Bộ phận dùng là nước dừa và cùi dừa non từ trái dừa nước. Cùi dừa non chứa: protein toàn phần;  lipid, glucid, celulose; vitamin B1, vitamin B­2, vitamin PP, vitamin C.  Cùi dừa già chứa protein toàn phần, lipid, glucid, celulose; vitamin B1, vitamin B­2, vitamin PP, vitamin C, acid béo. Nước dừa chứa protein, lipid, chất vô cơ,  cacbonhydrat, Ca,  P, Fe, nhiều acid amin và vitamin nhóm B.

Theo Đông y, nước dừa vị ngọt mát, tính bình; vào tỳ, thận và vị. Tác dụng giải nhiệt, tiêu khát, lợi niệu, giải độc, cầm máu. Cùi dừa vị ngọt, tính bình; vào tỳ, thận và vị. Tác dụng ích khí bổ dưỡng, nhuận tràng và lợi tiểu. Dùng cho các trường hợp say nắng, say nóng, sốt khát nước, nôn thổ mất nước, phù nề, tiểu ít, mụn nhọt lở ngứa, viêm da, chàm chốc...

Một số đơn thuốc và thực đơn chữa bệnh có dừa

Nước dừa

Dừa nước 1 trái lấy cả nước và cùi non, cho uống liền hoặc để lạnh, ngày 3 lần. Dùng cho các trường hợp sốt nóng, say nắng, khát nước, phù nề, đi tiểu ít, mụn nhọt lở ngứa, viêm da, chàm chốc...

Nước dừa đường muối

Nước dừa 1 cốc 250ml, thêm 15g đường trắng, chút muối khuấy đều cho uống. Dùng cho các trường hợp suy nhược, mất nước sau mất máu, tiêu lỏng và thổ tả.

Dừa nước trị giun

Dừa nước 1 trái. Buổi sáng sớm uống nước ăn cùi dừa thay bữa ăn điểm tâm. Có tác dụng sát trùng tẩy giun đũa giun kim.

Cháo nếp dừa

Cùi dừa nửa trái, thái lát; gạo nếp lượng thích hợp cùng đem nấu cháo. Mỗi ngày cho ăn hai lần. Dùng cho các trường hợp suy nhược cơ thể, ăn kém, táo bón sau khi mắc bệnh lâu ngày.

Chữa đau dạ dày

Nước dừa già 200ml, hạt bí ngô 150g. Đun nhỏ lửa cho cạn, rồi ăn.

Kiêng kỵ: Người bị tiêu chảy không nên ăn nhiều cùi dừa.

Công dụng khác của nước dừa

Nước dừa được dân gian dùng chữa các bệnh sau:

Khản tiếng: Rau má 8g. Nước dừa non 1 cốc. Giã rau má, vắt lấy nước cốt pha nước dừa uống.

Kiết lỵ cấp tính: Rau má 50g. Nước dừa tươi non 1 quả. Rửa sạch rau má giã nhỏ, đổ nước dừa vắt lấy nước uống. Mỗi ngày một quả.

Nôn mửa: Nước dừa 2 chén, rượu nho 1 chén, nước gừng 10 giọt trộn đều uống.

Lợi tiểu giải độc: Uống nước dừa non lợi tiểu trong các bệnh tim mạch, thận.

Viêm thận phù nề: Nước dừa, rễ cỏ tranh 30g, rễ co lau 30g. Sắc lấy nước. Trộn đều uống.

Tẩy sán lá (fasciolopsiasis), sán dây: Buổi sáng chưa ăn gì lấy 1/2 quả dừa, uống nước và ăn cùi dừa. Ăn 1 lần cho hết. Không cần thuốc tẩy. Sau 3 giờ ăn uống bình thường (thức ăn lỏng). Tác dụng an toàn và hiệu lực hơn hạt cau.

Canh dừa khử độc hại của rượu, “bôi trơn” các khớp: Lấy 1 quả dừa cắt ngang phần trên làm nắp. Lấy 20g đậu đen vo sạch cho vào trong quả dừa rồi đậy nắp lại đặt lên 1 cái đĩa. Đặt cả dừa và đĩa vào nồi, chưng trong 4 giờ. Sau đó có thể cho ít muối tuỳ ý để uống canh dừa. Mỗi tháng uống 1 - 2 lần.

“Kê khương đường” là một bài thuốc dân gian “nổi tiếng từ xưa” để chữa hoại tử ruột do bệnh thương hàn: Dừa tươi 1 trái. trứng gà 1 quả, gừng tươi 100g, cam thảo 15g. Cùi dừa tán nhuyễn với gừng và cam thảo. Đổ nước dừa và lòng đỏ trứng và quấy đều chưng đến khô vắt nước uống.

Ngoài ra Tây y còn dùng nước dừa non làm dịch truyền trong thời kỳ chiến tranh.

Khi dùng dừa các bạn nên chú ý một vài lưu ý nhỏ để tránh làm mất tác dụng của dừa

Lưu ý khi dùng dừa

- Nước dừa lấy ra khỏi quả sẽ bị mất khí vị cho nên cứ để nguyên trong quả mà uống.

- Mới đi nắng về, đang đói mệt không uống nước dừa đối với người đang có bệnh vì dễ bị những tác dụng phụ có khi bất lợi như sốt, ớn lạnh… Trước khi thi đấu thể thao không nên uống nước dừa. Bình thường thì mỗi ngày chỉ nên uống 1 quả.

- Nước dừa có chứa cả hai loại chất béo no và chưa no nên không chỉ định cho bệnh nhân kiêng chất béo như bệnh tim mạch, mỡ máu cao, xơ mỡ động mạch, tiểu đường…

Cấm kỵ: Chứng ho suyễn và đi ngoài phân lỏng, âm hư hoả vượng.

Theo Nhật Linh (Tổng hợp) / Gia đình Việt Nam