Thông tin giảm giá các mặt hàng tại cửa hàng Nem trên đường Lê Văn Lương. Ảnh: Bảo Loan
Thông tin giảm giá các mặt hàng tại cửa hàng Nem trên đường Lê Văn Lương. Ảnh: Bảo Loan.

Nghi vấn nâng giá cao để được tiếng giảm sâu?

Là khách hàng thường xuyên của hãng thời trang Nem, nên từ đầu tháng 8 đến nay, chị M.T.H (40 tuổi, ở Cầu Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) liên tục nhận được thông báo về các chương trình khuyến mại. Đơn cử như chương trình “Nem shock supper sale”, có giá từ 99k/sản phẩm (99.000 đồng), 199k (199.000 đồng), 299k (299.000 đồng), áp dụng cho 50.000 sản phẩm. Đặc biệt, từ ngày 21/8 đến ngày 25/9 có chương trình khuyến mại lên đến 70% giá trị sản phẩm, ngoài ra được giảm thêm 20% giá trị sản phẩm cho hoá đơn mua hàng từ 2 triệu đồng. Tuy nhiên, có mặt tại cửa hàng trên phố Hoàng Quốc Việt và cửa hàng trên phố Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy), chị T.H bất ngờ là không có các sản phẩm khuyến mại kịch sàn như tin nhắn chị đã nhận được. Mặc dù, bên ngoài của hàng có “treo” các thông tin khuyến mại.

Chị Nguyễn Lê Hà (ở phố Trần Thái Tông) bày tỏ: “Thấy Nem giảm giá sốc còn 99.000 đồng/sản phẩm nên tôi vào cửa hàng ngay cạnh nhà để xem. Tuy nhiên, những sản phẩm có mức giảm giá dưới 499.000 đồng/chiếc tìm rất hiếm vì chủ yếu là hàng lỗi mốt, thiếu side. Các mặt hàng giảm giá rồi nhưng cũng ở mức khoảng 1 triệu đồng/chiếc. Hàng 99.000 đồng thì không có như quảng cáo, hàng 199.000 đồng thì chỉ có khoảng chục chiếc nhưng lỗi mốt từ lâu”.

Có mặt tại các cửa hàng thời trang Nem mà chị TH và chị Lê Hà phản ánh, chúng tôi có thể khẳng định, những phản ánh về giá cả như trên là có cơ sở. Còn tại cửa hàng Nem trên phố Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân), sản phẩm váy cộc tay mã 1756 có giá niêm yết là 1.756.000 đồng/chiếc, giảm giá còn 499.000 đồng/chiếc. Sản phẩm áo măng-tô có giá niêm yết là 2.899.000 đồng/chiếc, giảm giá còn 599.000 đồng/chiếc. Khách hàng mua 3 sản phẩm đã giảm giá kịch sàn sẽ được tặng thêm một sản phẩm tuỳ chọn bất kỳ. Lý giải điều này, một nhân viên bán hàng tại đây cho biết, những sản phẩm áp dụng giảm giá chủ yếu là hàng tồn kho từ năm ngoái và được di chuyển từ các tỉnh về Hà Nội để bán.

Chủ yếu là hàng tồn năm trước

 Một sản phẩm đầm cộc tay mã 1756, có giá là 1.756.000 đồng, giá sau giảm là 499.000 đồng.

Một sản phẩm đầm cộc tay mã 1756, có giá là 1.756.000 đồng, giá sau giảm là 499.000 đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiệp - Giám đốc Truyền thông của nhãn hàng thời trang Nem cho biết: “Những sản phẩm áp dụng chương trình giảm giá chủ yếu là hàng tồn năm trước. Nem chấp nhận bán lỗ để thu hồi vốn”.

Ông Nguyễn Tiệp khẳng định: “Trước khi áp dụng chương trình giảm giá, Nem đã làm công văn xin Sở Công Thương giảm giá 50% giá trị sản phẩm, còn một số sản phẩm thì cũng xin điều chỉnh giá. Ví dụ sản phẩm có giá 2 triệu đồng, sau điều chỉnh là 500.000 đồng thì giá thời điểm bán sau điều chỉnh sẽ là 500.000 đồng. Nem chấp nhận bị phạt và đã bị phạt rồi, có biên bản xử phạt của cơ quan quản lý nhà nước. Thực tế, bất cứ thương hiệu thời trang nào cũng có chính sách bán hàng, chính sách đẩy hàng vào những thời điểm cuối mùa, kể cả là thương hiệu nước ngoài”.

Trước thắc mắc của PV về việc Nem chấp nhận chịu phạt để vi phạm quy định Luật Thương mại thì ông Nguyễn Tiệp nhấn mạnh: “Với một số hàng tồn lớn thì chỉ còn cách này để đẩy hàng đi, nếu không sẽ không có nguồn vốn để trả tiền lương cho công nhân viên, hoạt động nhà máy, chi phí phát sinh. Kể cả các hãng thời trang nước ngoài tại Việt Nam cũng có chính sách như các hãng nội địa”.

Thời trang là vô giá?

Một nhà thiết kế thời trang tại Hà Nội (đề nghị không nêu tên) cho biết: “Một sản phẩm váy liền loại đẹp thường có giá gốc khoảng 300.000 - 400.000 đồng. Trong đó, chi phí cho vải thuộc diện tốt lấy giá sỉ là 150.000 - 200.000 đồng/váy liền; chi phí phụ kiện như chỉ, cúc, khuy, khoá, vật liệu khác (nếu có) khoảng 100.000 đồng/chiếc; chi phí công từ 80.000 đồng - 100.000 đồng tuỳ độ phức tạp của sản phẩm. Tuy nhiên, để bán ra thị trường, giá trị sản phẩm phải nhân ít nhất 3 lần giá gốc (bao gồm chi phí quảng cáo, lương công nhân viên, mặt bằng và chi phí phát sinh). Nếu là thương hiệu có tiếng thì giá trị trường phải cộng thêm 50%. Vì vậy, công thức giá đến tay người tiêu dùng như sau: Giá thị trường = (Giá gốc x 3) + 50% tiền thương hiệu. Khi áp dụng chương trình giảm giá là sản phẩm về giá gốc, hãng không lỗ vì đã lãi từ khi vừa tung ra sản phẩm. Có thể nói “Thời trang là vô giá” bởi không có giá nào quy định cố định cả”.

Bảo Loan

Theo Giadinh.net.vn