Trước đây, khi bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế thường phải mua sổ khám chữa bệnh, nhân viên y tế phải hỏi han tiền sử bệnh tật, không có điều kiện theo dõi quá trình điều trị cũng như thông tin cơ bản của bệnh nhân... Từ khi triển khai quản lý sức khỏe điện tử những điều trên đã cơ bản được khắc phục, người dân được theo dõi sức khoẻ từ y tế cơ sở, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Theo thống kê của ngành y tế, hiện nay, trong 10 người có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) thì chỉ có khoảng 4 người sử dụng thẻ để đi khám ở y tế cơ sở.

  Quản lý sức khỏe điện tử từ tuyến xã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người bệnh. Ảnh minh họa
Quản lý sức khỏe điện tử từ tuyến xã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người bệnh. Ảnh minh họa

Nhiều người chỉ đi khám bệnh khi bệnh trở nặng và không có thói quen đi kiểm tra sức khỏe định kỳ khi không có những dấu hiệu bất thường.

Vì thế, khi phát hiện bệnh muộn sẽ làm tăng gánh nặng bệnh tật, tăng chi phí cho gia đình, xã hội và làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân.

Thực tế cho thấy việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe, khám định kỳ cho người dân giúp quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân ngay từ tuyến y tế cơ sở góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh đạt hiệu quả cao hơn.

Chị Đ.N.M. (Gia Lâm, Hà Nội) đã tham gia quản lý sức khoẻ theo hình thức điện tử cho biết, trước đây chỉ người có điều kiện, nhân viên của một số doanh nghiệp, cơ quan mới có chế độ kiểm tra sức khỏe định kỳ, còn nông dân, đặc biệt nông dân vùng sâu, vùng xa hầu như không bao giờ được kiểm tra, thường khi đi khám là lúc bệnh đã nặng rồi.

Tuy nhiên giờ đây, những người lao động tự do, ít có điều kiện khám sức khỏe cũng đã được khám sức khỏe định kỳ, được quản lý sức khoẻ cá nhân.

Trường hợp của anh N.V.T (Ba Đình, Hà Nội) cũng gặp tình trạng tương tự. Trước đây mỗi lần cho con vào Bệnh viện Nhi Trung ương khám anh lại phải mua sổ rồi mất thời gian khai báo đầy đủ tiền sử bệnh của con.

Nhưng khi áp dụng hồ sơ điện tử, anh không phải làm điều này nữa, đi khám bất cứ đâu, các bác sĩ đều nắm rõ bệnh tình của con anh. "Nếu ngành y tế thực hiện được vấn đề này, người dân chúng tôi sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều mỗi khi đi khám bệnh", anh T nói.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều người dân còn mang tâm lý lo lắng liệu trang thiết bị y tế cũng như công nghệ điện tử tại địa phương có đủ để đáp ứng nhu cầu thực tiễn hay không.

Để thực hiện tốt công tác quản lý sức khoẻ điện tử, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, ngành y tế Hà Nội sẽ lập các tổ, bổ sung thiết bị máy móc để khám sức khỏe định kỳ cho người dân theo hình thức cuốn chiếu tại các xã, phường.

Khi đó, các trạm y tế sẽ được lắp đặt đường truyền kết nối, triển khai phần mềm nối mạng chung ở các cơ sở y tế; mỗi người dân có một mã số riêng, khi khám bệnh ở đâu trên địa bàn cũng sẽ được cập nhật vào hệ thống. Đối với cán bộ, công nhân, viên chức và học sinh sẽ lấy dữ liệu tại cơ quan, trường học để lập hồ sơ.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng, hệ thống quản lý sức khỏe toàn dân sẽ cung cấp thông tin cơ bản về sức khỏe, tiền sử bệnh tật của người dân khi có yêu cầu và theo quy định.

Mỗi người dân có thể tự biết tình trạng sức khỏe của mình thông qua hệ thống quản lý sức khỏe toàn dân, qua mã định danh (ID) và các thông tin bảo mật khác như điện thoại, số chứng minh nhân dân, mã vạch...

Về lâu dài, việc cập nhật hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân tích hợp với thẻ an sinh xã hội sẽ tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám chữa bệnh ở bất kỳ cơ sở y tế nào và bác sỹ có thể biết được tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh tật, không phải làm lại các xét nghiệm không cần thiết, nhất là trong những trường hợp cấp cứu.

Theo giadinhmoi.vn