Ghé chân chợ tình

Chợ tình là nơi trao đổi tình cảm, có những cử chỉ yêu thương diễn ra ở chợ theo phong tục, tập quán của từng địa phương. Nhưng chợ tình được biết nhiều nhất tập trung ở vùng núi phía Bắc, mà đặc biệt là chợ tình Sapa. Tuy nhiên, theo thời gian, chợ tình của thị trấn sương mù cũng dần biến đổi, người ta không hát nữa mà dùng “băng đĩa” để thay lời.

Chợ tình Sapa nơi gặp gỡ đất trời 

Trước đây, chợ tình Sapa là chợ của người Dao, họp mỗi tuần một lần vào tối thứ bảy. Từ chiều, dưới phố và sân nhà thờ đá đã có rất nhiều phụ nữ đầu quấn khăn đỏ tươi và mặc trang phục thêu hoa văn lộng lẫy với nào vòng bạc, khuy bạc, đồng tiền nhỏ đính trên vai áo đứng ngồi rất kiên nhẫn. Những chùm lục lạc đính trên khăn choàng đầu rung reng theo bước chân đi đến điểm hẹn càng tăng thêm vẻ hấp dẫn của những cô gái miền sơn cước. Đối tượng của các cô là những chàng trai Dao trong trang phục áo chàm, khăn cùng màu.

Đêm mới thực sự là thời gian của chợ tình. Phong tục người Dao không ngăn cản người đã có vợ, có chồng đi tìm bạn tình. Con gái Dao 13 -14 tuổi đi theo các chị để làm quen. Những cô gái trẻ, đẹp trong phiên chợ thường là đối tượng săn đón của rất nhiều chàng trai. Họ xúm xít xung quanh, hát cho cô gái nghe lời tỏ tình rồi tặng quà kỷ niệm. Cô gái không ưng thì bỏ quà bỏ chạy rồi bị nắm tay kéo lại. Động tác này gọi là “kéo”, biểu thị một lời tỏ tình quyết liệt. Không đồng ý thì kéo thế nào cũng chẳng được. Chàng trai nản tự khắc sẽ bỏ đi. Nếu cô gái thấy chàng trai nào vừa mắt, cô gái sẽ dúi vào tay anh ta một vật định ước. Coi như đôi bạn đã trở thành bạn tình trong đêm đó. Trở về với nhóm bạn, khoảng 30 phút sau, nhóm bạn sẽ dẫn cô gái đến trao cho chàng trai, như là gửi gắm. Và sau đó, cái hẹn đã thành hiện thực.

Một trong những chợ tình còn duy trì đến ngày nay là chợ tình Khâu Vai ở Hà Giang. Chợ tình Khâu Vai mỗi năm họp một lần, do đường đi khó khăn, phải vượt qua những vách đá tai mèo lởm chởm nên rất ít người ngoài tụ họp.

Chợ tình Khâu Vai không “kéo” nhau như chợ tình Sapa. Người ta chặn đường, níu áo, gặp nhau mừng quá thì khóc to hay reo mừng tùy tâm trạng. Chia tay nhau bao giờ cũng có quà tặng trao đổi và hẹn một năm nữa gặp lại.

Tây Bắc quanh co, ngoằn ngoèo còn có một chợ tình nữa là chợ tình Mộc Châu, nay thuộc thị trấn Mộc Châu (Sơn La). Ngày 1/9 hàng năm được coi là ngày tết của người Mông và cũng là ngày duy nhất họp chợ tình. Chợ đẹp rực rỡ với các váy áo của người dân tộc Mông thuộc các dòng Mông đỏ, Mông trắng, Mông hoa… Chợ tình Mộc Châu được coi là điểm bắt đầu của tình yêu đôi lứa.

Hội vật đa sắc màu

Đất Thăng Long ngàn năm văn hiến nổi tiếng có hội vật làng Mai Động. Tục truyền, bà Lê Trân - nữ tướng tiên phong của Hai Bà Trưng đã mở hội vật để tuyển binh, tuyển tướng. Đô vật Nguyễn Tam Trinh - người Thanh Hóa tới Mai Động, thấy đất vượng nên ở lại mở lò dạy võ. Gặp đúng lúc cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng tuyển quân đã tới xin tụ nghĩa đánh quân xâm lược. Chính bởi vậy mà hội vật làng Mai Động tổ chức hàng năm là để tưởng nhớ đô sĩ tướng quân Nguyễn Tam Trinh.

Hội vật làng Sinh tại đình Sinh, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế

Không chỉ có miền Bắc, miền Trung cũng có hội vật làng Sinh rất nổi tiếng. Vào ngày 10 tháng giêng hàng năm, tại đình Sinh, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, làng mở hội, bao giờ cũng có trò đấu vật. Sau khi tế thần xong, ở đây có tục thả lồng giấy. Khi đốt đèn, hơi nóng trong lồng đẩy đèn bay lên cao như một quả kinh khí cầu nhỏ lơ lửng trong không trung. Khi lồng giấy bay lên rồi thì hội vật làng bắt đầu bằng một tràng pháo hiệu. Giống như hội vật võ Liễu Đôi ở Nam Hà, hội vật làng Sinh bao giờ cũng để các thiếu niên thi vật trước, sau đó mới đến các đô vật lớn tuổi tham dự. Đây là một mỹ tục mang ý thức truyền nối, kế thừa nghề nghiệp và truyền thống văn hóa của ông cha ta.

