Theo thông tin từ Tuổi trẻ, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP.HCM cho biết đang mở rộng điều tra vụ làm bột ngọt giả quy mô lớn vừa bị đơn vị này phát hiện tại Q.6, TP.HCM. 

Tang vật thu giữ. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng

Trước đó ngày 25/11, các trinh sát đội 7 PC46 phát hiện Bùi Thành Lợi (32 tuổi, quê An Giang) và Lý Kim Thành (34 tuổi, quê Sóc Trăng) đang bốc 8 bao bột ngọt nghi làm giả thương hiệu chuẩn bị đi giao hàng tại một ngôi nhà trên đường Bình Phú, P.11, Q.6.

Tiếp tục khám xét khẩn cấp tại ngôi nhà trên, cơ quan công an phát hiện thêm hơn 70 bao bột nêm, gần 2.600 gói bột ngọt nghi làm giả, một máy ép miệng bao và hàng ngàn vỏ bao mang nhãn hiệu các hãng bột ngọt nổi tiếng. 

Theo lời khai ban đầu, hai người này chỉ là người làm thuê cho chủ ngôi nhà trên. Cách thức làm giả là chủ nhà chỉ đạo nhân viên đi mua các loại bột ngọt xuất xứ từ Trung Quốc bán trôi nổi trên thị trường, mua bao gói sản phẩm giả cũng từ Trung Quốc, sau đó về đóng gói đưa ra khu vực chợ Bình Tây bán sỉ cho các đại lý.

Mỗi đêm, nhân công của cơ sở phân chia bột ngọt cho vào bao bì in sẵn loại 454 gr, 1 kg, đóng gói với số lượng khoảng 1 tấn/đêm và đưa đi tiêu thụ hết vào sáng hôm sau.

PC46 đang truy tìm chủ nhà trên. 

Liên quan tới hành vi làm giả, nhái thương hiệu các loại bột ngọt, trước đó báo Giao thông đưa tin về việc UBND TP Đà Nẵng cho biết, ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP vừa ký quyết định xử phạt hành chính 500 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 3 tháng đối với Công ty TNHH SX - TM Hà Trung Hậu (trụ sở đặt tại TP. Hồ Chí Minh) về hành vi xâm phạm quyền nhãn hiệu trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. 

Trước đó vào ngày 24/6/2015, tại chi nhánh Công ty Hà Trung Hậu Đà Nẵng, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 8 (Chi cục QLTT TP Đà Nẵng) đã phát hiện, tạm giữ hơn 20.000 gói mì chính cùng nhiều tang vật liên quan. Tổng giá trị lên đến 700 triệu đồng.

Ba chữ tượng hình trên bao bì Ajino - Takara của Công ty Hà Trung Hậu giống hệt trên bao bì của Ajinomoto

Tại biên bản tạm giữ tang vật, Đội QLTT số 8 cho rằng, lô hàng mì chính nhãn hiệu Ajino - Takara gắn dấu hiệu 3 chữ tượng hình tương tự tới mức gây nhầm lẫn với 3 chữ tượng hình trên bao bì mì chính của hãng Ajinomoto.

Tiếp đó vào ngày 28/7, kết quả giám định sở hữu công nghiệp của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng cho thấy, 3 chữ tượng hình trên bao bì mì chính của Công ty Hà Trung Hậu có yếu tố xâm phạm quyền nhãn hiệu đối với 3 chữ tượng hình của hãng Ajinomoto đã được bảo hộ theo thấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 169 của Ajinomoto.

Trong quyết định xử phạt, ông Phùng Tấn Viết cũng yêu cầu Công ty Hà Trung Hậu tiêu hủy toàn bộ 20.000 gói mì chính vi phạm./.

Theo Ngân Chi (Tổng hợp)/ Gia đình Việt Nam