Sáng nay, đọc tin một giáo viên chủ nhiệm lớp 3, Trường tiểu học An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng bắt học sinh uống nửa cốc nước pha phấn viết bảng và súc miệng bằng nước vắt từ giẻ lau bảng vì nói chuyện trong lớp, tôi thấy rụng rời hết cả tay chân.

Đọc xong lời kể của Phương Anh, nạn nhân của vụ việc, tôi càng thấy kinh hãi.

“Lúc ấy là buổi sáng, cô bắt lên bảo là kể từ hôm nay trở đi phải uống nước phấn nên cô bảo bạn Xuân (lớp trưởng) đi pha 1 cốc nước cho cháu uống. Lúc đầu cháu không uống. Cô liền đếm 1, 2, 3 rồi bảo có uống không. Cháu đưa cốc nước lên và uống hết nửa cốc nước được vắt từ giẻ lau bảng. Nhưng cô bảo vẫn còn loãng nên vắt thêm nước từ giẻ lau bảng rồi bắt cháu uống. Tiếp đó cô bảo cháu đợi 3 giây hay 3 phút gì đó thì đi nhổ, vào lớp súc miệng bằng nước sạch”.

Vậy là, việc cô giáo bắt Phương Anh uống nước bẩn không phải là hành động bột phát, diễn ra trong chốc lát như khi bố mẹ cả giận mất khôn mà đánh con 1-2 cái. Cô giáo đã có thời gian yêu cầu bạn lớp trưởng đi pha nước phấn, rồi đếm số ép học sinh uống. Sau đó, vẫn chưa thỏa mãn vì cho rằng “nước còn loãng” nên tự tay vắt thêm nước từ giẻ lau bảng để bắt cháu uống tiếp.

Từ lúc xảy ra sự việc đến lúc gia đình em vô tình được một phụ huynh khác kể lại câu chuyện là khoảng 2 tuần. Tôi dám khẳng định rằng đấy là một khoảng thời gian khó khăn đối với em bởi việc uống nước giẻ lau trước cả lớp là một trải nghiệm tồi tệ.

Em chắc hẳn sẽ bị cảm giác xấu hổ, tự ti đeo đuổi suốt nhiều ngày, kéo theo đó có thể là em sẽ không muốn đến lớp, sợ gặp cô và ngại chơi với các bạn.

May mắn là sự việc được phát hiện sớm, nếu không cảm giác sợ hãi và e ngại có thể sẽ còn đeo đuổi lâu dài và khiến em gặp nhiều vấn đề về tâm lý.

Những cái tát như đòn thù này không rõ có thể giúp các em học giỏi hay chăm ngoan hơn hay chỉ khiến các em bất mãn và chán nản hơn?

Những cái tát như đòn thù này không rõ có thể giúp các em học giỏi hay chăm ngoan hơn hay chỉ khiến các em bất mãn và chán nản hơn?

Điều đáng nói, đây không phải là một việc hy hữu mà thời gian gần đây, liên tiếp nhiều vụ việc thày cô giáo đánh phạt học sinh ở mức độ nghiêm trọng khiến chúng ta phải giật mình nhận ra tình trạng bạo lực học đường không chỉ còn gói gọn trong phạm vi học sinh lớn bắt nạt các em nhỏ hơn mà giờ còn có sự “tham gia” của các thày cô giáo.

Cô giáo bắt học sinh quỳ cả tiết học hay “bạo hành” bằng sự im lặng suốt cả một học kỳ, cô giáo tát học sinh như kẻ thù,.. là những ví dụ đáng lo ngại về môi trường sư phạm ngày nay.

Tôi quả thực không biết các em học sinh sẽ học được điều gì từ những hình phạt nặng nề như vậy hay tất cả chỉ khiến in hằn vào trí não ngây thơ của các em những đòn thù mà thôi? 

Đáng buồn thay, ngay cả khi những vụ việc giáo viên bạo hành học sinh được phát hiện thì các hình thức xử lý cũng không đủ sức răn đe khi hầu hết chỉ dừng lại ở mức khiển trách, kiểm điểm các thày cô giáo vi phạm.

Sự nương tay của các lãnh đạo ngành giáo dục khiến nhiều người bức xúc, cho rằng đây là sự bao che, dung dưỡng những hành vi xấu, phản giáo dục của chính những người giữ trọng trách trồng người.

Đây cũng được coi là một nguyên nhân khiến tình trạng bạo hành trong trường học diễn biến ngày càng nghiêm trọng hơn.

Nếu như ngay cả các giáo viên - những người được đào tạo bài bản để truyền đạt kiến thức và đạo đức cho học sinh, những người được coi là tấm gương cho học sinh noi theo còn hành xử như đầu gấu thì làm sao tránh được việc các em coi đánh nhau là chuyện cơm bữa hàng ngày. 

Nếu các giáo viên tự biến mình thành những "tấm gương tối" như vậy thì chúng ta làm sao có thể trách con em mình khi chúng đánh bạn hay thiếu tôn trọng cô giáo.

Và nếu tình trạng này cứ tiếp tục thì liệu chúng ta có thể mong chờ con em mình sẽ học được những điều tốt đẹp gì từ những nơi ươm mầm tương lai đất nước?

Hoàng Ngân/Reatimes.vn