Theo đó, ngày 08/04/2016, Hatexco đã thực hiện bán toàn bộ toàn bộ 17,85 triệu cổ phiếu HBI đang nắm giữ. Số cổ phiếu này tương ứng với 35% vốn điều lệ của HBI.

Trước đó, số cổ phần này vốn do ông Đỗ Văn Minh – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hatexco đại diện sở hữu. Ông Minh hiện cũng đang nắm giữ cương vị Chủ tịch HĐQT HBI. Bà Trịnh Thị Hoa – một thuộc cấp của ông Minh tại Hatexco (kế toán trưởng) - hiện cũng đang giữ trọng trách Trưởng Ban kiểm soát tại HBI.

Sau giao dịch trên, khi mà Hatexco hoàn toàn không còn quan hệ sở hữu đối với HBI, rất có thể ông Đỗ Văn Minh và bà Trịnh Thị Hoa cũng sẽ rút lui khỏi cơ cấu lãnh đạo của HBI, bởi lẽ cả hai cá nhân này đều không có sở hữu cá nhân với cổ phần HBI.

Động thái thoái vốn của Hatexco khỏi HBI, có thể hiểu là chịu tác động từ Quyết định số 4904/QĐ-UBND ngày 30/09/2015 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Dệt 19/5 Hà Nội.

Quyết định này yêu cầu trước khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần, Hatexco phải thực hiện thoái vốn nhà nước khỏi 4 doanh nghiệp, trong đó có CTCP HBI.

Được biết, ngày 4/2/2016, Công ty TNHH MTV Dệt 19/5 Hà Nội đã IPO thành công hơn 8,9 triệu cổ phần (33,6% vốn điều lệ công ty sau cổ phần hóa) cho 10 nhà đầu tư với giá đấu thành công bình quân là 10.315 đồng/cổ phần, thu về hơn 92,7 tỷ đồng, cao hơn 1,9 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm.ư

Dự án Imperia Garden

 

Như vậy, về mặt bản chất, Hatexco đã trở thành công ty cổ phần và để hoàn tất việc chuyển đổi mô hình sang công ty cổ phần, Hatexco bắt buộc phải thực hiện một trong các điều kiện cần là thoái vốn khỏi HBI.

Trở lại với HBI, việc thoái vốn hoàn toàn của Hatexco (về mặt giấy tờ, vẫn là công ty TNHH MTV thuộc sở hữu 100% của UBND Hà Nội) sẽ đồng nghĩa với việc 35% sở hữu nhà nước tại HBI (thông qua Hatexco) sẽ được tư nhân hóa.

Vậy, câu hỏi đặt ra là HBI đã được tư nhân hóa với giá bao nhiêu?

Dữ liệu giao dịch cho biết, 17,85 triệu cổ phiếu HBI của Hatexco đã được bán với giá thỏa thuận là 12.100 đồng/cổ phiếu (giá cổ phiếu HBI chốt cùng ngày ở 14.200 đồng/cổ phiếu). Hay có nghĩa 35% sở hữu của nhà nước tại HBI đã được “tư nhân hóa” với giá 216 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với HBI, nên biết rằng sự ra đời của pháp nhân này vốn mang theo một sứ mệnh chính là “tiến hành các thủ tục để đạt được các chấp thuận cho việc đầu tư phát triển dự án tại Khu đất 203 Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân, Hà Nội”.

Hay nói rõ hơn, đích nhắm của nó là 4,2 hecta đất tại số 203 Nguyễn Huy Tưởng – nơi đặt trụ sở chính và từng là cơ sở sản xuất kinh doanh của Hatexco trước khi di dời.

Được biết, ngày 31/12/2014, HBI nhận được giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng Hà Nội cấp, cho phép công ty được xây dựng các công trình của Dự án “Tổ hợp văn phòng, nhà ở cao cấp kết hợp dịch vụ thương mại HBI” (Dự án Imperia Garden).

Ngày 02/02/2010, CTCP HBI được thành lập với 05 cổ đông sáng lập là Công ty TNHH Nhà nước MTV Dệt 19/05 Hà Nội, CTCP Tư vấn – Đầu tư xây dựng Ba Đình, CTCP Thiết bị công nghệ Bảo Minh, Công ty TNHH Đại Hoàng Long, Công ty tài chính cổ phần Hóa chất Việt Nam với vốn điều lệ là 110 tỷ đồng.

Năm 2013, HBI tăng vốn điều lệ lên 470 tỷ đồng và đến năm 2014, hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 510 tỷ đồng.

Số cổ phần này, cập nhật tại ngày 18/02/2016, lại phân hóa chủ yếu (96%) vào 4 cổ đông lớn: Hatexco (17.85 triệu cp – 35%), ông Nguyễn Trường Sơn (20,4 triệu cp – 40%), Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Linh Sơn (7,65 triệu cp – 15%), ông Nguyễn Hồng Ngọc (3,06 triệu cp – 6%).

Theo Viettimes/Gia đình Việt Nam