Là một người mẹ có hai con, đứa lớn đang học lớp 5 một trường công lập còn đứa bé sắp hết lớp 1 ở một trường tư, tôi cũng giống hàng triệu bà mẹ khác, quẩn quanh với những nỗi lo rất thường ngày: Cho con ăn gì, học ở đâu, hôm nay con đi học có vui không, có bị bắt nạt hay chọc phá bạn bè không?

Và, không nằm ngoài quy luật tự nhiên, trong số những lo lắng rất đời thường ấy thì những vấn đề xung quanh môi trường học tập của các cháu là nỗi lo lớn nhất, thường trực nhất và khó giải tỏa nhất. Bởi lẽ mỗi ngày các cháu ở trường tới 8-9 tiếng đồng hồ, ít nhất 5 ngày mỗi tuần và 22 ngày mỗi tháng.

Đấy lại là môi trường ngoài gia đình, nghĩa là ngoài tầm kiểm soát của bố mẹ. Trong khi đấy, xã hội ngày càng trở nên bất an khi có quá nhiều vụ việc xâm hại trẻ em, thậm chí ngay trong khuôn viên nhà trường, rồi việc các thày cô sẵn sàng đánh mắng, trù dập học sinh dù lỗi lầm của các con cũng không có gì quá to tát. Rất nhiều lần vợ chồng tôi phải thay phiên nhau len lén đến trường để được tận mắt nhìn xem con mình đang làm gì, học gì, chơi gì để cảm thấy yên tâm về con em mình.

Chia sẻ một cách chân thành, gia đình chúng tôi không quá kỳ vọng rằng hai đứa con mình sẽ trở thành vĩ nhân hay thần đồng với một sự nghiệp hiển hách. Điều chúng tôi thực sự mong muốn là được nhìn thấy các con trưởng thành, tự lập, mạnh mẽ và hạnh phúc.

Ước mong giản dị là vậy nên khi đứa con trai lớn bắt đầu đến tuổi đi học, vợ chồng chúng tôi đã thống nhất là “trường nào cũng được, miễn là giáo viên có tình thương và môi trường sư phạm lành mạnh”. Cuối cùng, sau nhiều lần cân nhắc, chúng tôi quyết định cho cậu con trai lớn học ở một trường công ngay gần nhà để tiện đưa đón. Đây cũng là ngôi trường được đánh giá tốt về chất lượng giáo viên, về chương trình dạy và học. Mỗi lớp cũng không quá đông học sinh nên các thày cô cũng có nhiều thời gian quan tâm đến học sinh nhiều hơn.

Sau này, khi cô con gái út vào lớp 1, thu nhập của hai vợ chồng cũng khá hơn nhiều nên thay vì tiếp tục cho con vào học cùng trường với cậu con trai lớn, chúng tôi quyết định chọn một trường tư thục gần cơ quan của chồng để bố cháu tiện đường đưa đón. Hơn nữa, việc theo học trường tư thục có thể giúp cháu giảm áp lực học hành so với anh trai vì các trường tư thường có xu hướng giảm giờ học kiến thức đồng thời tăng các hoạt động ngoại khóa và các chương trình học kỹ năng mềm. 

Điều chúng tôi thực sự mong muốn là được nhìn thấy các con trưởng thành, tự lập, mạnh mẽ và hạnh phúc. Ảnh minh họa

Điều chúng tôi thực sự mong muốn là được nhìn thấy các con trưởng thành, tự lập, mạnh mẽ và hạnh phúc. Ảnh minh họa

Đến nay, sau gần 5 năm kể từ khi đứa đầu tiên đi học lớp 1 ở trường công và gần 1 năm kể từ khi con út bước vào một trường tư thục, gia đình chúng tôi cảm thấy khá hài lòng khi thấy các con đều khỏe mạnh, vui vẻ, tương đối độc lập và chủ động trong hầu hết các sinh hoạt cá nhân cũng như việc học tập.

Quan trọng nhất là chúng tôi nhìn thấy sự hứng thú của các con mỗi buổi sáng đến trường và sự vui vẻ của mỗi khi các con về nhà. Các câu chuyện líu lo về trường lớp của các con dường như chẳng bao giờ có hồi kết trong suốt bữa cơm gia đình lúc tối muộn. Và, đối với chúng tôi, đây chính là hạnh phúc, là niềm tin để chúng tôi làm việc miệt mài hơn, lao động vất vả hơn với mong muốn các con có thể tiếp tục học tập tại những môi trường như thế này.

