Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Bộ Công thương) cũng nhận định, hiện tượng kháng thuốc kháng sinh không phải là một vấn đề của riêng một quốc gia hay một khu vực, mà thực sự là một cuộc khủng hoảng toàn cầu cần có sự kết hợp chặt chẽ từ các quốc gia trên thế giới để giải quyết.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới WHO cũng đã nhận định đây là cuộc khủng hoảng toàn cầu, gây ra thiệt hại cả về kinh tế và sự ổn định xã hội. Tuy nhiên, không phải không có phương pháp ngăn chặn hiện tượng này.

Bằng chứng là trên thế giới đã có một số quốc gia thành công, trong đó có Hà Lan. Chỉ trong khoảng thời gian 9 năm từ năm 2007 đến năm 2015, Hà Lan đã đạt được thành tựu trong việc cắt giảm kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi đến 60% (Theo công bố của Tạp chí Y tế Anh – The British Medical Journal, BMJ năm 2016 trong bài viết “An Antibiotics Success Story”).

Trong thời điểm hiện tại, Hà Lan là một trong những nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh thấp nhất thế giới. 

Để đạt được thành tựu như Hà Lan và các nước khác, bên cạnh cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp, người tiêu dùng và xã hội được đánh giá đóng vai trò rất to lớn để ngăn chặn các thiệt hại có thể xảy ra trong việc tiêu thụ thịt động vật và kháng thuốc kháng sinh.

Đặc biệt, Bà Margaret Chan, Tổng Giám đốc WHO khẳng định, trong thời đại truyền thông và mạng xã hội phát triển như ngày nay, người tiêu dùng và các tổ chức người tiêu dùng chính là nhân tố quyết định trong cuộc chiến chống hiện tượng kháng thuốc kháng sinh.

Một trong những tổ chức người tiêu dùng có hoạt động rất tích cực trong công tác chống lại hiện tượng kháng thuốc kháng sinh là Tổ chức Người tiêu dùng quốc tế (Consumer International – CI).

Kể từ năm 2014, CI đã kêu gọi người tiêu dùng trên toàn thế giới nâng cao nhận thức về hậu quả của việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi cũng như mối nguy hại của kháng thuốc kháng sinh.

Tiếp theo đó, vào năm 2015, WHO đã thực hiện một khảo sát quốc tế trên 12 quốc gia về việc sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, theo đó 73% những người được khảo sát cho rằng ngành công nghiệp thực phẩm nên tích cực giảm lượng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi.

Đây là một thành tựu to lớn trong việc nâng cao nhận thức người tiêu dùng về vấn đề này.      

Vào tháng 11/2015, CI đã viết thư gửi các hãng thức ăn nhanh lớn trên thế giới như: McDonald, Subway và KFC nhằm kêu gọi các hãng này kiểm soát chặt chẽ lượng kháng sinh trong thịt động vật được sử dụng để chế biến các món ăn.

Cùng thời điểm đó, 19 quốc gia thành viên của CI cũng viết thư kêu gọi các hãng trên cùng rất nhiều hãng đồ ăn nhanh khác hoạt động trên địa bàn quốc gia như: Burger King, HesBurger,  Max, Nandos, Pizza Hut, Quick, Vapiano.

Thống kê mới nhất về việc kiểm soát lượng kháng sinh trong thịt động vật của 3 hãng ăn nhanh McDonald, Subway và KFC như sau:

 

MCDONALD’S

SUBWAY

KFC

Số lượng cửa hàng trên toàn thế giới

36.000

44.589

19.420

Số lượng các quốc gia có hoạt động kinh doanh

100

111

115

Số lượng quốc gia hãng thực hiện cam kết

2

1

0

Cam kết chấm dứt việc sử dụng kháng sinh

-   Hoa Kỳ: năm 2017 (đối với thịt gà)

-   Canada: năm 2018 (đối với thịt gà)

Hoa Kỳ: Năm 2016 (thịt gà), 2019 (gà tây), 2025 (thịt lợn), 2025 (thịt bò)

Không có

Thực hiện chính sách toàn cầu

Không

Không

Mức độ hoàn thành

Có thể thực hiện tốt hơn nữa

Có thể thực hiện tốt hơn nữa

Không hoàn thành

Nguyên nhân khiến CI kêu gọi 3 hãng đồ ăn nhanh này là do đây là 3 hãng đồ ăn nhanh gần như phổ biến nhất trên thế giới (ít nhất 100 quốc gia có 1 trong 3 thương hiệu này) với số lượng cửa hàng lên đến hàng chục nghìn, phục vụ bữa ăn cho hàng triệu người trên thế giới.

Các hãng lớn như McDonald’s, Subway và KFC có thể sử dụng sức mua to lớn của mình nhằm kiểm soát lượng kháng sinh sử dụng cho động vật từ khâu chăn nuôi, từ đó tạo ra chính sách kiểu mẫu cho các hãng khác thực hiện theo.

Bảng thống kê cho thấy, McDonald’s và Subway đã thực hiện rất tích cực các cam kết về việc chấm dứt sử dụng kháng sinh, và họ có thể làm tốt hơn nữa trong tương lai. KFC tuy chưa thực hiện cam kết nào, tuy nhiên, việc công bố các khảo sát tương tự cùng với sức ép từ thương hiệu lớn rất có thể sẽ thay đổi chính sách của công ty này.

Thống kê trên cho thấy, người tiêu dùng và các tổ chức người tiêu dùng chính là nhân tố quan trọng nhất trong công cuộc ngăn chặn cuộc khủng hoảng kháng thuốc kháng sinh trên toàn cầu.

Chính nhận thức, các yêu cầu chính đáng và sự quyết tâm của người tiêu dùng mới là động lực để các doanh nghiệp nhìn nhận và thay đổi chính sách kinh doanh.

Mặc dù các yêu cầu bức thiết về xã hội và sự phát triển bền vững đã tạo ra áp lực dẫn đến việc giảm lượng kháng sinh trong chăn nuôi, nhưng nhân tố người tiêu dùng mới thực sự tạo nên bước đột phá trong công tác này.

Các chuyên gia đánh giá trong thời gian tới, vai trò của người tiêu dùng trong công cuộc này sẽ phát triển hơn nữa, và sẽ có nhiều bước tiến lớn trong việc ngăn chặn hiện tượng kháng thuốc kháng sinh trên toàn cầu.

Theo Vân Hà/Gia đình Việt Nam