Mặc dù Cục Thuế Thành phố Hà Nội đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp đôn đốc nợ và cưỡng chế nợ thuế nhưng trên địa bàn Thủ đô vẫn còn một số doanh nghiệp nợ thuế lớn, một số dự án nợ tiền sử dụng đất.

Sau khi công bố danh sách 23 doanh nghiệp nợ thuế với tổng số nợ lên tới hơn 1.200 tỷ đồng, mới đây Cục thuế Hà Nội lại tiếp tục công khai tên 50 doanh nghiệp và 13 dự án chây ì, nợ thuế với tổng số tiền hơn 844 tỷ đồng.

Cục Thuế Thành phố Hà Nội thực hiện rà soát 50 doanh nghiệp nợ thuế lớn đến ngày 31/5/2015 và 13 dự án nợ tiền sử dụng đất đến ngày 30/6/2015.

Trong danh sách đợt 2 này phần lớn vẫn là những doanh nghiệp thuộc ngành xây dựng, giao thông, vật liệu xây dựng. Trong đó xuất hiện những cái tên khá quen thuộc như: Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Phát Triển Nhà Và Đô Thị Vinaconex, Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Xây Dựng Và Phát Triển Đô Thị Sông Đà…

Đa số các doanh nghiệp nợ thuế làm trong lĩnh vực xây dựng.

Đa số các doanh nghiệp nợ thuế làm trong lĩnh vực xây dựng.

Tuy không có doanh nghiệp nợ thuế cả trăm tỷ đồng, nhưng trong danh sách đợt 2 này, Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây lắp Và Vật liệu công nghiệp (quận Hai Bà Trưng) là doanh nghiệp đứng đầu và có số tiền nợ lên tới hơn 46,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hai công ty khác là Công ty cổ phần Xây lắp và Đầu tư Sông Đà và Công ty CP Lắp máy điện nước và Xây Dựng 2 cùng nợ hơn 32 tỷ đồng…

Cũng trong thông báo này, Cục Thuế thành phố Hà Nội cũng “nêu tên” 13 dự án nợ tiền sử dụng đất. Trong đó có sự góp mặt của các tên tuổi lớn như Khu đô thị mới Phú Lương các phường Phú La, Phú Lương, Kiến Hưng, Hà Đông (hơn 193 tỷ đồng); Khu nhà phố Wall, Tổ hợp nhà ở kết hợp văn phòng và dịch vụ thương mại tại Trung Văn, Từ Liêm - Nhân Chính…

Tính tới hết tháng 06/2015, 13 dự án này đã nợ tổng số tiền thuế lên tới hơn 700 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế Hà Nội), cho biết tất cả các DN trên đều thuộc các đối tượng chây ì, các khoản nợ phải thu khó đòi đã quá 90 ngày. Số nợ thuế lớn, kéo dài, ngành thuế đã dùng nhiều biện pháp đôn đốc, nhắc nhở, phạt nhưng vẫn không thu hồi được.

“Cục Thuế biết rằng công khai sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của DN, đến đối tác của DN, đến môi trường kinh doanh nhưng ngành thuế đã làm mọi cách rồi, giờ cực chẳng đã mới phải chỉ đích danh”, đại diện Cục Thuế Hà Nội cho hay.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến DN nợ thuế, theo bà Yến, có yếu tố khách quan như kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản đóng băng thời gian dài.

Tuy nhiên, cũng có DN cố tình chây ì, trốn thuế, đối với những trường hợp đã bán nhà thu tiền mà không kê khai nộp thuế sau khi đủ hồ sơ, chứng cứ ngành thuế sẽ chuyển qua cơ quan công an đề nghị xử lý hình sự.

Bà Yến cho biết thêm: Trước khi công khai danh tính, Cục Thuế đã phối hợp với cả ủy ban mời DN lên làm việc để giải trình, cho phép phân kỳ, kéo dài thời gian nhưng đến hạn các DN vẫn không trả được nợ.

Riêng một số DN mà nhà nước còn nợ tiền xây dựng cơ bản, cũng đã không bị phạt tiền thuế chậm nộp, được hỗ trợ tiền sử dụng đất...

Vẫn theo bà Yến, danh sách trên chỉ là đợt 1, hiện tại Cục Thuế Hà Nội đang tiếp tục rà soát, Phòng Quản lý nợ tiếp tục đối chiếu và làm việc với các DN. Thời gian tới, sẽ tiếp tục công khai đợt 2.

Tình trạng nợ đọng thuế đang có xu hướng ngày càng gia tăng và kéo dài, không chỉ ở Hà Nội và nhiều địa phương khác.

Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo ngay trong tháng này, 3 đơn vị gồm Cục Thuế Hà Nội, Cục Thuế TP.HCM và Tổng cục Thuế sẽ phải công khai danh sách 600 DN có số nợ thuế lớn nhất. Mỗi đơn vị công khai 200 DN, trong đó 100 DN có số nợ lớn và 100 DN có số nợ lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu.

Về tổng số nợ thuế trên cả nước, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết hiện nay đã lên tới 72.000 tỉ đồng, bằng 10% số thu, gấp đôi chỉ tiêu mà Quốc hội cho phép. Vẫn theo ông Tuấn, tỷ lệ nợ thuế tối đa chỉ 5% so với số thu, tuy nhiên con số này đến nay đã lên tới trên 10%.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cũng xác định quan điểm của ngành thuế là luôn chia sẻ khó khăn với các DN. Trước khi công bố danh tính các đơn vị, ngành thuế đã làm việc với DN rất nhiều lần./.

Bá Ngôn / Theo Gia đình Việt Nam