Tục lệ này chủ yếu là ở miền Bắc, sau khi xuất hành tới đền chùa, mọi người có thói quen ngắt một cành lộc để mang về nhà lấy may. Cành lộc thường là cành đa nhỏ hay cành đề, cành si... là những loại cây quanh năm tươi tốt và nảy lộc.

Tục hái lộc ở các nơi như đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân năm mới. Cành lộc thường đem về cắm ở bàn thờ. 

 Tục lệ hái lộc đầu năm

Do đó mà cứ đêm giao thừa hoặc sớm mùng 1 Tết, người dân đến đình chùa, đền phủ để hái một cành lộc non mang về với ý nghĩa xin cành lộc nhỏ ở chốn linh thiêng để rước tài lộc, may mắn về nhà.

Nhiều nơi còn treo cành lộc trước gian giữa hoặc cửa ra vào để trừ ma quỷ, hay có ý báo là đã “rước phước lộc” về gia đình.

Tuy nhiên, sau thời gian dài thì việc hái lộc đã bị "biến hóa" đi khiến chúng không còn ý nghĩa như xưa. Nguyên nhân là do nhiều người lạm dụng việc này, vì mong muốn nhiều tài lộc, nhiều may mắn và bứt cành lớn, gây tổn hại đến cây xanh cũng như vẻ đẹp cảnh quan sân chùa, đền.

Ở nhiều nơi đền, chùa linh thiêng, còn có hiện tượng mọi người chen chúc, xô xát nhau để hái lộc. Nhiều trường hợp "hái trộm lộc" ở những nơi cấm kị để mong may mắn, tiền tài.

Theo các nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người (Liên hiệp Hội KH & KT Việt Nam), tục hái lộc là một nét đẹp văn hóa. Lộc là nụ đầu tiên, mầm non mới nhú. Hái lộc ở đền, chùa ngụ ý xin hưởng một chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân đầu năm mới.

Do đó mà không nên quá đề cao phân biệt cành lộc lớn nhỏ hay hái lộc ở nơi nào mà gây ra những khái niệm sai lầm về hái lộc đầu xuân.

Một số quan điểm mang tính duy tâm còn cho rằng hái lộc là việc không nên có có thể có những cành lộc có "vong" (linh hồn) bám theo, khi hái về vô tình sẽ mang những điều không may mắn tới cho gia chủ. 

Dù vậy, hái lộc đầu năm vẫn là một nét văn hóa đẹp của người Việt nếu mọi người đều hiểu ý nghĩa thực sự của việc này.

Theo An Nhi (Tổng hợp)/Reatimes