Không giảm mà còn tăng

Tết đã qua, giá xăng giảm kỷ lục thế nhưng các mặt hàng bắp cải, cải thảo, cà chua, cải xanh... vẫn giữ giá cao chót vót cho dù tiểu thương luôn kêu than ế ẩm, sức mua kém. Giá bắp cải - một trong những mặt hàng tiêu thụ mạnh tại các chợ - hiện dao động từ 6.000 - 8.000 đồng/kg, trong khi cải thảo lên tới 10.000 đồng và cà chua ở mức 20.000 - 22.000 đồng/kg tùy loại.

So với thời điểm trước tết, giá những nhóm hàng này không giảm, thậm chí còn tăng thêm vài ngàn đồng/kg. Cà rốt, khoai tây Đà Lạt và Trung Quốc có giá từ 15.000 - 17.000 đồng/kg, không rẻ 
hơn so với trước tết.

Theo thống kê của ban quản lý chợ đầu mối Bình Điền (Q.8), lượng hàng về các chợ đầu mối đang tăng dần qua mỗi đêm, tổng lượng hàng về chợ tương đương 1.800 tấn/đêm, trong khi thời điểm bình thường đạt mức 2.000 - 2.300 tấn/đêm tùy ngày.

Với con số này, lượng hàng gần như đã ổn định. Sức mua đang chậm, nhưng điều gây ngạc nhiên là giá cả lại có xu hướng tăng, dù cho nhiều yếu tố cấu thành nên giá hàng hóa đang giảm xuống. Tương tự, các loại cải xanh, cải ngọt, xà lách... tại các chợ vẫn dao động từ 19.000 - 23.000 đồng/kg, gấp đôi giá chợ đầu mối và không hề giảm.

Chị Triều, tiểu thương chợ Bàn Cờ (Q.3), cho biết đi lấy hàng về giá vẫn vậy, không thấy ai nói đến giá xăng giảm, giá hàng hóa phải giảm tương ứng. Theo chị Triều, giá hàng hóa do người bán sỉ quyết định, chị không biết gì về chuyện giá xăng ảnh hưởng cả. “Bữa chợ được, bữa chợ ế, mình nhìn hàng mà bán chứ không tính toán vào giá xăng được. Hôm nào ế hàng thì lỗ chết chứ giảm làm sao được hả em” - tiểu thương này nói.

Anh Nguyễn Văn Nguyên, tiểu thương chợ Lãnh Binh Thăng (Q.11), lý giải bây giờ giá một chuyến xe hàng trái cây dưới 1 tấn từ chợ Thủ Đức về đến chợ Lãnh Binh Thăng từ 350.000 - 500.000 đồng/xe, không giảm so với trước đó nên khó giảm giá bán hàng. “Trước sao giờ vẫn vậy, giá xăng lên xuống họ đâu cần biết, em không chở thì họ chở cho người khác, mình đem xe đi chở một lượt thì đâu có hết được nên đành chấp nhận thôi” - anh Nguyên nói.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang, khách hàng thân thiết của cửa hàng thực phẩm sạch H. tại Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội), nghĩ rằng, sau mấy lần xăng giảm giá liên tiếp thì giá các mặt hàng rau củ quả tại đây chắc sẽ giảm đáng kể. Bởi, cửa hàng này vẫn quảng cáo rau được nhập từ Đà Lạt hay Mộc Châu, chi phí vận chuyển khá cao nên giá cũng tính cao hơn nơi khác. Song, thực tế lại không phải vậy.

Anh Vũ Văn Tuấn, chủ cửa hàng H., cho biết, giá rau củ quả thường phụ thuộc vào mùa vụ, nguồn cung dồi dào thì giá giảm, khan hiếm thì giá tăng, chi phí vận chuyển chiếm tỷ lệ rất nhỏ nên chuyện giá xăng giảm sẽ không thể kéo được giá rau giảm xuống theo.

Giá xăng giảm kỉ lục sẽ tác động tích cực đến thị trường hàng hóa. Ảnh:Vũ Sinh – TTXVN

Giá xăng giảm kỉ lục nhưng giá các mặt hàng tiêu dùng chưa giảm tương xứng. Ảnh minh họa.

Ghi nhận của PV tại một số chợ như: Đại Từ, Nghĩa Tân, Bưởi trên địa bàn Hà Nội cho thấy hiện giá thịt giảm nhẹ; rau xanh và cá tươi vẫn ở mức cao, do khan hàng.

Giá một bắp cải là 20.000-25.000 đồng, cà chua 30.000 đồng/kg, rau muống 7.000 đồng một mớ… Cá chép 80.000 đồng/kg, rô phi 45.000 đồng/kg, trắm đen 150.000 đồng/kg,...

Cô Trần Thị Vân, chủ sạp rau tại chợ Đại Từ khẳng định, giá rau ở chợ này chưa bao giờ giảm theo xăng, kể cả xăng có giảm giá xuống còn 10.000 đồng/lít thì giá rau ở chợ vẫn vậy.

“Rau ở chợ chỉ giá chỉ tăng giảm theo nguồn cung, đặc biệt vào những ngày mưa gió, bão lũ... giá rau tại chợ thường tăng mạnh do nguồn cung khan hiếm”, cô Vân cho hay.

