Đề xuất cải tạo sông Tô Lịch được nhiều người dân ủng hộ. Ảnh: Sơn Tùng

Đề xuất cải tạo sông Tô Lịch được nhiều người dân ủng hộ. Ảnh: Sơn Tùng

Mong sông Tô Lịch được cải tạo!

UBND TP Hà Nội vừa nhận được đề xuất của Tập đoàn Phương Bắc về chủ trương cải tạo sông Tô Lịch. Trước đây, sông Tô Lịch đã được nạo vét đáy sông, kè bờ để làm sạch và chống lấn chiếm. Tuy nhiên, do hệ thống nước thải của thành phố đổ vào sông này nên mức độ ô nhiễm ngày một nghiêm trọng. Theo đề xuất mới, sông Tô Lịch sẽ được cải tạo lại hệ thống thoát nước thải thành hệ thống đi riêng, vì vậy, nước đổ ra sông sẽ là nguồn nước sạch, nước mưa tự nhiên. Hệ thống kè sẽ được xây lại để tiết kiệm không gian quỹ đất. Tăng mật độ cây xanh và vật liệu kiến trúc nhằm tăng vẻ đẹp của thành phố. Từ nền tảng nêu trên, đơn vị đề xuất sẽ xây dựng hệ thống du lịch sông Tô Lịch bao gồm du lịch đường sông và các quán cafe nổi trên sông. Giai đoạn tiếp theo sẽ kết nối với những “dòng sông chết” khác như: Sông Nhuệ, sông Kim Ngưu và các sông khác để thoát nước mưa, chống ngập cho thành phố.

Đề xuất cải tạo sông Tô Lịch được tham khảo từ một số con sông chảy qua thủ đô ở các nước trên thế giới, như sông Thames ở Anh, sông Seine ở Pháp. Vì vậy, chủ trương cải tạo “dòng sông chết” giữa Thủ đô Hà Nội được kỳ vọng sẽ giống như dòng sông Thames hồi sinh giữa Thủ đô London, nước Anh. Đề xuất trên được dư luận người dân ủng hộ bởi việc cải tạo một “dòng sông chết” giữa lòng Thủ đô đang ô nhiễm ở mức nghiêm trọng là hoàn toàn cần thiết.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc làm này không những cải thiện môi trường trong sạch mà đời sống của người dân cũng được cải thiện. Anh Nguyễn Khắc Tùng (34 tuổi, ở Ngã Tư Sở, Hà Nội) cho hay: “Mức độ ô nhiễm của dòng sông lịch sử này ngày càng nghiêm trọng. Nước sông thì đen sì, bẩn thỉu, bốc mùi hôi thối. Ở vùng hạ lưu, mùi hôi càng nồng nặc. Vì vậy, những người dân sinh sống ở gần sông Tô Lịch như chúng tôi rất muốn dòng sông được cải tạo”.

Cùng đó, ông Trần Đình Hảo (65 tuổi, ở Đống Đa) cho biết: “Nếu xử lý được theo hướng tất cả nước thải được thu hồi thì dòng sông Tô Lịch sẽ giảm được tối đa nguồn ô nhiễm. Còn việc kinh doanh trên sông thì phải cân nhắc bởi nếu bịt kín dòng sông bằng bê tông, cốt thép, nhà hàng thì chẳng khác nào cống hóa sông Tô Lịch. Theo tôi, việc sử dụng không gian của dòng sông này như thế nào thì cần phải lấy ý kiến rộng rãi của người dân, chuyên gia”.

Hy vọng bộ mặt Thủ đô sẽ thay đổi

 Tuy nhiên, nhiều ý kiến khẳng định, rất khó để cải tạo “dòng sông chết” này.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến khẳng định, rất khó để cải tạo “dòng sông chết” này.

Mặc dù đề xuất cải tạo sông Tô Lịch được dư luận ủng hộ, đặc biệt là những người đang hàng ngày sinh sống bên cạnh “dòng sông chết” nhưng cũng không ít ý kiến e ngại rằng, việc cải tạo một dòng sông đã có thời gian “chết” lâu năm như vậy liệu có khả thi? Cùng đó, Hà Nội cứ mưa là ngập, nhà đầu tư có ngăn nổi nước bẩn từ khắp thành phố đổ vào sông hay không? Các tuyến sông như sông Nhuệ, sông Kim Ngưu, các mương nước dẫn ra các sông cũng ô nhiễm nặng nề có được ngăn chặn triệt để và không đổ vào sông Tô Lịch khi mưa lớn gây ngập diện rộng như năm 2008?

Theo ông Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, các dự án cải tạo, hồi sinh dòng sông là cần thiết nhưng không được lợi dụng để kinh doanh du lịch, cửa hàng trên sông. Dòng sông sẽ mang lại lợi ích kinh tế mềm như không gian sống trong lành cho người dân, cho cộng đồng nên nếu mục đích cải tạo sông để khai thác, phát triển du lịch là sai lầm trong quy hoạch.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, TS Lê Xuân Phương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển doanh nhân và doanh nghiệp Đông Nam Á cho hay: “Ô nhiễm ở sông Tô Lịch hay còn được gọi là “xú uế trung cung”, tức là xú uế ở giữa Thủ đô. Ở góc độ phong thủy thì việc ô nhiễm này ảnh hưởng đến vận khí cả khu vực. Ví như trong nhà thông thoáng mà đặt nhà vệ sinh giữa phòng khách thì việc làm ăn của gia đình sẽ khó mà đi lên thì với dòng sông ô uế giữa lòng Thủ đô cũng tương tự. Ô nhiễm không những ảnh hưởng đến con người, đến môi trường sống mà còn ảnh hưởng đến tư tưởng, đi lên của kinh tế khu vực”.

Cũng theo TS Lê Xuân Phương: “Việc cải tạo dòng sông ô nhiễm nhiều năm sẽ khá khó khăn nếu không được cơ quan quản lý nhà nước ủng hộ, đồng tình. Tuy nhiên, tôi cho rằng, những gì tốt đẹp nhất cho người dân thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ ưu tiên. Hơn nữa, cái quan trọng nhất là người dân Thủ đô ủng hộ, nếu như người dân cả nước ủng hộ nữa thì quá tốt. Việc phát triển và khai thác du lịch trên sông sẽ làm bộ mặt Thủ đô thay đổi, phát triển hơn và văn minh hơn”.

Theo Trung tâm Quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) - đơn vị tiến hành quan trắc nước sông Tô Lịch vào năm 2013 và kết quả cho thấy: Lượng oxy hòa tan thấp hơn 2 lần so với tiêu chuẩn. Lượng oxy hóa học trong nước (COD), oxy sinh học trong nước (BOD5), khuẩn coliform trong nước, tổng chất rắn lơ lửng (TSS), tổng dầu, mỡ, hàm lượng amoni (NH4+)… đều vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.

Bảo Loan

Theo Giadinh.net.vn