Nhập khẩu ô tô Trung Quốc tăng 4 lần?

Tại cuộc họp giao ban của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 24/6/2015, ông Trần Ngọc Nam - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết: "Ôtô nhập khẩu tràn vào Hà Nội. Tại TP HCM và một số địa phương, riêng năm 2015 nhập khẩu ôtô nguyên chiếc tăng 3-4 lần so với năm trước.

Bây giờ không phải cấm nhưng cũng phải làm thế nào bởi tiền cứ dành cho nhập khẩu ôtô thì có thể gây chênh lệch giàu nghèo, ảnh hưởng tới môi trường vĩ mô",

Lãnh đạo Vụ Kinh tế dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay 6 tháng đầu năm, cả nước ước nhập về hơn 56.000 ôtô nguyên chiếc, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu xe dưới 9 chỗ chiếm khoảng một phần ba (18.000 chiếc), còn lại là xe tải, xe khách với kim ngạch 1,2 tỷ USD.

Một cơ sở bán xe tải Trung Quốc nhập khẩu tại TP HCM.

Một cơ sở bán xe tải Trung Quốc nhập khẩu tại TP HCM.

Thị trường nhập khẩu xe tải chính vẫn là Trung Quốc. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy 5 tháng đầu năm, lượng xe Trung Quốc đưa về nước đạt 13.400 chiếc, trị giá hơn 516 triệu USD, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2014.

Đại diện Vụ Kinh tế dịch vụ lý giải bên cạnh nguyên nhân nhu cầu vận tải hàng hóa trong nước tăng lên, Việt Nam nhập nhiều xe cỡ lớn còn do chính sách kiểm soát chặt trọng tải.

"Nếu trước kia xe tải được chở khối lượng lớn, có thể gấp 2-3 lần trọng lượng thì nay phải san tải ra. Để vận hành tốt, doanh nghiệp cũng phải tăng số lượng đầu xe", vị này nói.

Thực trạng trên, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông là một chính sách đã "vô tình kích cầu cho ông hàng xóm xuất khẩu". "Điều này thể hiện các chính sách có liên quan đến nhau. Mỗi lần thay đổi chính sách, cần chuẩn bị để doanh nghiệp lường trước, có được sự cảnh báo tốt hơn", ông Đông nhấn mạnh.

Nỗi lo gánh nặng nhập siêu

Chia sẻ về việc này, ông Mai Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhận xét xe tải Trung Quốc không có điểm gì nổi trội hơn xe nội địa. Tuy nhiên, DN lắp ráp nội địa vẫn đứng ngoài cuộc do chính sách ưu đãi dù có nhưng không phù hợp và thiếu chế tài.

Xe tải Trung Quốc bày bán tại cửa hàng trên xa lộ Hà Nội, Q.9, TP.HCM.

Xe tải Trung Quốc bày bán tại cửa hàng trên xa lộ Hà Nội, Q.9, TP.HCM.

“Đưa ra các chính sách ưu đãi chung chung thì DN không tự nhiên họ làm. Cần yêu cầu một số DN chủ chốt có phần vốn của nhà nước tham gia, tạo cơ chế cho họ nhưng phải yêu cầu tỉ lệ nội địa hóa đạt được là bao nhiêu, không đạt được phải xử lý.

Nếu không thì sẽ không cạnh tranh được với xe lắp ráp của Trung Quốc và kéo theo gánh nặng nhập siêu, phụ thuộc Trung Quốc, cản trở phát triển” - ông băn khoăn.

Theo ông Hải, chính sách ưu đãi nên tập trung cụ thể vào vốn vay và cắt giảm các thủ tục hành chính phức tạp cản bước DN. Ngoài ra, rót vốn cho DN cần đồng bộ và đúng thời điểm với việc triển khai các chính sách liên quan; nếu không, dù có vốn thì DN cũng không vay.

Ông Hải cho rằng DN Việt Nam nhiều khi sa đà vào nhập khẩu sản phẩm rẻ vì lợi ích cục bộ. Như vậy là thiếu ý thức dân tộc bởi vừa hại cho lợi ích cá nhân vừa không thúc đẩy được ngành sản xuất trong nước.

Trong khi đó, đại diện một DN lắp ráp ô tô kiến nghị một số chính sách hỗ trợ DN cần được triển khai, như: kéo dài thời gian cho vay từ quỹ khoa học công nghệ lên 7-10 năm vì 5 năm là quá ngắn, được hưởng hỗ trợ từ vườn ươm DN../.

Đáng quan tâm: Nhiều khách hàng phản ánh chế độ bảo hành “đem con bỏ chợ” của Sony

Bá Ngôn (Tổng hợp) / Theo Gia đình Việt Nam