Chiều 13/7, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) có công điện gửi các bộ, ngành địa phương phát động cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng từ ngày 15/7 đến 15/10/2015 sau khi điều tra hàng loạt các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) bị điều tra và bắt giữ. Thị trường TPCN ở Việt Nam đang có nhiều bất cập, cần kiểm soát gấp.

Bát nháo thị trường TPCN

Theo khảo sát của Cục An toàn thực phẩm tại hai thành phố lớn là Thủ đô Hà Nội và TP.HCM, trên 50% số người trưởng thành sử dụng TPCN, đây là một con số lớn nhưng thực tế không mấy người thật sự hiểu biết hoặc có kiến thức chuyên môn về TPCN.

Đến giờ trên thị trường Việt Nam hiện chưa có một con số cụ thể chính xác về số lượng các loại TPCN đang lưu thông, nhưng theo ước tính của các chuyên gia con số này lên tới hàng nghìn, trong đó gần nửa sản phẩm có nguồn gốc nhập khẩu. 

Các mặt hàng này không chỉ hiện hữu ở các nhà thuốc mà còn “tung hoành” trên mạng Internet với sự thật giả lẫn lộn. Dạo quanh phố… mạng, sôi động nhất của thị trường TPCN hiện được rao bán là các sản phẩm từ Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Australia, New Zealand… với đủ chủng loại với giá mỗi nơi một khác.

Thực phẩm chức năng trên thị trường

Mang đúng một sản phẩm cụ thể tra cứu giá cả trên các website nước ngoài, sau khi có mặt tại Việt Nam phân phối đến người tiêu dùng qua các kênh tự do nhỏ, lẻ, cá nhân giá thường bị cao lên gấp từ 3, 4 lần.

Với lợi nhuận cao, TPCN lại “đánh” trúng vào nhu cầu của mọi giới, đặc biệt là phụ nữ với những quảng cáo “có cánh” như: “phục hồi sắc đẹp, sinh lý; tái tạo làn da; tiêu diệt nám và tàn nhang tận gốc; tăng cường sinh lý giúp cuộc sống hôn nhân thêm trọn vẹn; tái tạo bản lĩnh nam giới; thực phẩm thay thế tốt nhất cho người cần giảm béo…” bỗng dưng trở thành mảnh đất màu mỡ cho cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh TPCN. Nhiều công ty còn thành lập cả hệ thống bán hàng đa cấp, lôi kéo nhiều người tham gia. 

Hàng tấn hàng giả không rõ nguồn gốc

TPCN được bày bán tràn lan trên thị trường với nhiều tác dụng được quảng bá như “thần dược” không khỏi khiến người tiêu dùng cảm thấy rất băn khoăn khi sử dụng loại sản phẩm này. 

Và thực tế đang diễn ra trên thị trường TPCN sẽ khiến nhiều người giật mình, bởi việc hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn ngập thị trường cho thấy thực phẩm chức năng như là con dao hai lưỡi. Điểm qua những vụ việc gần đây cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều đường dây buôn bán TPCN không rõ nguồn gốc, chất lượng kém.

Mới đây nhất, ngày 8/6 Công an Hà Nội vừa phá một cơ sở sản xuất TPCN với một số lượng cực lớn rồi đem bỏ mối tại một số quầy thuốc Trung tâm phân phối dược phẩm và trang thiết bị y tế (số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội).

Qua kiểm đếm cho thấy, số hàng trên gồm 108 lọ sữa ong chúa Cosrat và 50 lọ thực phẩm chức năng nhau thai cừu Placentra, Vip reserve. Toàn bộ số thực phẩm chức năng này đều không có hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ do các đối tượng làm giả, không phải nhập khẩu.

Tiến hành kiểm tra văn phòng, kho của Công ty TNHH Đầu tư phát triển y tế và hoá chất Vqtech do Trần Như Quỳnh làm giám đốc, cảnh sát thu giữ khoảng 20 tấn thực phẩm chức năng nghi là giả.

 Khám xét 7 quầy thuốc ở Trung tâm phân phối dược phẩm và thiết bị y tế ở số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội), cảnh sát tiếp tục thu giữ một lượng lớn thực phẩm chức năng giả do Quỳnh tiêu thụ.

