Xu hướng phát triển homestay

Với xu hướng đam mê xê dịch trong du lịch của giới trẻ cùng công nghệ dịch vụ ngày càng phát triển, mô hình homestay đang có điều kiện phát triển nở rộ. Theo thống kê của Nielsen năm 2018, du lịch là một trong top 3 những ngành có lượng người tiêu dùng sử dụng các nền tảng mua hàng trực tuyến nhiều nhất.

Báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường AirDNA cũng cho hay, tính riêng tại TP.HCM năm 2017 có khoảng 15.000 chỗ ở dạng homestay, căn hộ lưu trú. Tới giữa năm 2018, số lượng homestay ở mức trên 20.000, và hơn một nửa trong số này có hoạt động thực sự.

Sự dịch chuyển đầu tư vào homestay ngày càng nhiều.

Tương tự như vậy, tại Hà Nội, số lượng chỗ ở cũng gia tăng từ xấp xỉ 3.200 năm 2016 lên hơn 8.100 chỗ ở năm 2017 và tới hơn 11.200 trong nửa đầu năm 2018, trong đó có trên 6.400 chỗ ở có hoạt động thực sự.

Thông tin từ Airbnb Việt Nam, tính đến đầu năm 2019, số lượng phòng trong nước đã lên đến 40.804 phòng, tăng 40 lần chỉ sau 4 năm.

Những số liệu báo cáo đang cho thấy homestay đang trở thành mô hình lưu trú ngách đầy tiềm năng. Phân khúc này cũng trở thành điểm nhắm của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Kinh doanh không phải giản đơn

Tuy nhiên, không thể phủ nhận được rằng, khi nguồn cung tăng rất nhanh trong thời gian khá ngắn, thị trường cho phân khúc này cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn. Chưa kể, để kinh doanh hiệu quả không phải chuyện đơn giản. Các chủ đầu tư cần đưa ra chiến dịch thu hút khách hàng, thông qua việc kết hợp với nền tảng công nghệ kết nối, cũng như am hiểu khách hàng bản địa, có khả năng mang lại quyền lợi và hạn chế tối đa rủi ro.

Theo ông Nguyễn Tấn Đăng Khoa, Giám đốc vận hành Luxstay, kinh doanh homestay cần chú trọng tới các vấn đề bao gồm: ngân sách, nhân sự, chiến lược thu hút khách hàng.

Cụ thể, với ngân sách, bài toán quản lý vốn hiệu quả và thông minh cũng là mối lưu tâm cần đưa lên hàng đầu. Mặc dù việc đầu tư vào bất động sản homestay cho thuê thường không tốn nhiều tiền nhưng sẽ tốn kém lâu dài vào các chi phí khác như thiết kế, điện nước, nhân công, bảo trì sửa chữa… Điều này đặt ra một thách thức lớn cho các nhà đầu tư khi lên kế hoạch tài chính dài hạn.

Về nhân sự, nhiều chủ nhà để tiết kiệm chi phí thường một mình làm hết mọi thứ dẫn đến tình trạng quá tải công việc, không bao quát được hết. Dẫn đến doanh thu thấp khiến việc tìm người làm chung hay chia sẻ gánh nặng tài chính cũng khó khăn.

Bài toán kinh doanh homestay không hề đơn giản. (Ảnh minh họa)

Để có thể thu hút khách, các nhà đầu tư cần phải nhận diện được đối tượng mà mình nhắm đến là ai: khách đi theo nhóm, theo cặp đôi, hay là khách đơn lẻ…; họ có thu nhập như thế nào, nhu cầu tối thiểu ra sao cho một đêm lưu trú. Tùy thuộc vào đối tượng khách hàng, nhà đầu tư mới biết được mình nên thiết kế ra sao, marketing như thế nào.

Ông Khoa cũng cho rằng, hiểu khách hàng là một chuyện, hiểu chính mình là chuyện quan trọng không kém. “Giữa một rừng những homestay đang mọc lên như nấm thì homestay của bạn đứng ở vị trí nào, khác biệt ra sao, tại sao khách sẽ chọn lưu trú tại đây thay vì tại nơi khác. Điều này đòi hỏi chủ nhà cần đầu tư về mặt thiết kế, quảng bá và chăm sóc khách hàng”.

Ông Khoa nhấn mạnh, kinh doanh homestay vừa đơn giản vừa phức tạp. Nếu không có những kế hoạch cụ thể và mang tính lâu dài, các chủ nhà rất khó tối ưu hoá lợi nhuận của mình. Thậm chí trong nhiều trường hợp còn dẫn đến thua lỗ.

Ông Khoa chỉ ra rằng, nếu chỉ đơn thuần có nhà và kinh doanh homestay, mà không có sự đầu tư nghiêm túc vào cách xây dựng câu chuyện, định hình phong cách thiết kế hay quan tâm đến dịch vụ chăm sóc khách hàng, các chủ nhà chắc chắn không thể nào tìm được chỗ đứng của mình trong hằng hà sa số những căn homestay đang mọc lên như nấm.

Ngoài ra, khi kinh doanh homestay được một khoảng thời gian nhất định, các chủ nhà nhất định phải nâng cấp và tân trang cho căn homestay của mình. Chi phí sửa chữa, thiết kế hay nhân sự không hề rẻ chút nào. Nếu như ngay từ ban đầu các chủ nhà không tự vạch định ra những kế hoạch tài chính rõ ràng, việc kinh doanh thiếu khoa học sẽ dẫn đến thua lỗ là điều chắc chắn không thể tránh khỏi.

Bên cạnh đó, muốn kinh doanh homestay hiệu quả, việc sử dụng nền tảng kết nối giới thiệu phòng là cách để tối ưu sản phẩm.

Thẳng thắn nhìn nhận, Việt Nam đang đi vào giai đoạn “vàng”của du lịch. Ông Khoa nhấn mạnh, ngành kinh doanh homestay, nhà nghỉ dưỡng nói riêng của Việt Nam sẽ nhanh chóng chạm “nóc”.

Theo Việt Khoa/Reatimes