Ngoài ra, kết hợp với việc thực thi nghiêm túc Nghị định 43 tại cửa khẩu, Thông tư cũng sẽ giúp loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm "đội lốt" hàng Việt Nam như đã rải rác xảy ra trong thời gian qua”, Bộ Công Thương thông tin.

Thời gian qua, lực lượng hải quan liên tiếp phát hiện các vụ việc hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài khi nhập khẩu Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ "Made in Vietnam" để lừa người tiêu dùng. Bên cạnh đó, còn có các thủ đoạn gian lận xuất xứ hàng hóa (C/O) của Việt Nam để được ưu đãi thuế.

15 nhóm mặt hàng nguy cơ gian lận C/O: Ông Âu Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý hải quan - Tổng Cục Hải quan, cho biết 15 nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận, giả mạo C/O cao, trong đó đáng cảnh báo là dệt may, da giày và túi xách; máy vi tính; điện tử và linh kiện; điện gia dụng và linh kiện; nhôm và các sản phẩm từ nhôm; sắt thép và các sản phẩm sắt thép; gỗ và các sản phẩm gỗ.

hang gian lan xuat xu se nhanh chong hien nguyen hinh

Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) mới đây đã chỉ rõ hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức và manh động. Đặc biệt, nổi lên tình trạng vận chuyển ma túy, buôn bán hàng hóa sản xuất từ bên ngoài nhưng gắn nhãn mác "Made in Vietnam".

 

Hàng Trung Quốc có chứng nhận "hàng Việt Nam chất lượng cao"

Theo báo cáo của Tổng Cục Hải quan, trong những năm gần đây, ngành hải quan đã phát hiện hàng loạt doanh nghiệp gian lận xuất xứ hàng hóa. Riêng trong năm 2018, đã có 6 doanh nghiệp bị phát hiện. Có thể kể đến, Công ty TNHH MTV Thương mại tổng hợp Bảo Tiến An nhập khẩu từ Trung Quốc 3.300 bộ khóa mang nhãn hiệu Khóa Việt Tiệp, 1.560 van bếp ga đã dán tem kiểm nghiệm của Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Minh Việt Nam.

Công ty TNHH H.T (TP. HCM) khai báo nhập 6 container gạch ốp lát không tráng men, mới 100%, xuất xứ Trung Quốc. Qua kiểm tra phát hiện trên bao bì sản phẩm thể hiện chữ “Made in Viet Nam” nhãn hiệu ROYALGRESPORCELANTATO, sản xuất tại khu công nghiệp Mỹ Xuân A, huyện Tân Thành tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Ngoài ra, cơ quan hải quan cũng đã kiểm tra, phát hiện 4 xe tải vận chuyển 1 lô hàng lớn từ biên giới phía bắc vào Việt Nam tiêu thụ.

Hàng hóa ước tính khoảng 100 tấn gồm quần áo, phụ tùng xe máy, xe đạp điện, điện gia dụng, toàn bộ hàng hóa đều có xuất xứ Trung Quốc, nhưng nhiều sản phẩm gắn mác sản xuất tại Việt Nam, thậm chí có sản phẩm còn ghi rõ là sản xuất tại quận Hà Đông (Hà Nội) với hạn bảo hành 1 năm, có chứng nhận quy chuẩn, hàng Việt Nam chất lượng cao...

Cơ quan hải quan cũng đã khởi tố hình sự 2 vụ gian lận xuất xứ hàng hóa và chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật.

Cụ thể, Công ty TNHH MTV XNK Thành Quý và Công ty TNHH Thương mại Aeolus Henan, đã nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc về, qua kiểm tra phát hiện 2.880 bút bi ghi nhãn hiệu Thiên Long, 438 bộ tay nắm khóa cửa Huy Hoàng, 287 dòng hàng không khai báo hải quan nghi vấn hàng giả nhãn mác. 

Công ty TNHH XNK Trần Vượng, trong tờ khai hải quan có khai báo là loa kết hợp với máy ghi và tái tạo âm thanh, hàng mới 100% có xuất xứ Trung Quốc, trị giá hàng hóa ghi trên theo khai là 10.217 USD tương đương gần 239 triệu đồng.

Tuy nhiên, khi cơ quan hải quan kiểm tra hàng hóa thì phát hiện có 600 loa thùng kéo và 1.200 micro. Trên thùng carton và micro có ghi tiếng Việt, nội dung: Loa NANOMAX; Công ty cổ phần xây dựng và điện tử Sơn Tùng, trụ sở Quận Tân Phú – TP. HCM; Made in Việt Nam.

Công ty đã khai báo sai về tên hàng, công suất, số lượng, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa và đã bị cơ quan hải quan khởi tố hình sự.

