Ô nhiễm không khí thể hiện qua ứng dụng quan trắc chất lượng không khí PAM Air vào sáng 17/9.

Theo ghi nhận của ứng dụng quan trắc chất lượng không khí PAM Air vào lúc 6h35 sáng 17/9, hàng chục điểm đo ở Hà Nội có chỉ số chất lượng không khí AQI từ 150-170, thuộc nhóm màu đỏ (thang bậc 4 trong 6 tháng bậc chất lượng không khí theo cách tính của Mỹ).

Theo bảng phân cấp chỉ số AQI ở Việt Nam, chỉ số AQI từ 100-200 thuộc nhóm không tốt, những người mắc bệnh nhạy cảm như hô hấp, tim mạch nên hạn chế ra ngoài. Các nhà khoa học cho biết nếu thang AQI vượt quá 300 là mức nguy hại, cảnh báo sức khoẻ khẩn cấp, mọi người nên ở trong nhà, không nên đi ra ngoài

Đáng chú ý, trong sáng nay (17/9), nồng độ bụi PM 2.5 tại Hà Nội ở mức báo động, vượt quá giới hạn cho phép. Tại điểm đo Hàng Trống (Hoàn Kiếm, Hà Nội), nồng độ PM 2.5 lúc 6h35 phút ở mức 80,6 μg/m3.

Tại điểm đo Bảo Linh (thuộc khu vực Hoàn Kiếm, Hà Nội), nồng độ PM 2.5 lúc 6h35 phút ở mức 58,4 μg/m3. Thậm chí, vào lúc 4h cùng ngày, nồng độ PM 2.5 tại điểm đo này lên tới 79,35 μg/m3.

Trong khi đó, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh (QCVN 05:2013/BTNMT) ban hành bởi Bộ tài nguyên và môi trường, giá trị giới hạn bụi mịn PM2.5 trung bình mỗi ngày là 50 μg/m3.

Nồng độ bụi PM 2.5 tại Hà Nội ở mức báo động tại điểm đo Hàng Trống và Bảo Linh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) sáng 17/9.

Theo Tổng cục Môi trường, đến nay đã có nhiều nghiên cứu tại Hà Nội đã chỉ ra rằng, hiện tượng nghịch nhiệt là một trong các nguyên nhân chính làm cho nồng độ các chất ô nhiễm (đặc biệt là bụi PM2.5) tăng cao đột biến.

Cụ thể là nếu đường phố có nhiều bụi bẩn kết hợp với tình trạng nghịch nhiệt, toàn bộ lượng bụi này sẽ bị giữ lại ở tầng thấp trong không khí. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng nhiều tuyến phố của Thủ đô Hà Nội chìm trong sương mù mờ mịt do ô nhiễm không khí, nhiều người tham gia giao thông cảm thấy ngột ngạt khi di chuyển trên đường.

Nhìn bằng mắt thường có thể thấy đường phố mịt mù cả ngày vì ô nhiễm. Ảnh: Zing

Ô nhiễm không khí được coi là vấn đề nghiêm trọng của thủ đô Hà Nội trong nhiều năm qua. Có nhiều nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm không khí thủ đô gồm hoạt động giao thông, xây dựng, hoạt động sản xuất công nghiệp. Các phương tiện giao thông đang là một trong những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng ô nhiễm bụi. Theo thống kê, thành phố hiện có tới 5,8 triệu xe máy và 0,7 triệu ôtô.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng khẳng định hiện tượng ô nhiễm còn do sự quản lý các công trình xây dựng không tốt. Bụi từ các nơi sản xuất xi măng, sắt thép, hoá chất ở các tỉnh bay về Hà Nội, bụi mịn cũng hình thành do đốt rơm rạ, đốt rác.

Người dân đạp xe bên hồ Tây phải đeo khẩu trang sáng 16/9. Ảnh: Zing

Để đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí của Hà Nội hiện nay, đeo khẩu trang là phương pháp được nhiều người áp dụng nhiều nhất, tuy nhiên theo các chuyên gia, đó chưa phải là biện pháp hữu hiệu. Khẩu trang thông thường chỉ ngăn chặn được những hạt bụi lớn. Nếu có điều kiện hơn, người dân có thể sử dụng khẩu trang chuyên dụng với khả năng lọc bụi và vi khuẩn tới 95%.

Bên cạnh đó, bác sĩ da liễu cũng khuyến cáo người dân cần chú ý: Mặc các loại quần áo dài tay, đeo khẩu trang hoạt tính, sử dụng kính chắn bụi mỗi khi ra đường. Hạn chế di chuyển ngoài đường bằng xe máy, tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng, bởi dù có che chắn kỹ lưỡng và nhiều lớp đến mức nào thì bụi PM2.5 vẫn dễ dàng xâm nhập xuyên qua lỗ vải, khẩu trang, bám vào da và thậm chí xuyên qua cả lỗ chân lông của chúng ta.

Trong nhà, mọi người cũng nên trang bị cho mình máy lọc không khí, tắm rửa vệ sinh da kỹ lưỡng thường xuyên để loại bỏ bụi siêu mịn nguy hiểm ra khỏi các lỗ chân lông, ngăn chúng xâm nhập vào cơ thể và gây tổn hại.

Bụi PM2.5 có kích thước siêu nhỏ, nhỏ hơn khoảng 30 lần so với sợi tóc người, chỉ bằng 1/100 lỗ chân lông. Vì thế PM2.5 có thể dễ dàng xâm nhập phế nang qua miệng, đường hô hấp hay da, đi vào hệ tuần hoàn, tấn công phổi, tim và não. Các chuyên gia da liễu cảnh báo, trong loại bụi siêu mịn này có chứa các hạt kim loại siêu nhỏ có thể gây đột biến gen và ung thư da.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 12,6 triệu người trên thế giới tử vong vì ô nhiễm môi trường, tức là cứ 4 người chết thì có 1 người tử vong do hậu quả của việc sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm.

Theo Kinh Tế Môi Trường