Mặc dù thời tiết không còn mưa phùn như ngày hôm qua nhưng nội thành Hà Nội vẫn chìm trong sương mù dù trời đã về trưa.
Đáng chú ý khi mà hiện tượng sương mù diễn ra nhưng đi kèm với đó chỉ số chất lượng không khí cũng không hề tiến triển tốt lên mà lại ở ngưỡng báo động khẩn cấp.
Dù đã qua giờ sáng nhưng Hà Nội vẫn chìm trong làn sương mù mờ ảo.

Dù đã qua giờ sáng nhưng Hà Nội vẫn chìm trong làn sương mù mờ ảo.

Con số đo được tại thời điểm 8h tại khu vực Đại sứ quán Mỹ Hà Nội là 219 - đây là ngưỡng không khí rất không lành mạnh, cần cảnh báo tình trạng sức khỏe khẩn cấp tới tất cả mọi người.
Có thể nhiều người tham gia giao thông hay khi ra ngoài chủ quan rằng lớp mờ ảo đang bao phủ nhiều tầng mái của những tòa nhà cao tầng chỉ là sương mù do hơi ẩm và không khí lạnh kết hợp gây nên nhưng thực tế trong làn sương mù đó đang chứa lượng lớn bụi với kích thước vô cùng nhỏ (PM 2.5) với nồng độ dày đặc.
Do vậy, khi tham gia giao thông trong thời tiết như hiện tại, mọi người cần chủ động sử dụng khẩu trang, kính chắn bụi để giảm thiểu tác động của khói bụi tới sức khỏe.
Không chỉ ở nội thành mà chất lượng không khí khu vực ngoại thành Hà Nội những ngày qua cũng luôn ở tình trạng

Không chỉ nội thành mà chất lượng không khí khu vực ngoại thành Hà Nội những ngày qua cũng luôn ở tình trạng "báo động đỏ".

Còn tại TP.HCM, mặt bằng chung chất lượng không khí 2 ngày đầu tuần và hôm nay (17/1) ổn định hơn so với Hà Nội khi số giờ không khí ở ngưỡng "báo động đỏ" thấp.
Chỉ số đo được ở thời điểm 8h sáng là 91 - đây là ngưỡng không khí trung bình, chấp nhận được, tuy nhiên vẫn có những rủi ro với nhóm người nhạy cảm với ô nhiễm không khí.

Biên độ dao động của chỉ số PM 2.5 tại TP.HCM 48h qua là từ 53 - 169.

Chỉ số chất lượng không khí (AQI) là một chỉ số theo dõi chất lượng không khí hàng ngày được thiết lập bởi Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ với 6 cấp độ cơ bản: Tốt, Trung bình, Không lành mạnh đối với người nhạy cảm, Không lành mạnh, Rất không lành mạnh và Nguy hiểm.

Trong đó, PM (Particulate Matter - vật chất dạng hạt) bao gồm hỗn hợp các hạt vật chất rắn và lỏng trong không khí. Ô nhiễm dạng hạt bao gồm: PM10: Bụi có thể hít phải với đường kính từ 10 µm (micromet) trở xuống và PM 2.5: Bụi mịn có thể hít phải với đường kính từ 2.5 µm (micromet) trở xuống. Các hạt này có thể do nhiều chất khác nhau tạo nên như cacbon, sulfua, khí nitơ, và các hợp chất kim loại,...

Trong đó, nồng độ bụi PM 2.5 trong không khí được coi là một chỉ số quan trọng bởi các hạt bụi này có kích thước siêu nhỏ và đặc biệt nguy hiểm bởi chúng có khả năng xâm nhập trực tiếp vào túi phổi.

Chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện tại được lấy theo nồng độ PM 2.5 tại thời điểm công bố.

6 cấp độ của chỉ số chất lượng không khí AQI. 

Theo Minh Chuyên/Reatimes