Cay vị cơm Hến - Huế

Huế nổi tiếng với món ăn cầu kỳ là cơm hến. Cầu kỳ bởi cách nấu nướng, rồi cầu kỳ bởi bộ đồ màu: ớt tương, ớt màu, ớt dầm nước mắm, ruốc sống, bánh tráng nướng bóp vụn, muối vụn, lạc rang mỡ, da lợn rang giòn, mỡ, vị tinh…

Hến ở Huế ngon nhất là hến cồn. Dân cồn làm nghề xúc hến ở Huế mỗi năm đều có lễ cúng hến vào tháng bảy, trên những con đò cờ xí rộn ràng, tiếng trống vang lừng người ta luộc hến xong đem ra sông đãi trong những chiếc rổ lớn, tách vỏ, lấy riêng hến đem đong trong những chiếc bát cho những người làm cơm hến.

Món cơm cay vị Hến ở Huế

Hến xào kèm theo miến, măng khô và thịt lợn thái chỉ. Món thứ ba trong cơm hến là rau sống. Chỉ một ít thôi nhưng rau sống cũng phải cầu kỳ, làm bằng thân chuối hoặc bắp chuối thái mỏng như sợi tơ, trộn lẫn với môn bạc hà, khế, rau thơm thái nhỏ, giã chần… Nước luộc hến được múc bằng gáo dừa, cho vào một bát gồm cơm nguội, hến xào, rau sống và được nêm thêm gia vị đồ màu. Ăn cơm hến ở Huế nhớ nhất là vị cay chảy nước mắt và màu nước hến trắng đục, nhìn đã thấy ngọt lưỡi.

Cơm hến Huế không chỉ là món ngon, mà còn tượng trưng cho người Huế, thanh nhã, tinh tế, cầu kỳ.

Tiệc Yến ở Cù Lao Chàm

 Nằm cách thành phố Đà Nẵng 35km, Cù Lao Chàm được gọi chung là quần đảo Cù Lao Chàm, có năm đảo nhỏ nối sát nhau với các tên đảo Yến, đảo Rùa, đảo Cù Lao và hai đảo nhỏ khác nữa. Đảo Yến có vách đá dựng đứng, là nơi thuận tiện cho loài chim yến bay về làm tổ trong mùa sinh sản.

Ăn yến, đãi yến… là những từ biểu tỏ những bữa ăn thịnh soạn, cao sang, hiếm có xuất xứ từ sản vật này của loài yến. Rất đắt tiền vì tính chất bổ dưỡng, số lượng ít và công lao tìm lấy được tổ yến cũng khá gian lao, nguy hiểm. Trên thị trường quốc tế, 1kg yến lên tới 3.000USD.

Muốn lấy tổ yến, trong mùa sinh sản của chúng, người ta phải mạo hiểm. Tổ yến thường ở trên vách đá thẳng đứng, trong những khe hốc cheo leo cách mặt nước vài mươi mét. Người khai thác tổ yến, gọi là dân sào chỉa vì họ thường dùng cây sào tre dài chắp nối có chỉa và câu móc để chỉa móc các tổ yến từ các hốc kẹt đá rồi đảo ra. Tổ yến quá cao, họ phải chắp thang tre để leo lên, có khi phải dựng thang nối trên mộ chiếc xuồng bập bềnh trên mặt biển… Chính vì phải mạo hiểm như vậy, tổ yến càng tăng thêm giá trị bổ dưỡng cũng như công sức của con người.

Chuyện tình của người Tây Nguyên

Đây là huyền thoại của thác Đam Ri ở Bảo Lộc. Thác này rất ngoạn mục, kỳ vĩ, cao nhất vùng với 90m, luôn âm vang tiếng nước đổ lan rộng đến hàng mấy km, cách thị xã Bảo Lộc 18 km về hướng Tây.

Tên Đam Ri có nghĩa là “đợi chờ”, theo ngôn ngữ của người K’ho, dân tộc chính địa phương tỉnh Lâm Đồng. Bắt nguồn từ hai tên Đam của chàng trai và H’ri của người con gái trong chuyện tình.

Chuyện tình của người Tây Nguyên

Truyền thuyết kể rằng: Ngày xưa, ngọn thác này chỉ là dòng suối nhỏ và là nơi tắm hàng ngày của nàng sơn nữ H’ri duyên dáng. Một hôm, chàng thanh niên tên Đam đi săn tới đây, tình cờ gặp mấy nàng đang tắm dưới suối… rồi bị vẻ đẹp của nàng làm mê hoặc. Chàng và nàng yêu nhau, rồi cưới.

Một thời gian ngắn sau đó, chàng Đam đi săn nhưng ở trong rừng sâu quá lâu. Nàng H’ri ở nhà đợi chờ, chẳng thấy chàng về. Ngày lại ngày, chàng Đam vẫn bặt tin. Quá thương chồng, nàng H’ri khóc mãi, khóc đến mức nước mắt tuôn trào hòa cùng nước suối biến thành dòng thác lớn.

Sau chuyến đi săn lâu ngày, chợt một chiều chàng Đam trở về. Nghe câu chuyện người vợ ở nhà, chàng than khóc đi đến bờ suối, nhảy từ trên cao xuống để giữ trọn lời thề chung tình cùng H’ri. Thân xác chàng biến thành một con sư tử.

Ngày nay, đứng trên ngọn thác nhìn xuống sẽ thấy một tảng đá có hình dạng sư tử ở dưới chân thác nước. Đó là chân chàng Đam năm xưa, vẫn còn ngồi phục khóc thương người vợ yêu quý của mình.

Tết đến, xuân về, người dân trong cả nước lại nô nức trẩy hội, du xuân. Đất nước với 54 dân tộc anh em, có hàng trăm ngàn lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa!

Theo Gia đình Việt Nam