“Hồn Trương Ba, da hàng thịt”

Khi nhiều ngành hàng nhập khẩu ồ ạt tiến vào thị trường Việt Nam, câu chuyện “mượn danh” có lẽ đã trở nên quá quen thuộc với mọi người

Vài năm trở lại đây, những cửa hàng mang phong cách Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng bán hàng Trung Quốc xuất hiện nhiều ở Việt Nam. Khách hàng rất dễ nhầm lẫn nguồn gốc, xuất xứ của các sản phẩm được bày bán tại những cửa hàng này và thương hiệu Mumuso cũng không hề ngoại lệ.

Một cửa hàng Mumuso tại Hà Nội.

Một cửa hàng Mumuso tại Hà Nội.

Mumuso được biết đến là một trong những chuỗi cửa hàng bán lẻ với những sản phẩm làm đẹp, chăm sóc sức khỏe, phụ kiện thời trang, văn phòng… “gắn mác” Hàn Quốc. Bằng cách quảng bá mạnh mập mờ về xuất xứ thương hiệu, chỉ sau hơn 1 năm ra đời đơn vị này đã có hơn 30 cửa hàng trên toàn quốc.

Các sản phẩm của Mumuso đa phần được sản xuất từ Trung Quốc nhưng chữ Hàn Quốc ở tên cửa hàng đồng thời trên bao bì sản phẩm xuất hiện với tần số dày đặc đã vô tình khiến khách hàng tưởng rằng đây là hàng hoá của Hàn Quốc.

Theo tìm hiểu của PV, tại cửa ra vào địa điểm kinh doanh của Mumuso có nội dung quảng cáo công khai: “Mumuso Korea” hoặc trên các túi đựng sản phẩm có đề chữ Korea là không chính xác bởi trên thực tế, các nhãn dán tiếng Việt lại chú thích rõ ràng là xuất xứ China. Sự “mập mờ” này có thể khiến khách hàng hiểu rằng cửa hàng, người sản xuất, nơi sản xuất, xuất xứ sản phẩm của công ty liên quan đến Hàn Quốc.

Gần như 100% sản phẩm của Mumuso có xuất xứ từ Trung Quốc.

Gần như 100% sản phẩm của Mumuso có xuất xứ từ Trung Quốc.

Chị Hoàng Kiều Oanh (Chùa Láng, Hà Nội) bức xúc: “Tôi không hiểu vì sao Mumuso bán hàng Trung Quốc nhưng lại đề Korea ở biển ra vào cũng như trên sản phẩm. Nếu không tinh ý thì tôi đã không phát hiện ra và nghĩ rằng cửa hàng này bán đồ của Hàn Quốc”.

Trước đó, ngày 13/7, Bộ Công Thương thông báo kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam.

Rất nhiều khách hàng nhầm tưởng Mumuso bán hàng Hàn Quốc.

Rất nhiều khách hàng nhầm tưởng Mumuso bán hàng Hàn Quốc.

Đồng thời phát hiện ra công ty này kinh doanh 2.273 loại hàng hóa, trong đó, 2.257/2.273 (99,3%) loại hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Mumuso có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng. Trong thông tin, tài liệu cung cấp công khai cho người tiêu dùng, công ty sử dụng nhiều nội dung thể hiện sự liên quan tới nguồn gốc từ Hàn Quốc.

Tuy nhiên, công ty không cung cấp được các căn cứ, tài liệu để xác minh tính chính xác của các thông tin cung cấp, đặc biệt là thông tin về nguồn gốc, công nghệ sản xuất sản phẩm.

Mumuso có đang lừa dối khách hàng?

Các sản phẩm tại đây được bán giá thấp nhất 43.000 đồng và tăng dần tuỳ vào từng mặt hàng. Khi PV thắc mắc tại sao các sản phẩm lại ghi là xuất xứ Trung Quốc thì nhân viên bán hàng tại cơ sở Thái Hà khẳng định sản phẩm được bán có nguyên liệu và thiết kế từ Hàn Quốc, chỉ gia công tại Trung Quốc. Tuy nhiên, vấn đề bỗng đi vào bế tắc khi nhân viên tỏ thái độ né tránh, và không trả lời được câu hỏi vậy ở Trung Quốc, cơ sở nào sản xuất của PV.

Theo khảo sát của chúng tôi tại nhiều cửa hàng Mumuso trên địa bàn Hà Nội, xuất hiện một số sản phẩm có thiết kế, bao bì gần giống với các thương hiệu mỹ phẩm lớn của Hàn Quốc như Innisfree, The Faceshop… với mức giá  thấp hơn từ 30-60%.

Sản phẩm của Mumuso có thiết kế na ná sản phẩm của hãng Mamonde.

Nước hoa hồng của Mumuso có thiết kế na ná sản phẩm nước hoa hồng của hãng Mamonde.

Về lý do có sự tương đồng về thiết kế giữa sản phẩm Mumuso và thương hiệu mỹ phẩm lớn của Hàn Quốc, nhân viên cơ sở Hàng Gai lý giải do sản phẩm Mumuso là bản dupe của sản phẩm chính gốc. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, Dupe - viết tắt của từ "duplicate" (nhân bản) dùng để chỉ những món mỹ phẩm của các hãng bình dân có công dụng và chất lượng tương đương với hãng cao cấp nhưng mang mức giá chỉ bằng 1/2 đến 1/3. Về phần thiết kế tương tự thì không phải bàn tới nhưng chất lượng có tương đương hay không lại là một câu chuyện khác, cần phải có sự kiểm chứng từ phía người tiêu dùng và không phải ai cũng sẵn sàng cho điều này.

Bạn Hoàng Linh (Lê Duẩn) chia sẻ: “Mình là tín đồ của mỹ phẩm Hàn Quốc nên khi bước vào cửa hàng của Mumuso, nhìn thấy các mặt hàng ở đấy thiết kế na ná giống các hãng mỹ phẩm đã nổi tiếng ở Hàn Quốc, mình rất nghi ngờ về chất lượng của sản phẩm".

Mumuso có đang

Liệu Mumuso có đang "qua mặt" khách hàng?

Nếu người tiêu dùng không xem xét, kiểm tra kỹ càng rất có thể sẽ dễ nhầm lẫn. Liệu khi tung “chiến thuật” này ra thị trường, nhà sản xuất Mumuso có nghĩ đến việc cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh hay tôn trọng những "thượng đế" của mình hay không? 

Linh - Anh/Đô thị mới/Reatimes.vn