Cụ thể, theo phản ánh của khách hàng là chị K (Cư dân sống trên địa bàn Hoàng Mai - Hà Nội), chị có đến cửa hàng mỹ phẩm Coreana (341 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) để tham khảo một số sản phẩm. Tại đây, chị được nhân viên tư vấn của cửa hàng giới thiệu những set mỹ phẩm phù hợp với việc biếu, tặng.

Bộ sản phẩm dưỡng ẩm da Coreana Premium Moisture Solution mà chị K được nhân viên tư vấn

Bộ sản phẩm dưỡng ẩm da Coreana Premium Moisture Solution mà chị K được nhân viên tư vấn

"Tại đây, tôi được nhân viên cửa hàng giới thiệu bộ sản phẩm dưỡng ẩm da Coreana Premium Moisture Solution trị giá 2.300.000đ và được giảm giá 10% nếu mua. Tuy nhiên, khi tôi hỏi hàng có đảm bảo chất lượng cũng như có giấy tờ chứng minh không thì nhân viên dường như lảng tránh, chỉ khẳng định các sản phẩm được công ty nhập khẩu và phân phố các sản phẩm chính hãng cho cả các đại lý kinh doanh khác, còn tùy khách hàng có thể mua, có thể không. Quan sát thêm về sản phẩm thì tôi nhận thấy tại đây sản phẩm không được dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, như đánh đố khách hàng. Toàn tiếng nước ngoài như vậy thì người tiêu dùng không thể nhận biết được công dụng cũng như xuất xứ của sản phẩm"- chị K cho biết thêm.

Theo ghi nhận của PV tại cửa hàng mỹ phẩm Coreana 341 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội, đúng như khách hàng phản ánh, sản phẩm tại cơ sở này không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam về dán nhãn hàng hóa nhập khẩu.

Sản phẩm tại cơ sở này không có nhãn phụ bằng Tiếng Việt theo quy định đối với hàng hóa nhập khẩu

Sản phẩm tại cơ sở này không có nhãn phụ bằng Tiếng Việt theo quy định đối với hàng hóa nhập khẩu

Cụ thể, theo quy định tại Điều 7, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Nhãn hàng hóa quy định hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

Ngoài ra nhãn phụ phải được gắn trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa và không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc. Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa.

Việc không dán tem nhãn phụ không chỉ gây khó khăn cho khách hàng trong việc tìm hiểu thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ sản phẩm, thời gian sản xuất và hạn sử dụng cũng như các thành phần của sản phẩm mà còn có dấu hiệu không đảm bảo tính pháp lý của hàng hóa khi lưu thông trên thị trường theo quy định.

Mỹ phẩm là 1 trong 3 mặt hàng “nóng” dễ làm giả nhất (gồm mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng). Mỹ phẩm từ lâu đã trở thành mặt hàng phổ biến trong cuộc sống đối với mọi người. Khi nhu cầu sử dụng mỹ phẩm càng tăng thì tình trạng buôn bán các loại mỹ phẩm giả, mỹ phẩm trôi nổi kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ… xuất hiện ngày càng nhiều, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, lợi dụng việc người dân có tâm lý sính ngoại, nhiều chủ cửa hàng mỹ phẩm đã trà trộn nhiều hàng giả, hàng nhái dưới nhiều dạng: Giả nguồn gốc xuất xứ, vi phạm nhãn mác, hàng nhập khẩu không tem (hàng có tem vẫn dùng tem giả), hàng Trung Quốc ghi nhãn xuất xứ từ Hàn, Nhật, Mỹ,…. nhằm mục đích thu lời bất chính.

Việc cửa hàng mỹ phẩm Coreana không có tem nhãn phụ đã đặt ra dấu hỏi về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ thật sự của những sản phẩm tại cơ sở này. Trên tinh thần thượng tôn người tiêu dùng, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với phía đại diện cửa hàng để xác minh, làm rõ thông tin trên và đề nghị các cơ quan chức năng có liên quan vào cuộc kiểm tra và xử lý vi phạm nếu có.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin ./.

Khoản 1, Điều 26 Nghị định số 80/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa, có quy định như sau:

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5.000.000 đồng:

+ Hàng hóa có nhãn (kể cả tem hoặc nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa;

+ Hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

Khoản 2 Điều 26 Nghị định 80/2013/NĐ-CP Phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 26 theo mức phạt sau đây:

“Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.”

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi hàng hóa vi phạm về nhãn đang lưu thông trên thị trường.

Theo Trúc An/Đô thị mới