Hà Nội: bệnh cúm tăng bất thường, sởi có nguy cơ bùng phát. Ảnh: Lương Minh

Hà Nội: bệnh cúm tăng bất thường, sởi có nguy cơ bùng phát. Ảnh: Lương Minh

Về tình trạng nắng nóng khiến bệnh nhân cúm tăng đột biến, PGS.TS. Đỗ Duy Cường Giám đốc trung tâm Bệnh viện Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thông thường bệnh cúm người dân hay chủ quan nên thường tự chữa và khi đã biến chứng nặng thì mới đưa tới bệnh viện nên số bệnh nhân tăng lên khó kiểm soát.  Đặc biệt, trong thời tiết bất thường như hiện nay thì bệnh cúm không thể coi thường. Hiện tại Bệnh viện đang điều trị cho 4 bệnh nhân cúm rất nặng phải thở máy, nhân viên y tế thường xuyên phải theo dõi sát sao của. Trước đó, từ đầu tháng 4/2019, tại BV Nhiệt đới Trung ương cũng đã phải xử lý rất nhiều ca bệnh nặng do cúm, phải chạy ECMO. 

Theo các bác sĩ, vius cúm thường gây tổn thương ở phổi, diễn tiến rất nhanh, dẫn đến suy hô hấp, nếu ở nhóm có nguy cơ cao thì cần được theo dõi và điều trị kịp thời, nếu không có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra, chưa kể những người bị cúm nhẹ được điều trị ngoại trú, ngày nào cũng có vài trường hợp cúm nặng phải nhập viện, trong đó có bệnh nhân viêm phổi nặng do cúm trên nền bệnh xơ gan, đái thái đường dù được cứu chữa tích cực nhưng bệnh quá nặng, gia đình phải xin về. 

Các chuyên gia truyền nhiễm cũng cảnh báo, thời tiết đang nóng tới 40 độ C như hiện nay mà vẫn xảy ra cúm và còn tăng cao là điều đáng ngạc nhiên. Các ca mắc bệnh cúm năm nay chủ yếu là cúm mùa như cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B. Bệnh rất dễ trở nặng nếu bệnh nhân có nền bệnh tật phức tạp, mắc nhiều bệnh phối hợp khác.

Bên cạnh đó, ở thời điểm hiện tại, các bệnh viện tại Hà Nội đều cho biết, số ca mắc sởi vẫn tăng. Trong tuần qua (từ ngày 15/4 đến 21/4), số ca mắc sởi đã tăng vọt lên 123 ca. Như vậy, từ đầu năm đến nay, thành phố đã ghi nhận 928 ca mắc sởi (gấp hơn 15 lần so với cùng kỳ năm 2018), chưa có trường hợp tử vong. Cụ thể tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), PGS.TS. Đỗ Duy Cường cũng cho hay, trong vòng 3 tháng đầu năm 2019, Trung tâm đã tiếp nhận gần 100 ca sởi đều trong tình trạng nặng.

Tổ chức Y tế Thế giới cũng cảnh báo dịch sởi bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới với quy mô kỷ lục. Việc chẩn đoán các bệnh sởi, thủy đậu, rubella, sốt phát ban rất hay nhầm lẫn với dị ứng thuốc. Vì thế, nhiều bệnh nhân điều trị dị ứng nhiều nơi không đỡ rồi mới phát hiện bị sởi thì đã muộn, thậm chí tử vong do biến chứng là khó tránh khỏi. 

Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo bệnh cúm có thể tự khỏi nếu nhẹ, nhưng cũng không vì vậy mà người dân chủ quan vì virus cúm biến đổi rất nhanh. Do vậy, các gia đình nên chủ động phòng bệnh bằng biện pháp tiêm chủng mỗi năm một lần, kể cả người lớn và trẻ nhỏ và giữ gìn vệ sinh thân thể thật tốt.

Theo congluan.vn