Vì sao nhiều người phải tìm đến tín dụng đen?

Tín dụng đen là chủ đề được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây bởi hàng loạt những hệ lụy xấu mà nó mang lại. Dù không phải mới xuất hiện nhưng sự bùng nổ của hình thức tín dụng tiêu dùng bất hợp pháp gắn với những hoạt động tội phạm và vi phạm pháp luật gây bất ổn xã hội khiến nhiều người lo ngại.

Ngân hàng Nhà nước cho hay, tín dụng đen hay còn gọi là cho vay nặng lãi được hiểu là các tổ chức, cá nhân có hoạt động cho vay không được cấp phép của Ngân hàng Nhà nước với lãi suất rất cao so với quy định.

Tín dụng đen đã tiếp cận người dân bằng việc dán các tờ rơi ở cột điện, tường rào khu dân cư... và qua mô hình các công ty cho vay ngang hàng,

Những tờ rơi quảng cáo cho vay vốn như thế này chính là

Những tờ rơi quảng cáo cho vay vốn như thế này chính là "cạm bẫy" tín dụng đen.

Cơ quan công an cho biết, tín dụng đen có 2 biểu hiện chính là lãi suất cắt cổ, gắn với hoạt động của các băng nhóm tội phạm và vi phạm pháp luật.

Nói về hệ lụy của tín dụng đen, luật sư Phạm Văn Thạnh, Đoàn luật sư TP.HCM phân tích, các đối tượng cho vay nặng lãi cho vay rất nhanh gọn do chúng có nhiều thủ đoạn đòi nợ mang tính chất xã hội đen cũng như nhiều chiêu trò khiến con nợ phải trả mức lãi cắt cổ.

Luật sư Thạnh kể lại, ông đã từng tiếp xúc với nhiều trường hợp khi cho vay, đặc biệt những khoản giá trị lớn và họ còn ép con nợ ký giấy bán nhà. Đến hạn nếu người vay không có tiền trả thì họ tự sang tên đổi chủ. Một trường hợp điển hình ở quận Bình Thạnh, người vay dù vẫn ở trong nhà của mình nhưng giấy tờ đã bị sang tên đổi chủ 4 lần và người mua cuối cùng phải kiện ra tòa để đòi nhà.

Theo ông Trần Văn Tần, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước, nguyên nhân khiến tín dụng đen phát triển là do các quy định pháp luật hình sự, hành chính và dân sự về xử phạt hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen chưa cụ thể, rõ ràng và nghiêm khắc.

Không chỉ vậy, tín dụng đen là hoạt động ngầm nên việc quản lý và nắm bắt thông tin gặp nhiều khó khăn, nhiều vụ việc bị phát hiện chỉ khi đổ bể.

Thêm vào đó, đối tượng vay tín dụng đen thường là những người làm nghề tự do, không có tài sản thế chấp, có nhu cầu cấp bách về chi tiêu nhưng vay vốn chưa hợp lý như vay không dùng vào mục đích sản xuất, kinh doanh hoặc tiêu dùng chính đáng, không chứng minh được mục đích sử dụng vốn hợp pháp...

Ngoài ra, không ít người ở nông thôn, vùng xa ít giao tiếp, ngại tiếp xúc với nhân viên ngân hàng nên bị các đối tượng cho vay nặng lãi lợi dụng để cho vay với lãi suất "cắt cổ" nhằm chiếm đoạt tài sản.

Tín dụng tiêu dùng giúp hạn chế sự phát triển của tín dụng đen

Bàn về giải pháp đẩy lùi tín dụng đen, theo chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, khi hành lang pháp lý thông thoáng, nhiều công ty tài chính tham gia vào thị trường sẽ tạo nên quy luật cạnh tranh lành mạnh. Lúc đó, người được hưởng lợi là khách hàng và rộng hơn là nền kinh tế.

Tín dụng đen đáp ứng rất nhiều nhu cầu khác nhau từ hợp pháp đến nhu cầu bất hợp pháp. Trong khi đó, hiện nay, phát triển tín dụng tiêu dùng mới đang tập trung vào phân khúc nhất định, tức là cung cấp nguồn tín dụng cho tiêu dùng hợp pháp. Thông thường, tín dụng tiêu dùng gắn với các nhà phân phối thương mạị, các hệ thống bán buôn, bán lẻ. Với phương thức này, tín dụng tiêu dùng góp phần giảm bớt, thu hẹp quy mô khu vực “tín dụng đen” trong vai trò đáp ứng phần nhu cầu tiêu dùng.

