Câu chuyện đi xe buýt trên địa bàn Thành phố Hà Nội gần đây gặp nhiều bất cập. Không chỉ ở nạn móc túi, lừa đảo, sàm sỡ,… mà còn là chuyện người dân bức xúc trước những tấm decal quảng cáo cỡ lớn ở các ô cửa “bịt mắt”.

Những "chiếc hộp quảng cáo" di động...

Trên các tuyến phố Hà Nội, những tấm decal quảng cáo “di động” về một thương hiệu bánh kẹo, thuốc uống, phim ảnh,….gây ấn tượng mạnh đến người dân. Điều này không có gì đáng trách khi đó là cách mà nhiều doanh nghiệp bỏ tiền thuê quảng cáo sản phẩm của mình.

Song từ việc thu lại lợi nhuận từ quảng cáo, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã tận dụng tối đa diện tích bề mặt quảng cáo trên xe buýt khiến nảy sinh nhiều vấn đề.

Xe buýt dán decal quảng cáo đồ ăn che khuất tầm nhìn hành khách trên xe. Ảnh: Ngân Chi.

Có lẽ chưa một nơi nào có những chiếc xe buýt dành “đất cho thuê quảng cáo” nhiều tới mức hành khách bị “tước đoạt” quyền được nhìn ra bên ngoài như ở Hà Nội. Cửa kính không chỉ có tác dụng chiếu ánh sáng, thoát hiểm mà còn giúp người ngồi trên xe có thể nhìn ra bên ngoài.

Văn hóa xe buýt cũng đang góp một phần rất lớn trong việc xây dựng hình ảnh mỹ quan đô thị. Trong khi quy định xe buýt phải đồng màu nhưng khi những tấm biển quảng cáo lớn bao trùm thì cảm giác đó là một chiếc xe quảng cáo đầy màu sắc, nhiều người đi đường cảm thấy "gai" mắt.

Quảng cáo thực phẩm chức năng. Ảnh: Ngân Chi.

Quảng cáo phim ảnh với đủ hình thù, màu sắc trông khó ưa mắt. Ảnh: Ngân Chi.

Nhiều hành khách đã tự hỏi: Mình đang đi trên phương tiện cộng cộng hay đang đi trên một chiếc hộp bịt kín còn vỏ bọc là vô vàn hình ảnh sặc sỡ?

Sai luật?

Nhiều hành khách từng phàn nàn khi ngoài việc phải chen lấn xô đẩy còn phải cố gắng nhìn kỹ xem mình xem xe buýt đã dừng tại điểm cần đến hay chưa vì cửa kính quá mờ, không thể nhìn rõ ra bên ngoài.

Ngay cả với hành khách thường xuyên đi xe buýt cũng có thể xảy ra nhầm lẫn chứ không chỉ riêng những người ít đi hoặc lần đầu đi xe buýt. Điều này khiến phương tiện xe buýt sẽ nhận “điểm trừ” khi hành khách đánh giá về chất lượng phục vụ của các phương tiện công cộng.

Bình thường sẽ không ai lưu tâm tới việc những tấm decal trên có trở thành mối nguy hiểm hay không nhưng xét trong trường hợp có các hành vi xấu, truy bắt tội phạm thì các biển quảng cáo này sẽ gây khó khăn trong quá trình quan sát. Vô hình chung các tấm biển quảng cáo này đang che chắn cho các đối tượng có hành vi xấu trên xe.

Tấm biển quảng cáo khiến người nhìn bên ngoài rất khó thấy bên trong. Ảnh: Ngân Chi.

Luật pháp không cấm quảng cáo trên xe buýt cũng như sẽ vô hại nếu Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) chỉ ở ngưỡng 50% diện tích bề mặt quảng cáo như đã quy định của Điều 32 Luật Quảng cáo 2012: “Sản phẩm quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông. Việc thể hiện biểu trưng, lô–gô, biểu tượng của chủ phương tiện tham gia giao thông hoặc hãng xe trên phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông”.

Một xe buýt "hiếm hoi" có diện tích quảng cáo khá "khiêm tốn". Ảnh: Ngân Chi.

Có thể nói, xe buýt đang trở thành một phương tiện công cộng không thể thiếu trong đời sống của người dân, nhất là ở những đô thi đông đúc như Hà Nội. Tuy nhiên, không vì lẽ đó mà các hãng xe buýt tự đánh mất niềm tin từ người tiêu dùng cho những lợi ích trước mắt.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc trên./.

Ngân Chi / Theo Ngày nay Online