“Tết nghĩa là hy vọng” 2019 tổng hợp những câu chuyện mang dấu ấn cá nhân vừa dung dị, gần gũi với những ký ức Tết của dân tộc trải qua nhiều thời kỳ lịch sử: từ chiến tranh, đến những bước chuyển của thời kỳ đổi mới và nhịp sống hối hả thời hiện đại... Là không gian đậm chất nghệ thuật, tái hiện những khoảnh khắc giá trị của mỗi người từ thưở thơ bé đến lúc trưởng thành.

Ngoài ra, các chương trình nghệ thuật khác chào mừng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 diễn ra vào 22g00 ngày 4-2-2019 (đêm Giao thừa) tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám - Nhà hát Lớn Hà Nội, trước cửa Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, khu vực hồ Văn Quán (quận Hà Đông), thị xã Sơn Tây, khu vực vườn hoa Lạc Long Quân (quận Tây Hồ).

Nhiều chương trình hoạt động nghệ thuật sẵn sàng chào đón năm mới 2019

Nhiều chương trình hoạt động nghệ thuật sẵn sàng chào đón năm mới 2019

Với công tác tổ chức trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan tại khu trung tâm và các tuyến phố chính, Sở VH-TT tổ chức căng treo 2.775 băng rôn trên các trục đường, tuyến phố chính và các khu trung tâm TP; 6 cụm pano cố định các khu vực nội thành và vùng ven cửa ngõ: phố Trần Nhân Tông, ngã tư Giảng Võ-Cát Linh, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Xuân Mai, Ngọc Hồi.

Thành phố cũng trang trí ánh sáng theo hình thức xã hội hóa tại 8 tuyến đường trung tâm bao gồm: Tràng Tiền, Tràng Thi, Hàng Bài, Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Thanh Niên, Điện Biên Phủ. Bên cạnh đó, cũng tiến hành trang trí trụ sở các cơ quan TP; trang trí hoa với chủ đề “Mừng Đảng mừng Xuân” tại khu vực Vườn hoa Lý Thái Tổ từ ngày 1 đến 10-2.

 

Theo đó, Sở VH-TT Hà Nội cũng tiếp tục vận động các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh thực hiện công tác chiếu sáng các tuyến đường, phố trên địa bàn bảo đảm an toàn, hiệu quả, văn minh, hiện đại; vận động các cơ quan, đơn vị, DN, hộ gia đình thực hiện trang trí cây hoa, cây cảnh, trang trí chiếu sáng mặt tiền, trụ sở, các tòa nhà, trung tâm thương mại, khách sạn… làm đẹp cảnh quan, mỹ quan đường phố.

Sau Tết Nguyên đán, Sở VH-TT Hà Nội sẽ phối hợp các Sở, ban, ngành TP tổ chức chấm điểm về việc trang trí cây hoa cây cảnh và trang trí trên địa bàn TP trong dịp Tết. Việc trang trí đường phố Hà Nội sẽ hoàn thành trước ngày 26-1.

Theo Ban quản lý phố cổ Hà Nội, để công chúng có những trải nghiệm thú vị về văn hóa truyền thống, sẽ tổ chức chuỗi các hoạt động văn hoá với chủ đề “Nét xuân xưa” tại các điểm di tích, các không gian văn hóa trong khu vực phố cổ Hà Nội.

Phố bích họa Phùng Hưng

Phố bích họa Phùng Hưng

Không gian bích họa phố Phùng Hưng cũng được tổ chức thành không gian văn hóa nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng, gắn kết với không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội và phố Hàng Mã, chợ hoa Hàng Lược, tạo điều kiện cho nhân dân có thêm địa chỉ vui Tết, du xuân. Không gian bích họa phố Phùng Hưng sẽ được tổ chức từ ngày 22-1.

Từ ngày 25-1 đến 24-2 tại khu vực phố cổ Hà Nội sẽ diễn ra nhiều hoạt động tại các điểm di tích, như tại đình Kim Ngân (số 42 và 44 Hàng Bạc) khách tham quan sẽ được tìm hiểu về trang trí, sắp đặt không gian sinh hoạt Tết truyền thống; mâm lễ gia đình để dâng cúng tại đình, với mâm lễ bao gồm các đặc sản đặc trưng của Hà Nội. Tại Ngôi nhà Di sản (87 Mã Mây), Ban quản lý phố cổ Hà Nội giới thiệu những hình ảnh hiện vật về Tết xưa của người Hà Nội cũng như thú chơi cây cảnh, thưởng trà của người Hà Nội xưa.

Theo Trúc An (tổng hợp)/Đô thị mới