Vào dịp cuối tuần cả gia đình có thể cùng nhau đến các bảo tàng trong thành phố Hà Nội để tham quan, tìm hiểu và nghiên cứu thêm về nhiều lĩnh vực như lịch sử, văn hóa, dân tộc học ... Đây vừa là một chuyến đi bổ ích lại vừa là một dịp để cả gia đình dành thời gian bên nhau suốt một tuần làm việc dài. 

1. Bảo tàng dân tộc học 

Địa chỉ: Nguyễn Văn Huyên, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Bảo tàng lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật văn hoá của cả 54 dân tộc Việt Nam. Các hiện vật này được phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau như: dân tộc, công dụng, y phục, trang sức, nông cụ, ngư cụ, vũ khí, đồ gia dụng, nhạc cụ, tôn giáo-tín ngưỡng, cưới xin, ma chay và nhiều hoạt động tinh thần, xã hội khác.

Khu trưng bày thường xuyên trong toà Trống Đồng giới thiệu tất cả 54 dân tộc ở Việt Nam. Cùng với hiện vật, trong các phòng trưng bày còn có ảnh và phim tư liệu, phản ánh mọi khía cạnh văn hoá vật thể, phi vật thể, những nét tiêu biểu trong đời sống và sự sáng tạo của các tộc người.

Khuôn viên rộng rãi, xanh mát của bảo tàng Dân tộc học rất phù hợp với các gia đình có con nhỏ

Khuôn viên rộng rãi, xanh mát của bảo tàng Dân tộc học rất phù hợp với các gia đình có con nhỏ.

Khu ngoài trời, có 10 công trình kiến trúc dân gian như: nhà rông của người Bana, nhà sàn dài của người Êđê, nhà sàn của người Tày, nhà nửa sàn nửa đất của người Dao, nhà trệt lợp ván pơmu của người Hmông, nhà ngói của người Việt, nhà sàn thấp của người Chăm, nhà trình tường của người Hà Nhì, nhà mồ tập thể của người Giarai và nhà mồ cá nhân của người Cơtu.

Trong khu vườn đầy cây xanh này còn có ghe Ngo của người Khơme và cối giã gạo bằng sức nước của người Dao. Trước nhà Việt, vào các thứ Bảy và Chủ nhật có biểu diễn rối nước của các phường rối dân gian đến từ các làng khác nhau.

2. Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam

Địa chỉ: 66, Nguyễn Thái Học, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, Hà Nội

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam  là một trong những bảo tàng có vị trí quan trọng nhất trong việc lưu giữ kho tàng di sản văn hóa nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Bảo tàng được người Pháp xây dựng vào những năm 30 của thế kỷ XX với chức năng là nơi dành cho con gái của các quan chức người Pháp từ khắp Đông Dương về Hà Nội trọ học.

Toàn cảnh bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Toàn cảnh bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Năm 1962, nhà nước Việt Nam giao cho Bộ Văn hóa cải tạo ngôi nhà từ chỗ mang dáng dấp kiến trúc phương Tây được bổ sung những chi tiết trang trí kiến trúc của đình làng Việt Nam để làm nơi trưng bày vĩnh viễn các tác phẩm mỹ thuật của Việt Nam. Năm 1966, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chính thức được khánh thành .

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện giữ trên 18.000 hiện vật trong nước tiêu biểu cho nền Mỹ thuật Việt Nam từ thời tiền sử đến nay.

3. Bảo tàng phụ nữ Việt Nam 

Địa chỉ: số 36 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. 

Bảo tàng phụ nữ Việt Nam được khánh thành năm 1995 trong một khuôn viên rộng rãi, rợp bóng cây hoa phượng vĩ tại con phố trung tâm của Thủ đô Hà Nội. 

Tại đây bảo quản, trưng bày các tài liệu, hiện vật giới thiệu vai trò và những thành tựu của phụ nữ Việt Nam trong quá trình phát triển của đất nước và của dân tộc.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam là nơi tôn vinh phụ nữ Việt.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam là nơi tôn vinh phụ nữ Việt.

