Theo ghi nhận của phóng viên tại chợ rau đầu mối Dịch Vọng, chợ Diễn hay các chợ bán lẽ như Đại Mỗ, Phùng Khoang… thời điểm hiện tại giá rau các loại đang tăng với tốc độ "phi mã", có những loại tăng gấp đôi thậm chí là gấp 3 lần so với bình thường.

Điển hình nhất là rau muống, nếu như trước đợt giá rét kỷ lục mà Hà Nội và miền Bắc vừa đón nhận giá mỗi mớ chỉ giao động từ 4-6 ngàn đồng, thì ngay tại chợ đầu mối Dịch Vọng sáng nay 29/1 giá một mớ rau muốn là 10 ngàn đồng, còn tại các chợ lẻ như Đại Mỗ là 12 đến 14 ngàn đồng.

Hậu rét kỷ lục: Giá rau tăng “phi mã” vẫn cháy hàng - Ảnh 1
Giá rau tăng “phi mã” vẫn cháy hàng.

Mặc dù giá tăng chóng mặt, nhưng số lượng rau vẫn không đủ cung ứng, thậm chí nhiều hộ sản xuất rau còn tranh thủ lúc rau đắt cắt cả ngọn ngắn khi chưa bó được mang ra chợ bán nhưng vẫn không đủ cung ứng cho thị trường.

Không chỉ nhưng loại rau trái mùa như rau muốn, mà ngay cả những loại đau thời vụ như bắp cải, súp lơ, su hào hay cà chua trong những ngày này cũng bị đẩy giá lên gấp đôi.

“Từ trước đến nay, kể cả đợt lụt lịch sử ở Hà Nội năm 2008 tôi chưa bao giờ mua một củ su hào 15.000 cả. Bắp cải cũng vậy, một bắp nhỏ chưa đầy 1kg cũng phải trả 16.000 đồng”, bác Huệ chợ Đại Mỗ cho biết.

Cùng quan điểm trên, chị Hoài (Thôn Ngang, Đại Mỗ) cho biết: “Vừa tuần trước tôi mua cà chua giá chỉ 8-10.000 đồng/1kg, nay ăn hết ra mua đã 25.000, loại rau gì cũng tăng giá, không mua thì chẳng biết ăn rau gì”.

Lý giải về việc rau tăng giá, cô Hoa (chủ một cơ sở sản xuất rau an toàn ở Phúc Thọ - Hà Nội) đang giao rau ở chợ đầu mối Dịch Vọng cho biết: “Chúng tôi có muốn tăng giá đâu, nhưng khổ nỗi giờ không có rau để mà bán, mưa gió rau nhũn hết gốc, giá rét rau không phát triển được”.

“Nếu tình hình thời tiết như thế này, từ nay đến Tết rau sẽ còn tăng giá nữa mà không có để bán, nhiều nhà ham rẻ đang cắt cả rau non để bán gỡ lại gốc. Thôi năm nay mọi người cứ xác định ăn rau đắt hơn ăn thịt”, cô Hoa cho biết.

Hậu rét kỷ lục: Giá rau tăng “phi mã” vẫn cháy hàng - Ảnh 2
Dù phải mua rau đắt nhưng người tiêu dùng vẫn chưa yên tâm về chất lượng.

Trước thực trạng trên, người tiêu dùng không chỉ lo lắng về việc rau tăng giá mà vấn đề rau an toàn cũng rất được quan tâm. Theo như các chủ cơ sở thì hiện nay, nhiều gia đình ham lợi nhuận cắt cả rau non đi bán, như vậy sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ rau còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đến tay người tiêu dùng.

Nếu như vậy, người tiêu dùng không chỉ mua phải rau đắt mà còn phải bỏ tiền mua “thuốc độc” đưa vào cơ thể. Hy vọng, với nhưng lo lắng trên của người dân các cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm soát nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân.

Cách chọn một số loại rau thường hay được người dân sử dụng nhiều nhất:

+ Rau cần: Khi thấy thân của rau cần to, ngó rau có màu trắng ngần, nhanh bị héo, nếu để sang ngày hôm sau là rau cần đã bị héo, thân khô tóp lại nhăn nheo, khi chế biến lá rau biến đổi thành màu xanh đen… chứng tỏ loại rau cần này đã bị phun quá nhiều thuốc trừ sâu và phân bón qua lá. Khi chọn bạn nên loại những bó rau như vậy.

+ Rau muống: Khi chọn những loại rau có thân to hơn bình thường, lá có màu xanh đen, giòn hơn bình thường, khi luộc rau, nước luộc khi đang nóng có màu xanh nhạt, khi nguội lại có màu xanh đen, có vẩn kết tủa đen, khi ăn xong thường thấy có vị chát - đấy là những loại rau dùng quá nhiều đạm hoặc phân bón lá.

+ Rau bí: Đối với những ngọn rau bí dài, non, ngọn có màu xanh nhạt, lá có màu xanh đen, tay cuốn mập và ngắn, khoảng cách giữa các lóng rau xa nhau, ít lông tơ… đó là những loại rau bí được bón thừa phân đạm, phun quá nhiều phân bón lá cũng như chưa đủ thời gian cách ly để đưa vào sử dụng.

+ Rau cải: Bạn nên chọn những loại rau cải lá nhỏ, có lỗ do sâu ăn lá ăn, thân không đều như vậy sẽ tốt và an toàn. Bạn không nên chọn những bó cải lá xanh ngắt, non không có dấu vết bị sâu bọ ăn, phần thân thì chắc mập, đều bởi những loại cải này thường được bón rất nhiều phân đạm nitrat./.

Theo Lê Phương / Gia đình Việt Nam