Tại cơ quan chức năng, Trần Như Quỳnh khai thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả từ tháng 10/2014 đến nay. Thủ đoạn của Quỳnh là thành lập công ty, đăng ký kinh doanh mặt hàng thực phẩm chức năng, công bố chất lượng tại Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) sau đó thuê gia công sản phẩm thực chức năng, đặt in tem nhãn mang về cho nhân viên dán nhãn, đóng thành phẩm đưa đi tiêu thụ.

Công an kiểm tra, thu giữ TPCN tại Công ty TNHH Đầu tư phát triển y tế và hoá chất Vqtech 

Tại một diễn biến khác, Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã phát hiệu Siêu thị Lotte Ba Đình bày bán TPCN KoGingSengTea có sai phạm liên quan tới nhãn phụ. Theo đó, sản phẩm KoGingSengTea được sản xuất trong nước nhưng lại ghi ở nhãn phụ, khiến người tiêu dùng lầm tưởng là hàng nhập khẩu. 

Không chỉ ở biên giới phía Bắc TPCN cũng âm thầm “vượt biên” qua các cửa khẩu biên giới khác và nhập lậu về Việt Nam với nhiều thủ đoạn tinh vi. Điển hình là tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Hà Tiên cơ quan chức năng phát hiện đối tượng Pech Leng, quốc tịch Campuchia cất giấu trong thùng nước ngọt nhiều loại hàng hoá, trong đó có các 22 hộp viên nang, mỗi hộp 50 viên, mang nhãn hiệu Gold Bilingin, xuất xứ Hàn Quốc; 360 viên thuốc viên cao nhung sâm linh chi, xuất xứ Hàn Quốc và 1 tuýp thuốc giảm mỡ xuất xứ từ Nhật Bản tất cả là TPCN.

Một điều đáng lưu ý là các hộp TPCN này phía dưới đều có ghi tên doanh nghiệp nhập khẩu, doanh nghiệp phân phối là những công ty trong nước, ghi các sản phẩm này là thuốc.

Một vụ việc khác là qua máy soi hành lý của hành khách nhập cảnh, lực lượng chức năng Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài đã phát hiện bà Nguyễn Hồng N. (SN 1964), ở Hà Nội cất giấu hàng chục hộp TPCN nhãn hiệu Herbalife, ghi xuất xứ Hoa Kỳ, Italia không khai báo hải quan, không giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp… 

Khó phân biệt, người mua vẫn phải tự bảo vệ

Nhận định về hành vi bày bán công khai này, lực lượng chức năng cho biết  người tiêu dùng rất khó khăn trong việc phân biệt TPCN giả vì họ chỉ phân biệt được thông qua tem nhãn của sản phẩm do các thủ đoạn rất tinh vi.

Đồng thời, do bao bì TPCN làm giả được nhái quá giống với hàng thật nên chỉ có người sản xuất ra lọ TPCN ấy mới nhận biết được đâu là hàng thật đâu là hàng giả. Do vậy, việc bày bán công khai TPCN giả tại các quầy thuốc có 2 nguyên nhân là do người bán kém hiểu biết hoặc họ cũng là đối tượng bị hại như người tiêu dùng. 

Trước thị trường tiềm năng này, “ma trận” TPCN giả, nhái đều được quảng cáo từ chui lủi đến bày bán công khai, TPCN được “trú ẩn” trong các hiệu thuốc hoặc các cửa hàng, siêu thị bán hàng nhập khẩu, hàng xách tay trôi nổi trên mạng Internet - đây đa phần đều là hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ.

Thủ đoạn của các đối tượng là thu mua các loại viên nén rời, giá rẻ từ Trung Quốc về đóng gói, giả nhãn mác các thương hiệu thực phẩm chức năng nổi tiếng, đặt làm giả cả tem chống hàng giả, tem nhãn phụ, tem phân phối độc quyền rồi dán dày đặc trên các sản phẩm; vì vậy dù các cơ quan chức năng khuyến cáo dù khó phân biệt nhưng người tiêu dùng hãy thận trọng trước khi lựa chọn và sử dụng TPCN./.

Ngân Chi (Tổng hợp)/ Theo Ngày nay Online