Diện tích trưng bày của bảo tàng là 1.200m2, với 5 chuyên đề: Phụ nữ Việt Nam trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; Phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và sự nghiệp đấu tranh giải phóng phụ nữ; Trang phục phụ nữ các dân tộc Việt Nam.

Bảo tàng phụ nữ Việt Nam có cách trưng bày, bố trí, sắp xếp tài liệu, hiện vật hợp lý nên hấp dẫn, thu hút số đông khách tham quan trong và ngoài nước.

4. Bảo tàng lịch sử Việt Nam 

Địa chỉ: số 1 phố Tràng Tiền, Hà Nội. 

Bảo tàng lịch sử Việt Nam được thành lập năm 1958. Nơi đây lưu giữ và trưng bày nhiều bộ sưu tập, hiện vật quý của các thời kỳ lịch sử dân tộc Việt Nam. Tòa nhà bảo tàng có kiến trúc đẹp, diện tích trưng bày hơn 2000m2.

Tầng dưới trưng bày chủ đề Thời kỳ Tiền sử; Việt Nam thời dựng nước đến triều đại nhà Trần. Tầng 2: Thời nhà Hồ đến nhà Nguyễn và một phần Văn hóa Chăm.

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam có khuôn viên rất đẹp và ấn tượng.

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam có khuôn viên rất đẹp và ấn tượng.

Bảo tàng lưu giữ hơn 7.000 hiện vật khắc họa rõ nét quá trình lao động sáng tạo cũng như lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm để tồn tại của dân tộc Việt. Bảo tàng lịch sử Việt Nam là điểm thu hút du khách trong nước và quốc tế.

5. Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (BTTNVN) 

Địa chỉ: Nhà A20, số 18 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội

Mở cửa: từ thứ 5 đến Chủ nhật hàng tuần 

BTTNVN có chức năng lưu giữ, trưng bày, phổ biến kiến thức, giới thiệu quảng bá một cách đầy đủ, toàn cảnh và toàn diện nhất về các đặc trưng và giá trị thiên nhiên của đất nước.

Được thành lập từ năm 2006 bởi Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bảo tàng đã tiếp nhận hàng trăm mẫu động vật các loại, trong số đó có nhiều mẫu quý như mẫu cá mặt trăng, mẫu cá voi lớn (nặng 18,5 tấn), mẫu xương đầu cá sấu hoá thạch, nhiều mẫu và các bộ phận động vật hoang dã quý hiếm như voi, hổ, báo, gấu, khỉ, voọc, công, trĩ, sừng tê giác, ngà voi, vẩy đồi mồi,...

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam là nơi thích hợp cho các bé tìm hiểu về quá trình phát triển của vạn vật.

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam là nơi thích hợp cho các bé tìm hiểu về quá trình phát triển của vạn vật.

BTTNVN là nơi trưng bày khoảng 40.000 vật mẫu gồm thú, bò sát lưỡng cư, cá, côn trùng, mẫu hóa thạch, thực vật... và một số loài mới của Việt Nam.

Những vật mẫu khá phong phú gồm: 2.000 mẫu địa chất, cổ sinh (mẫu hóa thạch, thực vật bị si-líc hóa, mẫu cúc đá khổng lồ); 25.000 mẫu côn trùng (bướm, cánh cứng, chuồn chuồn, ve sầu, bọ que, bọ ngựa...); 10.000 mẫu thực vật nấm; 6.000 mẫu động vật (thú, chim, cá, bò sát lưỡng cư).

Tại đây các em nhỏ sẽ được thỏa sức nhìn ngắm và tìm hiểu về sự biến đổi của thiên nhiên qua các thời kỳ khác nhau. Đây là một địa chỉ thú vị để các gia đình cùng nhau tham quan vào cuối tuần. 

Quỳnh Trang (tổng hợp)/ Theo Gia đình Việt Nam