Trước diễn biến của dịch sởi trên thế giới, UNICEF đã đưa ra cảnh báo: Dịch sởi đang bùng phát trở lại ở mức độ đáng báo động, đặc biệt tại 10 quốc gia, nơi bệnh sởi chiếm hơn 74 % tổng số ca nhiễm mới, và tại một số quốc gia khác trước đó đã tuyên bố loại bỏ được căn bệnh này.

Trên toàn thế giới, 98 quốc gia đã báo cáo tăng số ca nhiễm sởi trong năm 2018 so với năm 2017, đẩy lùi những tiến bộ đã đạt được đối với căn bệnh này, một căn bệnh có thể phòng ngừa được nhưng cũng có khả năng gây tử vong.

Cụ thể, Ukraine, Philippines và Brazil là ba quốc gia tăng số ca nhiễm sởi cao nhất trong khoảng thời gian từ 2017 đến 2018. Chỉ tính riêng ở Ukraine, năm 2018 đã có 35.120 ca mắc sởi. Theo Chính phủ nước này, 24.042 người nữa đã nhiễm sởi trong hai tháng đầu năm 2019. Tại Philippines trong năm nay đã có 12.736 ca nhiễm sởivà 203 ca tử vong, so với 15.599 ca trong năm 2018.

gan 100 nuoc co so ca nhiem soi gia tang unicef keu goi cac quoc gia hanh dong

Năm 2018, Việt Nam có 1.177 ca nhiễm sởi, cao hơn gấp đôi so với năm 2017. Phần lớn các ca nhiễm sởi liên quan đến việc trẻ em chưa được tiêm vắc xin đầy đủ do cha mẹ quyết định trì hoãn việc tiêm vắc xin cho con mình. Cuối năm 2018, Bộ Y tế đã tiến hành tiêm bổ sung vắc xin sởi-rubella cho 4,2 triệu trẻ em từ 1 đến 5 tuổi tại 57 tỉnh thành trên cả nước

Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh. Chúng ta có vắc-xin an toàn, hiệu quả và ít tốn kém để chống lại căn bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao này. Một loại vắc xin có khả năng cứu sống tính mạng của gần một triệu người mỗi năm trong vòng hai thập kỷ qua… Những ca nhiễm bệnh này không xảy ra ngay trong một sớm một chiều. Dịch sởi bùng phát ở nhiều nơi mà chúng ta đang chứng kiến ngày hôm nay đã bắt đầu từ năm 2018, nếu không hành động ngay hôm nay thì chúng ta sẽ để lại tai họa cho trẻ em trong tương lai”, Bà Henrietta H. Fore, Giám đốc điều hành nhấn mạnh.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cao, hơn cả Ebola, bệnh lao hay bệnh cúm. Một người có thể nhiễm vi-rút sởi trong vòng hai giờ đồng hồ sau khi một người mắc bệnh sởi ra khỏi căn phòng. Vi-rút sởi lây lan trong không khí và làm nhiễm trùng đường hô hấp, có khả năng gây tử vong đối với trẻ em suy dinh dưỡng hoặc trẻ em quá nhỏ chưa thể tiêm vắc-xin. Một khi người bệnh đã bị nhiễm sởi, thế giới chưa có thuốc điều trị cụ thể nào cho bệnh này, do vậy tiêm phòng vắc-xin là biện pháp để cứu mạng sống cho trẻ em.

“Phần lớn tất cả các ca nhiễm này đều có thể phòng ngừa được, tuy nhiên trẻ em vẫn bị nhiễm sởi ở những nơi đơn giản là không thể có lý do nào mắc phải. Sởi có thể là một bệnh, tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nhiễm sởi thực chất lại là do thiếu thông tin, sự nghi ngờ, và sự bằng lòng không muốn thay đổi. Chúng ta cần phải làm nhiều việc hơn để thông tin một cách chính xác đến người làm cha làm mẹ, giúp cho việc tiêm chủng an toàn cho mọi trẻ em”, bà Henrietta H. Fore nêu rõ.

Để đấu tranh với bệnh sởi, UNICEF đang cấp bách kêu gọi các chính phủ, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế, và các bậc cha mẹ phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn căn bệnh này: Hiểu sự an toàn và hiệu quả của vắc-xin, và vắc-xin có thể cứu mạng sống của trẻ em; tiêm vắc-xin cho tất cả trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi trong thời kỳ dịch sởi bùng phát; tập huấn và trang bị kiến thức cho cán bộ y tế để họ có thể cung cấp dịch vụ có chất lượng; tăng cường các chương trình tiêm chủng để cung cấp được tất cả các vắc-xin cứu mạng sống con người.

Vân Hà

Theo phapluatxahoi.vn