Từ ngày 1/1/2016 tới đây, Thông tư 58/2015/TT-BGTVT Quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo đó, giấy phép lái xe bằng giấy bìa phải được chuyển đổi sang giấy phép lái xe mới bằng vật liệu PET theo lộ trình sau:

- Giấy phép lái xe ô tô và giấy phép lái xe hạng A4: trước ngày 31/12/2016.

- Giấy phép lái xe không thời hạn (các hạng A1, A2, A3): trước ngày 31/12/2020.

Nếu sau 6 tháng theo lộ trình chuyển đổi nêu trên, người có giấy phép lái xe bằng giấy bìa chậm trễ chuyển đổi thì sẽ phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại giấy phép lái xe.

 Hạn cuối để chuyển đổi bằng lái xe sang PET là ngày 31/12/2016

Điều 8. Điều kiện đối với người học lái xe

1. Là công dân Việt Nam, người nước ngoài được phép cư trú hoặc đang làm việc, học tập tại Việt Nam.

2. Đủ tuổi (tính đến ngày dự sát hạch lái xe), sức khỏe, trình độ văn hóa theo quy định; đối với người học để nâng hạng giấy phép lái xe, có thể học trước nhưng chỉ được dự sát hạch khi đủ tuổi theo quy định.

3. Người học để nâng hạng giấy phép lái xe phải có đủ thời gian lái xe hoặc hành nghề và số km lái xe an toàn như sau:

a) Hạng B1 (số tự động) lên B1: thời gian lái xe từ 01 năm trở lên và 12.000 km lái xe an toàn trở lên;

b) Hạng B1 lên B2: thời gian lái xe từ 01 năm trở lên và 12.000 km lái xe an toàn trở lên;

c) Hạng C, D, E lên FC: thời gian hành nghề 01 năm trở lên và 50.000 km lái xe an toàn trở lên;

d) Hạng B2 lên C, C lên D, D lên E; các hạng B2, D, E lên hạng F tương ứng: thời gian hành nghề từ 03 năm trở lên và 50.000 km lái xe an toàn trở lên;

đ) Hạng B2 lên D, C lên E: thời gian hành nghề từ 05 năm trở lên và 100.000 km lái xe an toàn trở lên.

4. Người học để nâng hạng giấy phép lái xe lên các hạng D, E phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên.

Theo Duy Minh (Tổng hợp)/Gia đình Việt Nam