Đây là thông tin được Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết trong Hội nghị đối thoại công nhân lao động các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội năm 2017 diễn ra ngày 19/5.

Tại Hội nghị,nhiều kiến nghị của công nhân lao động đã được gửi đến các sở, ngành như Sở Giao thông vận tải, Xây dựng, Công Thương, Điện lực Hà Nội, Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an Thành phố...

Trong đó, nổi bật nhất có 16 ý kiến liên quan đến xây dựng như nhà giá rẻ trả góp công nhân lao động, xây dựng hạ tầng thiết chế văn hoá, nhà trẻ, bệnh viện cho công nhân lao động; tạo điều kiện cho công nhân các khu nhà trọ được lắp đồng hồ và trả giá theo quy định của Điện lực Hà Nội.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Cụ thể, các công nhân kiến nghị nhà ở tại khu vực Thạch Thất Quốc Oai có khu nhà ở xã hội đã hoàn thiện, nhưng giá rất cao so với thu nhập của người lao động.

Hơn thế, lãi suất ngân hàng cũng rất cao, người lao động không thể tiếp cận. Có nên chăng học hỏi theo Bình Dương, bán trả góp với lãi suất ưu đã cho người lao động (NLĐ)?...

Công nhân lao động kiến nghị, đối với mỗi khu công nghiệp Thành phố nên đầu tư xây dựng khu nhà ở cho công nhân, theo hình thức nhà ở xã hội bán cho công nhân lao động (CNLĐ), giúp công nhân giảm được chi phí thuê nhà, đi lại, tiết kiệm được thời gian và có điều kiện gặp gỡ giao lưu tìm kiếm bạn đời, hạn chế tệ nạn xã hội; xây dựng Nhà văn hóa, khu vui chơi cho CNLĐ và con em của CNLĐ, CNLĐ trong KCN không có nơi để vui chơi, giải trí hết giờ làm về nhà không có nơi để nâng cao đời sống tinh thần, cho CNLĐ và con em của họ, chúng tôi mong muốn có Nhà văn hóa, có khuôn viên cho con em CNLĐ vui chơi.

Theo ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - về vấn đề nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo và các thiết chế văn hóa là những đòi hỏi thiết thực nhưng vẫn là những vấn đề bức xúc của người lao động.

Hiện nay, trong rất nhiều khu công nghiệp, tỷ lệ nhà ở xây dựng cho công nhân mới chỉ đạt khoảng 5-10%. Trên 90% công nhân đang phải ở tại các khu nhà trọ, nhiều khu nhà trọ không đảm bảo điều kiện. Nhiều khu công nghiệp chưa có nhà trẻ mẫu giáo, anh chị em công nhân phải gửi con cái cho các cơ sở tư nhân, không đảm bảo an toàn.

Những vấn đề bức xúc này đã được các tỉnh, thành phố biết tới và đang tìm cơ chế để giải quyết, bởi ngân sách của các tỉnh cũng còn hạn hẹp, khó khăn. Nhiều cơ chế để thu hút doanh nghiệp, thu hút các lực lượng xã hội tạo điều kiện giải quyết”, ông Chính cho hay.

Ông Chính cho biết thêm, trong năm 2017, sẽ thí điểm xây dựng 10 thiết chế cho công nhân các khu công nghiệp. Giai đoạn 2018 - 2020 sẽ tiếp tục xây dựng 4 thiết chế tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Trước hết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang phối hợp với một số địa phương, để địa phương dành đất sạch cho tổ chức công đoàn để xây dựng các thiết chế.

Khi các địa phương bố trí được đất sạch, chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng theo mô hình các khu nhà ở, khu chung cư có với các căn hộ từ 30-50m2 với giá thành bình quân khoảng 5 triệu đồng/m2”, ông Mai Đức Chính cho biết.

Nói về vấn đề thiếu nhà ở cho công nhân, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, TP chưa xây dựng được nhiều nhà ở cho công nhân, hoặc ở Khu công nghiệp Thăng Long dù xây dựng nhà ở nhưng ít công nhân vào ở.

Bởi quá trình xây có nhiều bất cập như tiến độ xây chậm, chưa tham khảo nhu cầu của công nhân nên xây phòng quá rộng (10-15 người ở), trong khi nhu cầu của công nhân chỉ muốn 1 – 2 người ở; ngoài ra, chất lượng nhà ở thấp. Vừa qua TP đã khắc phục, sửa chữa lại, giảm giá... để tạo điều kiện cho công nhân vào ở.

Ông Chung cho biết thêm, Tổng liên đoàn dành 700 - 800 tỷ đồng, cùng đồng hành với TP Hà Nội xây dựng những khu nhà ở cho công nhân trên địa bàn Thành phố. TP cũng dành khoản tiền để xây dựng khu nhà ở kèm theo những thiết chế văn hóa, dịch vụ kèm theo để tạo điều kiện sống cho công nhân tốt hơn.

Theo Reatimes.vn