Xuất xứ tục hái lộc đầu năm

Hái lộc đầu năm là tục lệ có nguồn gốc từ rất xa xưa. Theo các nhà nghiên cứu, hái lộc đầu năm là phong tục xuất hiện từ thời Hùng vương.

Theo truyền thuyết xưa, nhân chuyến đi du xuân, Hùng vương đã hái một cành lộc đem về cho con cháu với mong ước nhiều điều tốt đẹp cho dòng dõi và họ tộc. Từ đó, người dân mô phỏng theo hành động đẹp ấy sau này trở thành mỹ tục.

Hái

Người Việt có câu “đâm chồi nẩy lộc” để chỉ cho những gì mới được hình thành, tương lai sáng lạn và lâu dài còn chờ ở phía trước. Từ “lộc” ở đây còn đồng âm với chữ “lộc” có nghĩa là tiền tài, lộc lạc. Do đó vào đầu năm mới, người Việt có tục đi hái lộc để lấy may. Ảnh minh họa.

Một thuyết khác kể lại rằng, khi thấy con mình khôn lớn, Hùng vương bèn triệu tập các Lạc Hầu, Lạc Tướng, bô lão cùng các con đến phán: "Nay các con đã khôn lớn, ta muốn các con đi dạy dân làm ăn và trấn cứ các nơi. Nghe Vua cha truyền, những người con đều có ý ngần ngại và chỉ muốn được ở lại cùng cha mẹ. Quần thần không biết tâu với Vua thế nào thì Hoàng hậu thưa:

Các con vì lưu luyến cha mẹ nên không muốn đi xa. Thiếp trộm nghĩ nhà Vua nên làm lễ tế trời đất rồi dùng cách “bẻ lộc” cho con. Ai nhận được cành lộc nào thì cứ phương ấy mà đi.

Thấy phải, Vua thuận ý rồi truyền cho quần thần và các con đi nghỉ, không ai được động tĩnh gì…Sau đó, Vua cho dựng đàn làm lễ tế trời đất trên đỉnh núi suốt cả đêm. Đến giữa canh ba, Hùng vương đi bẻ lá xem giờ sang canh, bà Hoàng hậu đi bẻ cành lộc để chia các con.

Sáng hôm sau, Hùng vương ban cho mỗi con một cành lộc và dặn rằng: Non ở nhà, già ở ấp. Chẵn lên non, còn xuống biển. Trên đường đi, nếu gặp điều không may, con cứ lấy cành lộc còn đẫm sương đêm này mà vẩy lên thì giặc giã, tà ma nào cũng sẽ tan hết. Con nào lên núi ta ban cho mây và ngựa, các con xuống biển ta ban cho gió và thuyền.

Theo lệnh Vua cha, các hoàng tử quỳ lạy và nhận mỗi người một cành lộc rồi lên đường đi trấn cứ các miền.

Từ đó, hái lộc đầu xuân trở thành phong tục của dân tộc ta. Hái lộc là để cầu may khi bước sang năm mới. Do vậy, người ta thường đi hái lộc sau giao thừa hoặc sớm tinh mơ ngày mồng 1 Tết.

Ý nghĩa sâu xa của mỹ tục…

Theo các nhà nghiên cứu, cành lộc là một cành cây nhỏ, có thể là đa hay nhánh đề, si…hoặc là cành của những cây cổ thụ ở đầu làng bên giếng nước, đó đều là những loại cây quanh năm tốt tươi và nẩy lộc.

Hái lộc ở đền, chùa theo ngụ ý của người xưa là xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho trong năm mới.

Cành lộc thường đem về cắm ở bàn thờ Tổ tiên hoặc được treo ở hiên nhà, trước gian giữa hoặc ở cửa ra vào để trừ tà ma quỷ và để báo cho mọi người biết đã có người xuất trình “xin” lộc đất trời.

Những năm gần đây, nhiều người dân có sáng kiến dùng mía tím cả cây có ngọn để thay lộc, thay thế một phần nạn bẻ lộc, hại cây đầu xuân...

Việc mang một cây mía có ngọn vừa mang được chồi lộc vừa mang được vị ngọt ngào về nhà, vừa mang ý nghĩa mong muốn sự sinh sôi nảy nở.

Truyền thống hái lộc đầu năm của dân tộc ta mang ý nghĩa rất uyên thâm: Đạo lý nhân quả, để nhắc nhở con cháu rằng: Tất cả những lộc biếc, quả ngọt; những may mắn, niềm vui, hạnh phúc mà chúng ta nhận được đều phải xuất phát từ cái tâm trong sáng, thiện ích và những việc làm, hành động đúng đắn, ích lợi từ chính bản thân ta.

Do đó, chúng ta muốn hái được “lộc” thì phải gieo mầm, làm những điều tốt lành, ích lợi thì “lộc” sẽ tự động về với chúng ta. “Lộc” chỉ đẹp và mang đến cho ta niềm hy vọng, sự yêu đời khi ta biết nâng niu, trân trọng. 

...Và những biến tướng xấu xí

Theo quan điểm của Phật học, từ “hái” khi được ông bà ta ghép với từ “lộc” mang một ý nghĩa rất nhân bản, qua đó, tiền nhân muốn gởi gắm cho con cháu một ý nghĩa về giáo dục rất sâu xa. Đó là đạo lý nhân quả rất đơn giản trong cuộc sống hằng ngày “có làm thì mới có ăn”, “tay làm hàm nhai” v.v…

Theo GS Ngô Đức Thịnh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam: “Lộc” mang rất nhiều nghĩa. Lộc theo nghĩa đen là chồi non mới nhú, nó biểu hiện sự sinh sôi, nảy nở, phát triển. Nghĩa thứ 2, lộc là điều tốt đẹp. Lên chùa thắp một nén hương để xin lộc thì lộc có thể được hiểu là sức khỏe, con cái, bình an… và hái lộc nên được hiểu theo nghĩa thứ hai.

Đại đức Thích Trí Hiến, chùa Hưng Khánh (Bình Định) cũng cho rằng, nét đẹp “hái lộc đầu Xuân” theo các cụ xưa là gặt hái quả phúc, hỷ lạc… xuất phát từ bản tâm, hành động, lời nói và ý nghĩ thiện lành. Có như thế “lộc” hái được, nhận được mới thật sự tốt đẹp và lợi ích.

Ngày nay nhận thức của nhiều người về tục hái lộc đầu xuân đã sai lệch, mang khía cạnh tiêu cực. Sai lầm lớn nhất là nghĩ rằng cành cây càng to, lộc càng nhiều. Vì thế nên nhiều người vác hẳn dao đi để “chặt lộc” chứ không phải hái lộc. Có người còn trèo lên cây để chọn “lộc đẹp”, không chỉ hái riêng cho mình, họ còn hái hộ cho bạn bè, người thân.

Từ thực trạng cây xanh bị bức tử, phá hoại như vậy, mong rằng mọi người hãy nâng cao ý thức trong việc đi hái lộc, đừng để một mỹ tục trở thành “hủ tục” trong xã hội đương thời hiện nay.

Lương Đức Hiển/Đô Thị Mới