Những ngày cuối cùng của năm, có lẽ ai cũng muốn trở về nhà thật nhanh, dọn dẹp tân trang lại nhà cửa, rồi đi sắm Tết. Nhưng có một gia đình mà những ngày giáp Tết họ dành phần lớn thời gian của mình để phục vụ cho cái Tết của nhiều gia đình khác được đầy đủ, trọn vẹn.

“Cái nghề của cô lúc nào cũng được ở giữa mâm”

Trong khi những gia đình khác đã sắm Tết đầy đủ tươm tất, nhà cửa gọn gàng để chuẩn bị đón năm mới thì gia đình nhà cô Vũ Thị Vệ (Quốc Oai, Hà Nội) những ngày giáp Tết lại là lúc bừa bộn và bận rộn nhất cả năm.

Kinh doanh bánh chưng đã được hơn 10 năm, cứ vào dịp Tết Nguyên Đán cả gia đình lại làm việc hết công suất. Từ giữa tháng Chạp, đơn đặt hàng tăng cao, mỗi ngày nhà cô Vệ gói hơn 1.000 bánh chưng mới đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng.

Cô Vệ cho biết: “Những ngày bình thường chỉ gói khoảng 100 cái, nhưng bắt đầu từ giữa tháng Chạp thì mỗi ngày phải gói hơn 1.000 bánh mới đủ. Như hôm 23 Tết, nhà cô gói phải đến 2.000 cái”.

Bánh chưng gói tay nhưng vẫn đảm bảo vuông vắn

Bánh chưng gói tay nhưng vẫn đảm bảo "vuông thành sắc cạnh"

Nguyên liệu được cô chuẩn bị cẩn thận từ lá dong đến miếng thịt. "Lá dong thì phải chọn lá dong rừng thì bánh mới xanh, đỗ, gạo, thịt cũng phải chọn kỹ đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo bánh ngon”, cô Vệ chia sẻ.

Công việc vất vả, mọi người thường phải thức khuya, dậy sớm thay nhau gói bánh, luộc rồi vớt bánh. Buổi sáng, sau khi vớt bánh và giao cho khách, cả gia đình sẽ cùng chuẩn bị lá, thịt, đỗ, gạo để gói bánh. Mỗi người một công đoạn, người rửa lá, người thái thịt, người chuẩn bị gạo, người gói bánh.  Vào những ngày này, gia đình cô phải thuê thêm người trong làng đến làm cùng vì lượng công việc quá nhiều.

Nhân đỗ và thịt được luộc qua và thêm gia vị trước khi gói

Nhân đỗ và thịt được luộc qua và thêm gia vị trước khi gói

Dẫu biết nghề nào cũng có sự vất vả riêng nhưng có lẽ cái nghề này nếu không có cái tâm thì khó có thể trụ được hơn thập kỷ qua. “Nghề này nhà cô thì vất vả nhiều công đoạn, lắm khi rất mệt mỏi, gói bánh đến 1 rưỡi sáng, 29 Tết mới nghỉ, nhưng cô thấy nghề này nhân văn nên cô chẳng bỏ. Nghề này nhà cô lúc nào cũng được ở giữa mâm”. Cô Vệ vừa cười vừa nói.

Gói 2 vạn bánh chưng mỗi dịp Tết

Tết càng đến gần, nhu cầu đặt bánh chưng từ các các gia đình, tổ chức càng cao. Những ngày cao điểm, nhà cô Vệ gói đến 2.000 chiếc với hơn 4 tạ gạo mới đủ đáp ứng thị trường. Và năm nào cũng vậy, lượng bánh chưng gói vào dịp Tết lên đến con số khoảng 20.000 chiếc. Trung bình cứ một tiếng, mỗi người trong gia đình sẽ gói được khoảng 50 bánh.

Để hoàn thiện một chiếc bánh chưng, mỗi thành viên trong gia đình phụ trách công đoạn khác nhau. Người thì gói, người thì buộc lạt,...

Để hoàn thiện một chiếc bánh chưng, mỗi thành viên trong gia đình phụ trách công đoạn khác nhau. Người thì gói, người thì buộc lạt...

Từ giữa tháng Chạp giá lá dong, giá thịt đều tăng nhu cầu của người tiêu dùng cũng cao hơn ngày thường nên giá bánh chưng tăng dao động từ 5.000 đồng/bánh.

Cô Vệ thông tin: “Ngày bình thường giá bánh từ 25.000-40.000 đồng/bánh thì dịp Tết giá bánh chưng tăng thêm 5.000 đồng/bánh, dao động từ 30.000-50.000 đồng/chiếc, tùy vào nhu cầu của khách nữa. Thường thường bánh sẽ nặng từ 1,3 -1,6kg. Số lượng khách đặt bác thấy năm nào cũng thế. Riêng năm nay, có nơi người ta đặt đến 600 bánh”.

Vào dịp Tết, nhà bác Vệ gói khoảng 20000 bánh mới đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng

Vào dịp Tết, gia đình cô Vệ gói khoảng 2 vạn bánh mới đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng

Để bánh được vừa miệng, trước khi gói, gạo đỗ được thêm muối, thịt được thêm hạt tiêu. Nhân bánh gồm thịt và đỗ được luộc qua để thịt không bị khô và giữ được lâu hơn. Khi luộc phải luộc từ 10 tiếng, cứ 4 tiếng sẽ thay nước một lần và giữ ngọn lửa đều thì bánh sẽ nhừ và không bị sống lại. Muốn bánh được xanh thì khi vớt phải thả ngay bánh vào nước lạnh.

Cô Vệ cho biết thêm, nghỉ đến hết ngày mùng 5 Tết, gia đình cô sẽ lại gói bánh, nổi lửa đáp ứng nhu cầu cho khách trong những ngày lễ hội đầu xuân.

Theo Anh Hoàng/Đô thị mới