, Thiền viện Trúc Lâm (Tam Đảo – Vĩnh Phúc), Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, Alba Thanh Tân (Huế) cũng thu hút được nhiều lượng khách.

Du lịch sức khỏe mà thế giới đang rất ưa chuộng (du lịch Wellness) hiện tại cũng đang nở rộ tại Việt Nam. Đây là loại hình giao thoa giữa ngành du lịch truyền thống và ngành chăm sóc sức khoẻ để phục vụ cho nhu cầu sống lành mạnh của mỗi con người.

Theo báo cáo của Global Wellness Institute (GWI), năm 2017, ngành du lịch wellness toàn cầu đạt giá trị 639 tỷ USD và sẽ chạm mức 919 tỷ USD vào năm 2022.

Postmedia - mạng lưới nhật báo lớn nhất Canada đã đưa ra nhận định vào tháng 10 vừa qua, đất nước Việt Nam với đường bờ biển dài uốn lượn theo hình chữ S có rất nhiều khu nghỉ dưỡng kèm dịch vụ spa đang phát triển mạnh.

Trên cả nước, có hàng chục cơ sở suối khoáng lớn nhỏ đang hoạt động có quy mô và chất lượng như Kim Bôi (Hoà Bình), Thanh Thuỷ (Phú Thọ), Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Đam Rông (Lâm Đồng)…

Du lịch thời đại số

Quỹ đạo 4.0 phát triển và tất cả mọi lĩnh vực đều xoay quanh nó, du khách chịu ảnh hưởng rất lớn đến thời đại số. Sự tiện lợi của smartphone khiến thói quen tiêu dùng của du khách thay đổi, dịch chuyển từ tiền mặt sang thanh toán điện tử. Trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương thì 80% chuyến du lịch được đặt trực tuyến và 87% người cho rằng điện thoại thông minh là công cụ cần thiết cho du lịch.

Tại Việt Nam bây giờ, hầu như giới trẻ đi du lịch cũng đều chi tiêu, thanh toán và đặt tour qua mạng. Đây là điểm tiến bộ vượt bậc trong khoảng 2 năm đổ lại đây và dự kiến còn sẽ tiếp tục trong năm tới.

Giới trẻ đã tiệm cận gần hơn với du lịch số hóa. Ảnh: Internet

Xu hướng toàn cầu hóa cũng kéo gần khoảng cách du lịch giữa các quốc gia. Người trẻ ngày càng thích dịch chuyển, mở mang kiến thức và văn hóa hiện đại du nhập ngày một nhiều, nhờ đó du lịch Việt cũng được nâng tầm hơn so với thế giới. Các khách sạn lớn, các resort mang tầm quốc tế không còn xa lạ ở Việt Nam, liên tiếp được lọt vào các bảng xếp hạng quốc tế thể hiện nền du lịch nước nhà đang trong quá trình hội nhập.

Các doanh nghiệp lớn cùng các thương hiệu hàng đầu về bất động sản cũng tạo nên sức hấp dẫn và sôi động của thị trường lao động du lịch. Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, dự kiến đến năm 2020, ngành du lịch nước ta sẽ cần đến 2,5 triệu lao động làm việc.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tập trung phát triển du lịch thông minh được xem là hướng đi phù hợp của du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới. Những tín hiệu lạc quan này sẽ tạo đà cho giai đoạn phát triển mới, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai.

Theo Mộc Anh/Đô Thị Mới