Cũng phải thừa nhận rằng, đôi khi chúng tôi cảm thấy cậu con trai có chút thiệt thòi khi học ở trường công vì so với cô em gái học trong môi trường năng động và ít áp lực kiến thức hơn thì tư duy và kỹ năng mềm của cậu lớn có phần chậm hơn. Chính vì vậy, gia đình tôi đang có dự định khi cậu con trai lớn vào cấp 2 sẽ chuyển cháu sang học trường tư và đang gấp rút tìm hiểu thông tin về các trường tư thục trên địa bàn, đặc biệt là các trường liên cấp để cháu có thể học liền mạch đến hết cấp 3.

Lướt qua một loạt các trường tư thục, chúng tôi thấy mỗi trường đều có những ưu nhược điểm nhất định và có hàng ngàn ý kiến khác nhau về từng ngôi trường.

Việc lựa chọn trường nào hoàn toàn phụ thuộc vào mong muốn và kỳ vọng của từng gia đình dựa trên căn cứ là điều kiện cụ thể của từng trường. Thông thường, các vấn đề được quan tâm nhất bao gồm thông điệp giáo dục, chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất, uy tín, giáo trình,….

Đối với cá nhân tôi thì thông điệp giáo dục của các ngôi trường chính là điều đáng quan tâm nhất vì đấy là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, quyết định việc đội ngũ quản lý và giáo viên của ngôi trường đó tổ chức việc dạy và học như thế nào. Một ngôi trường có thông điệp chú trọng vào phát triển nhân cách và kỹ năng sống cho các học sinh sẽ không đặt nặng vấn đề đào tạo kiến thức. Trong khi một ngôi trường đề cao tri thức chắc chắn sẽ không thể nào dồn sức quá nhiều cho các hoạt động khác.

Tuy nhiên, khi đọc những dòng thông điệp của TH school: “Vì hạnh phúc đích thực” của trẻ em, tôi chợt băn khoăn tự hỏi rằng thế nào là “hạnh phúc đích thực”, và những điều chúng tôi đang mang lại cho con em mình chẳng nhẽ lại không phải là “hạnh phúc đích thực”?

"Hạnh phúc đích thực" theo định nghĩa của TH school

 Theo những gì mà ngôi trường này quảng cáo thì “hạnh phúc đích thực” là “được học tập, vui chơi, kết bạn và phát triển trong môi trường tự do và đầy đủ, được tạo điều kiện thể hiện những khát khao, mơ ước của mình”. Tôi đồng ý với quan điểm này. Nhưng việc ra thông điệp của TH school có đồng nghĩa với việc chối bỏ hết những “hạnh phúc” mà các ngôi trường khác đang mang lại cho hàng chục triệu trẻ em khác là “không đích thực” hay không?

Nếu phải theo học tại một ngôi trường có màu hồng với 100% giáo viên nước ngoài, nếu phải đáp ứng giáo trình “chuẩn quốc tế”, nếu chỉ được nói tiếng Anh khi vào trường, nếu buộc lòng phải ăn – học – ngủ - nghỉ theo đúng thời gian biểu của nhà trường,… và nếu gia đình phải đóng học phí tới vài trăm triệu, thậm chí là cả nửa tỷ đồng cho mỗi năm học, thì tôi thực sự băn khoăn rằng, liệu có bao nhiêu đứa trẻ, bao nhiêu gia đình đủ sức cho con em mình chạm tay vào cái gọi là “hạnh phúc đích thực” ấy?  

Tôi hiểu rằng, quảng cáo chỉ là quảng cáo. Và giáo dục cũng là một lĩnh vực kinh doanh. Chính vì vậy nên việc các trường học quảng cáo những điều tốt đẹp về họ để chiêu sinh là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, việc quảng cáo một  cách đầy hiềm khích về một thứ khó đo đếm như “hạnh phúc” có thể sẽ khiến hàng triệu gia đình chạnh lòng khi nghĩ đến việc mình không đủ sức cho con một niềm “hạnh phúc đích thực”.

Cũng cần phải nói thêm rằng, bên cạnh việc học của các cháu ở trường thì gia đình vẫn là yếu tố quan trọng nhất đối với sự phát triển của các con, đặc biệt là ở độ tuổi dậy thì. Bởi vậy, dù môi trường học đường có hoàn hảo đến đâu thì cũng không bao giờ có thể là “hạnh phúc đích thực” đối với một cô bé, cậu bé ở lứa tuổi cắp sách đến trường.

“Hạnh phúc đích thực” đối với mỗi em học sinh phải là sự kết hợp của cả gia đình và nhà trường và phải do chính các em cảm nhận theo cách của mỗi người, theo quan điểm của từng em và, thậm chí là theo cảm xúc ở từng thời điểm khác nhau. Còn thứ hạnh phúc được đo bằng tiền, dù là nhiều tiền hay rất nhiều tiền thì chắc chắn không bao giờ có thể là “hạnh phúc đích thực”.

Theo Quỳnh Trang/Reatimes.vn