Hướng dẫn làm thủ tục, hợp đồng mua điện

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cách đăng ký mua điện phục vụ chính cho mục đích sinh hoạt thực hiện như sau:

a) Khi đăng ký mua điện, khách hàng cần có 02 giấy tờ sau:

1. Giấy đề nghị mua điện

2. Một trong các giấy tờ có liên quan đến địa điểm mua điện (bản sao có chứng thực hoặc công chứng):

         - Hộ khẩu thường trú hoặc sổ tạm trú;

         - Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc quyết định phân nhà hoặc hợp đồng mua bán nhà;

         - Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trên đất đã có nhà ở);

         - Hợp đồng thuê nhà.

Trường hợp không có một trong các giấy tờ liên quan đến địa điểm mua điện thì Giấy đề nghị mua điện có xác nhận của UBND phường, xã tại nơi đề nghị mua điện.

b) Đối với khách hàng thay mặt cho khu tập thể, cụm dân cư, hồ sơ có thêm giấy ủy quyền hợp pháp của các hộ sử dụng điện chung trong khu tập thể, cụm dân cư (có chữ ký của các hộ và công chứng hoặc chứng thực của cơ quan có thẩm quyền hoặc xác nhận của UBND phường, xã nơi đăng ký mua điện).

c) Đối với khách hàng đang sử dụng điện chung với công tơ của khách hàng khác, có nhu cầu tách mới (ký HĐMBĐ trực tiếp với Đơn vị Điện lực), hồ sơ có thêm:

        - Sổ hộ khẩu của hộ tách mới (bản sao có chứng thực hoặc công chứng);

        - Bản xác nhận đã thanh toán hết nợ tiền điện của chủ HĐMBĐ đang dùng chung hoặc bản cam kết của khách hàng có nhu cầu tách mới về việc đã hoặc sẽ chịu trách nhiệm thanh toán hết nợ tiền điện với chủ HĐMBĐ đang dùng chung.

Điện sinh hoạt chiếm một phần không nhỏ trong chi tiêu hàng ngày 

Thủ tục mua điện phục vụ cho mục đích ngoài sinh hoạt

a) Khi đăng ký mua điện, khách hàng cần có 04 giấy tờ sau:

1. Giấy đề nghị hoặc công văn đề nghị mua điện

2. Bảng kê thiết bị điện, chế độ và công suất sử dụng điện.

3. Một trong các giấy tờ liên quan đến địa điểm mua điện (bản sao có chứng thực hoặc công chứng):

        - Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở;

        - Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;     

        - Hợp đồng thuê nhà có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền;

        - Hợp đồng thuê đất có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

4. Một trong các giấy tờ liên quan đến khách hàng mua điện (bản sao có chứng thực hoặc công chứng):

       - Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện;

       - Giấy phép đầu tư;

       - Quyết định thành lập đơn vị.

Trường hợp không có một trong các giấy tờ liên quan đến địa điểm mua điện hoặc liên quan đến khách hàng thì có Giấy xác nhận của cơ quan quản lý của cấp có thẩm quyền hay chính quyền địa phương tại nơi đăng ký mua điện.

b) Đối với khách hàng mua điện để sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có công suất đăng ký sử dụng cực đại từ 40kW trở lên, hồ sơ có thêm biểu đồ phụ tải và đặc tính kỹ thuật công nghệ của thiết bị sử dụng điện.

c) Đối với khách hàng sử dụng điện có sản lượng điện tiêu thụ bình quân từ 1.000.000 kWh/tháng trở lên có trách nhiệm thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng trước khi hợp đồng mua bán điện có hiệu lực.

Giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng do các bên mua, bán điện thỏa thuận, nhưng không vượt quá 15 ngày tiền điện, được tính trên cơ sở sản lượng điện tiêu thụ trung bình tháng đăng ký trong hợp đồng mua bán điện và giá điện năng giờ bình thường được áp dụng.

Bên bán điện có quyền ngừng cấp điện cho bên mua điện trong trường hợp bên mua điện không thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng, không duy trì biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng.

Thủ tục mua điện ngắn hạn 

Đối với khách hàng mua điện không mang tính chất sử dụng lâu dài, bên bán điện sẽ ký hợp đồng mua bán điện ngắn hạn, thời hạn không quá 03 tháng.

Nếu đến thời hạn, mà khách hàng không làm thủ tục gia hạn thì bên bán điện sẽ thanh lý và chấm dứt hợp đồng.

