Được biết, để được mua căn hộ tại dự án Hải Đăng HD Mon City, khách hàng sẽ phải ký với chủ đầu tư, Công ty Cổ phần đầu tư địa ốc Hải Đăng một giấy cam kết với tên gọi Đảm bảo ký kết thỏa thuận đặt mua căn hộ.

Điều kiện là khách hàng sẽ phải nộp cho chủ đầu tư số tiền đặt cọc là 50 triệu và thỏa thuận đặt mua với trị giá lên tới 30% giá trị căn hộ. 

Tiếp đó, khách hàng sẽ nhận được một phiếu thu của Công ty Cổ phần đầu tư địa ốc Hải Đăng xác nhận đã nộp tiền và "yên tâm" về việc mình đã mua căn hộ thành công!

 

Đảm bảo ký kết thỏa thuận đặt mua căn hộ được ký giữa chủ đầu tư và khách hàng được xác nhận dấu công ty Hải Đăng.

Đảm bảo ký kết thỏa thuận đặt mua căn hộ được ký giữa chủ đầu tư và khách hàng được xác nhận dấu công ty Hải Đăng.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu, hiện dự án mới đang thi công phần cọc và chưa làm móng. Như vậy, rõ ràng là dự án này chưa đủ điều kiện mở bán theo quy định của pháp luật. 

Điều này đang khiến thị trường bất động sản đặt câu hỏi, liệu dự án có đang “lách luật” bán căn hộ “núp” dưới dạng Thỏa thuận mua bán để huy động nguồn vốn từ phía người mua nhà. 

Không dừng lại ở đó, nhiều khách hàng đã giao dịch kiếm chênh hàng chục đến hàng trăm triệu đồng dựa trên phiếu thu được cho là của dự án Hải Đăng HD Mon City.

Dự án Hải Đăng HD Mon City hiện vẫn chưa xong móng để đủ điều kiện mở bán theo quy định.

Dự án Hải Đăng HD Mon City hiện vẫn chưa xong móng để đủ điều kiện mở bán theo quy định.

Trong khi đó, theo quy định tại điều 55 (Điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh),Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi số 66/2014/QH13 có hiệu lực từ ngày 1/7, quy định rõ, chủ đầu tư phải bắt buộc xong móng mới được mở bán. 

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trên thị trường bất động sản nhận định, lợi dụng việc chưa có Nghị định và Thông tư hướng dẫn cụ thể, từ sau 1/7, một số chủ đầu tư vẫn tiến hành mở bán khi dự án còn chưa xây dựng gì dưới dạng hợp đồng góp vốn hay các suất đặt chỗ. Thậm chí, có những dự án tiền chênh lên tới hàng trăm triệu đồng. 

Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia trên thị trường BĐS cho rằng, rất có thể đây là chiêu lách luật của chủ đầu tư dưới cụm từ thỏa thuận ký đặt mua căn hộ để bán căn hộ cho khách hàng.

Người mua cần thận trọng trước khi ký kết các hợp đồng mua căn hộ. Đặc biệt, với những hợp đồng góp vốn ở những dự án chưa hoàn tất phần móng, mức độ rủi ro càng cao.

Theo các chuyên gia, khi tham gia đầu tư dưới hình thức này, phần thua thiệt bao giờ cũng nằm ở phía khách hàng nếu có biến động hoặc tranh chấp xảy ra – nhiều chuyên gia khuyến cáo.

Hơn nữa, Luật Kinh doanh BDS sửa đổi chỉ quy định hai hình thức đặt cọc, và hợp đồng mua bán căn hộ, như vậy việc khách hàng và chủ đầu tư ký cam kết Đảm bảo ký kết thỏa thuận đặt mua căn hộ như tại dự án Hải Đăng HD Mon City "nằm ngoài' quy định của pháp luật.

Do vậy, hoạt động mua bán này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro,  và nếu có biến động hoặc tranh chấp xảy ra, không ai khác, chính khách hàng sẽ là người phải chịu mọi rủi ro khi hình thức Đảm bảo ký kết thỏa thuận đặt mua căn hộ này chưa được luật pháp công nhận.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc!

Theo Chí Kiên T.H/ Gia đình Việt Nam