Muôn vàn thủ đoạn gian lận xuất xứ

Qua công tác quản lý, Tổng Cục Hải quan đã chỉ ra hàng loạt thủ đoạn gian lận xuất xứ hàng hóa.

hang gian lan xuat xu se nhanh chong hien nguyen hinh

Theo đó, đối với ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp nhập hàng nước ngoài nhưng trên sản phẩm đã ghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam”, “sản xuất tại Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam”… hoặc trên sản phẩm, bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành thể hiện bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở doanh nghiệp, trang web, trung tâm bảo hành tại Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu.

Hoặc hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, dán nhãn hàng hóa hoặc ghi xuất xứ hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài hoặc không thể hiện nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa nhưng khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ nội địa thì doanh nghiệp thay nhãn mới ghi “Made in Vietnam” hoặc “sản xuất tại Việt Nam” hoặc “xuất xứ Việt Nam”…

Đối với xuất xứ hàng hóa, nhiều doanh nghiệp Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp FDI) nhập khẩu nguyên vật liệu, bán thành phẩm, linh kiện, cụm linh kiện, phụ tùng để sản xuất, gia công, lắp ráp nhưng hàng hóa không trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc chỉ trải qua công đoạn gia công, sản xuất, lắp ráp đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng khi xuất khẩu khai xuất xứ Việt Nam trên nhãn hàng hóa hoặc hợp thức hóa bộ hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ của Việt Nam.

Có doanh nghiệp thành lập nhiều công ty, mỗi công ty nhập khẩu một số cụm linh kiện, phụ tùng hoặc bộ phận tháo rời để lắp ráp hoặc bán cho công ty khác thực hiện gia công, lắp ráp công đoạn đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng ghi sản xuất tại Việt Nam hoặc xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Ngoài ra, nhiều loại hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài chuyển tải qua Việt Nam để hợp thức hóa hồ sơ hoặc xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ sau đó xuất khẩu sang nước thứ ba; Sử dụng C/O giả hoặc C/O không hợp lệ, khai sai xuất xứ hàng hóa để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định thương mại tự do khi làm thủ tục hải quan.

Tiêu chí xác định hàng Made in Vietnam

Mới đây, Bộ Công Thương đã công bố lấy ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Theo đó, dự thảo thông tư đưa ra cách xác định hàng hoá được coi là hàng hóa của Việt Nam. Cụ thể, hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam như: Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng được trồng và thu hoạch tại Việt Nam; động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại Việt Nam; các khoáng sản và các chất sản sinh tự nhiên được chiết xuất hoặc lấy ra từ đất, nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển của Việt Nam…

hang gian lan xuat xu se nhanh chong hien nguyen hinh

Bên cạnh đó, hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa theo quy định vẫn được xem là hàng hóa của Việt Nam. Tiêu chí để xác định sẽ dựa vào hàm lượng giá trị gia tăng nội địa, trị giá nguyên liệu đầu vào có xuất xứ Việt Nam, trị giá nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ Việt Nam, chi phí nhân công, chi phí nhà xưởng có liên quan đến quá trình sản xuất,…

Để xác định rõ hơn điều này, Bộ Công Thương đưa ra cụ thể từng mặt hàng để xác định tỉ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa. Đa phần các sản phẩm này có tỉ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa 30% vẫn được xem là hàng Made in Vietnam .

Hàng hóa tạm nhập vào Việt Nam để tái xuất, hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh Việt Nam cũng không được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa. 

Theo Bộ Công Thương, hiện nay Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa trong đó có việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương. Với hàng hóa sản xuất, bao gồm cả sản xuất từ đầu vào nhập khẩu, và sau đó lưu thông trong nước, hiện chưa có quy định như thế nào thì được gắn nhãn "Sản phẩm của Việt Nam" hay "Sản xuất tại Việt Nam".

“Việc thiếu vắng các quy định về việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là "Sản phẩm của Việt Nam" hay "Sản xuất tại Việt Nam" đã khiến nhiều tổ chức và cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ trên nhãn sản phẩm theo quy định”- Bộ Công Thương nêu thực tế.

Bộ Công Thương cũng cho biết, một số mặt hàng dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn "Sản xuất tại Việt Nam" khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc nhưng các cơ quan chức năng lại không có căn cứ để phân xử...

“Các doanh nghiệp chân chính sẽ không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc "gian lận xuất xứ", tránh được rủi ro kiện tụng và mất uy tín với người tiêu dùng. Ngoài ra, kết hợp với việc thực thi nghiêm túc Nghị định 43 tại cửa khẩu, Thông tư cũng sẽ giúp loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm "đội lốt" hàng Việt Nam như đã rải rác xảy ra trong thời gian qua”, Bộ Công Thương thông tin.

Nguồn: https://tbck.vn/hang-gian-lan-xuat-xu-se-nhanh-chong-hien-nguyen-hinh-43929.html

Theo tbck.vn