TS. Vũ Đình Ánh

TS. Vũ Đình Ánh

Đặc biệt, tín dụng tiêu dùng được thực hiện bởi các công ty tài chính và hoạt động theo các quy định của Nhà nước, có trích lập quỹ dự phòng rủi ro cũng như có những biện pháp về đánh giá tín nhiệm của khách hàng hay có một hệ thống thông tin, hệ thống thu hồi nợ chuyên nghiệp, hợp pháp. Với lợi thế này, tín dụng tiêu dùng có thể giúp hạn chế sự phát triển của tín dụng đen”, TS. Vũ Đình Ánh chia sẻ.

Đánh giá về tiềm năng của hình thức cho vay tiêu dùng trong thời gian tới, chuyên gia Vũ Đình Ánh nhận định, những năm gần đây, cho vay tiêu dùng của người Việt Nam thông thường tăng từ 20 - 30%/1 năm. Có thể nói xuất phát từ nhu cầu, từ thói quen tiêu dùng hay từ khả năng thu nhập thì cầu của vay tiêu dùng ở nước ta còn rất lớn. Đặt biệt, trong xu thế hội nhập và phát triển thì người tiêu dùng Việt Nam cũng thu hẹp khoảng cách về thói quen, cách chi tiêu.

Thay vì như trước đây, cứ phải có tiền mới chi tiêu hay chỉ chi tiêu một phần tiền đó thì hiện nay, phong cách tiêu dùng của họ chuyển sang tiêu trước trả sau dẫn đến nguồn cầu sẽ tăng cao hơn nữa.

“Ở phía cung thì các công ty tài chính, các tổ chức tín dụng cũng đánh giá rất cao về tiềm năng phát triển thị trường cho vay tiêu dùng. Việc gặp nhau giữa cung và cầu sẽ là yếu tố giúp cho tín dụng tiêu dùng phát triển quy mô ngày càng lớn. Chính vì quy mô phát triển đó dẫn đến tín dụng tiêu dùng thu hẹp khoảng cách với lãi suất cho vay kinh doanh trong hệ thống tài chính hiện nay”, ông Ánh nói.

Tại buổi tọa đàm "Phát triển tín dụng tiêu dùng - Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen" vừa được tổ chức mới đây, khi bàn về việc thúc đẩy mảng tín dụng tiêu dùng phát triển, TS. Trần Kim Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương đề xuất 5 vấn đề cụ thể như sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng. Cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay. Đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng, các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng.

TS. Trần Kim Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương

TS. Trần Kim Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương

Thứ hai, mở rộng mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng ở những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của người dân, nhất là những địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen hiện nay để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân.Trong đó, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích ngân hàng thương mại phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những vùng khó khăn, không có điều kiện thành lập chi nhánh, phòng giao dịch.

Thứ ba, giáo dục nhận thức cho người dân. Thực tế hiện nay, nhiều khách hàng cho vay tiêu dùng không ý thức được đầy đủ rủi ro nên không trả nợ và lãi đúng kỳ hạn, dẫn tới nợ xấu.

Thứ tư, giảm thiểu rủi ro tín dụng tiêu dùng. Bài học kinh nghiệm từ Thái Lan, việc dòng vốn tiêu dùng chảy vào bất động sản và chứng khoán không kiểm soát dẫn đến hàng loạt công ty tài chính sụp đổ là bài học kinh nghiệm quý giá cho quá trình vận hành và quản lý các dòng vốn của hệ thống ngân hàng nói chung và các công ty tài chính nói riên.

Thứ năm, tăng cường công tác thông tin truyền thông về tín dụng tiêu dùng trên toàn quốc, nhất là các địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen để người dân nắm bắt đầy đủ các chính sách tín dụng ngân hàng, đặc biệt là chính sách tín dụng tiêu dùng và chủ động tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng hoặc đề nghị ngân hàng thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ khi gặp khó khăn không trả được nợ đúng hạn.

Theo Mộc Miên (tổng hợp)/Đô Thị Mới