Khi đăng ký mua điện ngắn hạn khách hàng cần có giấy bảo lãnh của Ngân hàng hoặc tiền đặt cọc bằng 1,5 tháng hoặc số ngày tiêu thụ điện, đồng thời cần có 02 giấy tờ sau:

        - Giấy đề nghị mua điện hoặc Công văn đề nghị mua điện;

        - Một trong các giấy tờ (bản sao có chứng thực hoặc công chứng): Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Quyết định thành lập, trường hợp không có một trong giấy tờ này thì có Giấy xác nhận của cơ quan quản lý của cấp có thẩm quyền hay chính quyền địa phương tại nơi đăng ký mua điện.

Các khoản chi phí do bên bán điện đầu tư:

-  TI (trừ trường hợp có thỏa thuận khác); công tơ; thiết bị bảo vệ sau công tơ (áp tô mát hoặc cầu chì…); hộp công tơ; phụ kiện để treo công tơ; dây dẫn điện đến công tơ (dây dẫn, xà, sứ, ghíp...);

-  Chi phí nhân công để lắp đặt từ lưới phân phối hạ áp đến công tơ và thiết bị bảo vệ sau công tơ;

-  Thuế và các chi phí khác theo quy định của Nhà nước.

b) Các khoản chi phí do khách hàng thanh toán thông qua dịch vụ (nếu có), gồm:

-  Vật tư và nhân công để lắp đặt dây sau công tơ (trừ áp tô mát hoặc cầu chì sau công tơ);

- Thuế và các chi phí khác theo quy định của Nhà nước.

Cần làm đúng hướng dẫn về thủ tục đăng ký mua điện

Cần làm đúng hướng dẫn về thủ tục đăng ký mua điện

Các mức giá bán điện đối với hộ gia đình và doanh nghiệp

Ngày 12/3/2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 2256/QĐ-BCT quy định về giá bán điện. Theo Quyết định này, mức bán lẻ điện bình quân là 1.622,01 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Quyết định 2256/QĐ-BCT có hiệu lực từ ngày 16/3/2015. So với giá bán điện đã được quy định trước đó (tại Quyết định 4887/QĐ-BCT ngày 30/5/2014 của Bộ Công Thương), mức giá mới được điều chỉnh tăng 7,5%.

Cụ thể, giá bán lẻ điện sinh hoạt được quy định theo 6 bậc giá, dao động từ 1.484 đồng/kW (bậc 1) tới 2.587 đồng/kWh (bậc 6).

Với khách hàng dùng công tơ thẻ trả trước, giá bán lẻ điện sinh hoạt có 1 mức duy nhất là 2.121 đồng/kWh.

Đối với các ngành sản xuất, giá bán lẻ điện được tính theo giờ, dao động từ 869 đồng/kWh tới 2.735 đồng/kWh. Các mức giá được quy định riêng với từng cấp điện áp từ 110 kV trở lên, cấp điện áp từ 22 kV đến dưới 110 kV, cấp điện áp từ 6 kV đến dưới 22 kV, cấp điện áp dưới 6 kV. Nhìn chung, giá điện có sự chênh lệch lớn giữa giờ thấp điểm và giờ cao điểm.

Lắp điện gia đình

Lắp điện gia đình

Với khối hành chính sự nghiệp, giá bán lẻ điện được quy định với cấp điện áp từ 6 kV trở lên và cấp điện áp dưới 6 kV, áp giá riêng cho từng nhóm: Bệnh viện, nhà trẻ, mẫu giáo, trường phổ thông và khu vực chiếu sáng công cộng, đơn vị hành chính sự nghiệp. Giá bán điện dao động từ 1.460 đồng/kWh đến 1.671 đồng/kWh.

Giá bán lẻ điện cho kinh doanh được quy định với các cấp điện áp từ 22 kV trở lên, cấp điện áp từ 6 kV đến dưới 22 kV, cấp điện áp dưới 6 kV tương ứng với từng giờ cao điểm, giờ thấp điểm và giờ bình thường. Trong đó, giá bán lẻ điện cao nhất là 3.991 đồng/kWh, thấp nhất là 1.185 đồng/kWh.

Quyết định số 2256/QĐ-BCT cũng quy định cụ thể giá bán buôn điện nông thôn; giá bán buôn điện khu tập thể, cụm dân cư; giá bán buôn điện cho tổ hợp thương mại - dịch vụ - sinh hoạt; giá bán buôn điện cho các khu công nghiệp.

Theo Long Nguyễn TH/ Gia đình Việt Nam