ha noi phan dau doanh thu ban le truc tuyen chiem 9 tong muc ban le
Ảnh minh họa

Theo kế hoạch, năm 2019, toàn thành phố phấn đấu doanh thu bán lẻ trực tuyến chiếm 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố, tăng 1% so với năm 2018. Giữ vững xếp hạng từ thứ 2 trở lên so với cả nước về Chỉ số thương mại điện tử (EBI) hằng năm.

Tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến đạt 68% số người sử dụng Internet trên địa bàn thành phố, tăng 2% so với năm 2018. 85% cơ sở phân phối, bán lẻ hiện đại, đơn vị cung cấp điện, nước, dịch vụ viễn thông và 25% cửa hàng xăng dầu chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt khi mua bán hàng hóa, dịch vụ. 95% doanh nghiệp có website, ứng dụng cung cấp thông tin doanh nghiệp, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh. 80% số chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn tham gia Hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc; 10.000 lượt đăng ký thành viên tham gia chợ thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản xuất theo chuỗi TP Hà Nội.

Để hoàn thành các chỉ tiêu để ra, UBND thành phố triển khai thực hiện 14 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục phát huy hiệu quả hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm của TP Hà Nội; phát triển quản lý và mở rộng trên hệ thống các đơn nguyên quản lý chợ đầu mối, chợ thương mại điện tử sản phẩm nông sản, đơn nguyên quản lý các sản phẩm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); đẩy mạnh hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng CNTT quản lý luồng di chuyển của sản phẩm đối với các chuỗi sản xuất, sơ chế, chế biến nông lâm thủy sản an toàn; ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu nông sản cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản tham gia hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc chung của thành phố. Ứng dụng mã hình QR trong truy xuất thông tin trực tuyến, thanh toán trực tuyến, khuyến mại trực tuyến, kê khai thuế điện tử và hỗ trợ kết nối nhanh giữa người sản xuất, người bán với người mua.

Cùng với đẩy mạnh công tác ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh trong mọi ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả hoạt động, thành phố tập trung phát triển logistics điện tử phục vụ hoạt động thương mại điện tử; xây dựng và nâng cao năng lực mạng lưới dịch vụ vận chuyển, hạ tầng logistics, giao nhận hàng hóa trong địa bàn Hà Nội và với các địa phương khác trong cả nước.

Đồng thời, đẩy mạnh sử dụng các phương tiện, hình thức, công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt (thanh toán điện tử) trong mua sắm hàng hóa, dịch vụ tại cơ sở phân phối, bán lẻ hiện đại, cửa hàng xăng dầu, đơn vị cung cấp điện, nước, dịch vụ viễn thông và trong mua sắm trực tuyến trên địa bàn thành phố.

Theo phapluatxahoi.vn