Đây được xem là công cuộc quốc hữu hóa những ngân hàng yếu kém sau một quá trình phát triển nóng của ngành ngân hàng Việt Nam.

Theo Ngân hàng Nhà nước, quá trình tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn “tự nguyện” đã hết thời hạn, và đây là thời điểm mà các tổ chức tín dụng lớn phải có trách nhiệm tham gia nhận sáp nhập ngân hàng nhỏ.

Câu chuyện đặt ra ở đây là ngân hàng nhỏ có phải là ngân hàng yếu? Liệu sẽ có bao nhiêu ngân hàng nhỏ hoạt động hiệu quả bị ép tái hôn trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng? Hay chỉ là mục tiêu xóa tên nhưng ngân hàng nhỏ theo lộ trình hướng đến chỉ còn khoảng 20 ngân hàng trong toàn hệ thống từ nay đến năm 2020.

Nhìn vào những cặp ngân hàng sắp tái hôn, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng, có những ngân hàng nhỏ vẫn tự mình sống khỏe; ngược lại ngân hàng nhận sáp nhập chưa phải mạnh, thậm chí vẫn còn những tồn tại nhất định như tỷ lệ nợ xấu, chuẩn mực an toàn về quản trị…

Vấn đề dư luận quan tâm ở đây là liệu có bao nhiêu ngân hàng nhỏ tự mình sống khỏe bị ép tái hôn? Liệu việc sáp nhập này có phải là phép ghép cơ học của một cơ thể bệnh nằm chung gường với một cơ thể khỏe mạnh?  Hay cuộc sáp nhập sẽ mang tính chất như nối toa của ngân hàng yếu vào đoàn tàu của các ngân hàng mạnh? Liệu các toa tàu này có làm cho cả đoàn tàu chậm lại hoặc ì ạch…v.v.v

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo một chuyên gia về ngân hàng cho rằng, để việc sáp nhập hiệu quả và căng cơ thì cần phải thành lập hội đồng thẩm định độclập để chẩn đoán lại“tình hình sức khỏe” của những ngân hàng dự kiến nằm trong lộ trình sáp nhập, nếu anh nào đủ sức khỏe nên tạo điều kiện để phát triển, anh nào cơ thể mất đề kháng thì hãy sáp nhập.

Bức tranh hệ thống ngân hàng sẽ đa sắc hơn với những ngân hàng lớn làm đầu tàu dẫn dắt những ngân hàng nhỏ cùng tiến lên; đồng thời sự cạnh tranh lành mạnh sẽ thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ để khách hàng có nhiều sự lựa chọn tốt hơn. Ngược lại, tình trạng độc quyền “nhóm lợi ích” liệu có ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, khi mà các Ngân hàng Nhà nước không được đánh giá cao về chất lượng phục vụ nhưng khách hàng không có sự lựa chọn nào khác!

Từ câu chuyện sáp nhập các ngân hàng trong quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng đến sự ra đời của hàng loạt tổ chức tín dụng mang tên Công ty Tài chính khiến dư luận không khỏi lo lắng. Tại sao người dân không tiếp cận được các ngân hàng mà phải thông qua những công ty này? Phải chăng đây có phải là phiên bản 2.0 hay là thế hệ F1 của những ngân hàng?

Thời gian gần đây thị trường xuất hiện nhiều công ty tài chính như: Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) thuộc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng, Công ty TNHH Thương mại ACS Việt Nam (ACS) thuộc Tập đoàn Tài chính AEON Credit Service, Công ty TNHH MTV Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDFinance) thuộc Ngân hàng HD Bank; Công ty Tài Chính Cổ phần Hóa chất Việt Nam (VCFC) thuộc ngân hàng Techcombank…

Thực tế cho thấy hoạt động của các công ty này đã mang đến một làn gió mới về hoạt động tín dụng tiêu dùng. Qua các công ty này, khách hàng có thêm một kênh tiếp cận hỗ trợ tiêu dùng tốt nhưng gần đây cũng phát sinh nhiều vấn đề khiến dư luận không khỏi hoài nghi và đã được nhiều cơ quan ngôn luận cảnh báo về một loại hình “tín dụng đen”…hợp pháp! Bởi các công ty này đi vay tiền từ ngân hàng để cho người dân vay lại với lãi xuất cao gấp nhiều lần mức lãi xuất ngân hàng.

Phải chăng do lợi nhuận khủng nên hiện nay nhiều ngân hàng thương mại đã bắt tay các tập đoàn đầu tư tài chính cùng tham gia cho vay ở thị trường tiêu dùng cá nhân. Dự thảo thông tư mới của Ngân hàng Nhà nước quy định, muốn cho vay tiêu dùng cá nhân, ngân hàng phải thành lập công ty đầu tư tài chính.

Việc phát triển nhiều công ty tham gia thị trường lẽ ra phải có lợi hơn cho người tiêu dùng, thế nhưng các công ty tài chính ra đời chỉ để khai thác lợi nhuận, nâng lãi suất cho vay cao ngất khiến thị trường trở nên khó kiểm soát hơn.

Nhiều chuyên gia dự báo thời gian tới, thị trường này sẽ tiếp tục có những bước phát triển tăng vọt và trở thành cơ cấu tín dụng quan trọng của chiến lược ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam.

Tình trạng phát triển nóng về số lượng ngân hàng đã bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém làm ảnh hưởng đến hoạt động chung hệ thống ngân hàng, đặc biệt là tình trạng sở hữu chéo…đã làm ảnh hưởng hình ảnh của nền tài chính quốc gia.

Theo số thống kê số lượng ngân hàng thương mại Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1991 đến nay có những thời điểm lên đến 51 ngân hàng!

Liệu sau khi kết thúc tiến trình tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng theo hướng sáp nhập, Ngân hàng Nhà nước có phải tiếp tục công cuộc dọn dẹp lại các công ty tài chính?./.

Sông Thu / Theo Ngày nay Online