Tương tự, sau khi đề cập đến vấn đề xăng giảm, giá thịt có giảm theo, chị Tuyết - chủ một sạp thịt tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy) liền nói: “Xăng - thịt chẳng liên quan gì đến nhau, sao giá thịt phải giảm theo giá xăng?”.

Theo lời chị Tuyết, ở chợ, giá thịt lợn đã có mặt bằng chung. Cụ thể, giá bán như sau: thịt mông, vai, ba chỉ, chân giò 85.000 đồng/kg; thịt nạc thăn 90.000 đồng/kg, sườn 100.000 đồng/kg; sườn thăn 110.000 đồng/kg.

Giá thịt bò vẫn ở mức từ 230.000-250.000 đồng/kg (tăng nhẹ 10.000 đồng/kg), giá gà ta từ 120.000-140.000 đồng/kg, đùi gà 70.000 đồng/kg. Giá trứng gà - vịt vẫn giữ ở mức 30.000 đồng/chục. 

Không chỉ các tiểu thương, nhiều đại diện đơn vị phân phối hàng hóa, siêu thị cũng cho biết, giá xăng giảm kỷ lục lần này không ảnh hưởng nhiều đến giá hàng hóa. Hiện tại các siêu thị, giá bán các loại thực phẩm hiện vẫn định theo giá niêm yết từ trước nên không có nhiều thay đổi.

Khó giảm nếu giá cước vận tải chưa giảm

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng nhà sản xuất đưa ra nhiều lý do trì hoãn việc giảm giá hàng hóa khi giá xăng dầu giảm vì giá thành sản phẩm còn liên quan đến nhiều yếu tố.

Tuy nhiên, giá xăng dầu giảm thì chắc chắn giá cước vận tải phải được xem xét lại vì chi phí xăng dầu chiếm từ 22% đến hơn 35% giá cước vận tải. Các sản phẩm hàng hóa hiện nay đều đã vận hành theo cơ chế thị trường, nếu giá cước vận tải chưa giảm tương xứng thì hàng hóa có liên quan trên thị trường cũng khó có điều kiện để giảm theo.

Ông Đặng Văn Hiếu, giám đốc bộ phận hải quan Công ty ALC, cho biết trong hợp đồng trọn gói dịch vụ logistics, chi phí vận tải chiếm khoảng 45% tổng chi phí, các chi phí còn lại liên quan đến dịch vụ hải quan. Chẳng hạn chi phí để kéo một container từ cảng Cát Lái về cảng Sóng Thần khoảng 2,5 triệu đồng, trong đó hơn 1 triệu đồng là chi phí vận tải.

Trong các hợp đồng với khách hàng hai bên đều có điều kiện ràng buộc trường hợp biến động của giá xăng dầu. Nếu khi giá xăng dầu thay đổi tăng hoặc giảm 10%, chi phí vận chuyển sẽ điều chỉnh theo. Mức 10% sẽ được cộng dồn qua các kỳ điều chỉnh giá xăng dầu bán lẻ, để tránh trường hợp điều chỉnh lẻ tẻ, ảnh 
hưởng đến giao dịch.

Cũng theo ông Hiếu, các hợp đồng khi ký kết đều ghi giá bán lẻ xăng dầu tại thời điểm đó, trong quá trình giá mặt hàng này biến động thì công ty phải bổ sung, điều chỉnh chi phí vận tải cho phù hợp với diễn biến. “Khách hàng giờ cũng rất chủ động, chỉ cần giá xăng giảm gần 10% là họ gọi điện nhắc mình ngay, không thể không điều chỉnh” - ông Hiếu nói.

Theo các công ty kinh doanh dịch vụ logistics, hiện nay thị trường rất cạnh tranh, các doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn, do đó nếu giá dầu thế giới giảm kéo giá bán lẻ trong nước giảm theo thì các ngành dịch vụ, logistics cũng phải giảm giá, nếu không sẽ bị người tiêu dùng quay lưng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, giá xăng giảm mạnh khiến cước vận tải bắt đầu giảm, thì giá các loại hàng hoá cũng phải giảm theo để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên với tình hình thị trường như hiện tại, giá hàng hoá không giảm là bất hợp lý, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng vẫn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, và “gồng mình” mỗi khi xăng, dầu tăng giá. Vì vậy, khi giá xăng dầu giảm mạnh, cước vận tải cũng giảm, thì doanh nghiệp hàng hoá, tiêu dùng cũng phải biết cân nhắc, điều chỉnh giảm giá để giảm gánh nặng cho người tiêu dùng.

Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng, giá hàng hoá vẫn ở mức cao là nghịch lý. Cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng vào cuộc để thiết lập mặt bằng giá cho phù hợp mức giảm giá xăng vừa qua; phải tổ chức tốt các chuỗi cung ứng để sản phẩm đến tay người tiêu dùng không bị đội giá.

Giá tại nơi sản xuất đưa ra rất thấp nhưng đến tay người tiêu dùng thì phải qua 4-5 khâu phân phối, mỗi lần lại tăng giá lên 10-15%. Doanh nghiệp sản xuất và cung ứng phải cùng nhau liên kết để đưa hàng đến tay người tiêu dùng tốt nhất, rẻ nhất có thể./.

Theo Quý Dương (Tổng hợp) / Gia đình Việt Nam