Nghiên cứu được thực hiện trên 4.000 doanh nghiệp và 2.700 sinh viên, cùng các cuộc phỏng vấn với 330 đơn vị liên quan trong ASEAN.

Theo đó, có đến 60% các doanh nghiệp được khảo sát cho rằng sự thay thế của robot là điều tích cực dẫn tới việc tăng doanh số, tăng năng suất lao động.

Các nhóm ngành sẽ chịu tác động lớn từ công nghệ cao bao gồm: Lĩnh vực phụ tùng ô tô và tự động; điện và điện tử; dệt may, quần áo, giày dép; kinh doanh và bán lẻ.

Con số mà nghiên cứu ILO cung cấp là khoảng 137 triệu người, tương đương với 56% lao động tại các quốc gia Cambodia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam có nguy cơ bị ảnh hưởng cao bởi lực lượng lao động là robot.

Trong số đó, có khoảng 86% số công nhân dệt may của Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm vì xu hướng tự động hóa. Và cũng có tới 64% công nhân Indonesia cùng 88% lao động tại Campuchia sẽ chịu ảnh hưởng này. 

  Khoảng 86% số công nhân dệt may của Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm vì xu hướng tự động hóa

Đối với các ngành cần sử dụng nhiều lao động như dệt may, quần áo và giày dép hiện tại đang cung cấp hơn 9 triệu việc làm cho người lao động khu vực các nước ASEAN, trong đó chủ yếu là các lao động nữ trẻ.

Nghiên cứu của ILO chỉ ra rằng, lĩnh vực dệt may của Việt Nam được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều khi TPP có hiệu lực. Tuy nhiên, các nước đang cạnh tranh nhờ lực lượng lao động giá rẻ cần phải định vị lại. Lợi thế giá không đủ để duy trì lâu dài. Công nhân cần được đào tạo để làm việc hiệu quả bên cạnh máy móc điện tử.

Bà Deborah France-Massin, Giám đốc Văn phòng ILO cho các hoạt động sử dụng lao động cho biết: "Các quốc gia cạnh tranh về lao động giá rẻ cần phải xem lại. Lợi thế giá rẻ đã không còn đủ sức cạnh tranh đối với thị trường hiện nay."

Theo bà Deborah France-Massin, các quốc gia cần phải tạo ra một môi trường thuận lợi dẫn đến đầu tư nguồn nhân lực, nghiên cứu lớn hơn và phát triển, sản xuất và có giá trị cao thay vì tập trung vào nguồn nhân công giá rẻ.

Nghiên cứu này cũng khuyến nghị các doanh nghiệp đề cao việc đào tạo kỹ năng cho người lao động để họ luôn sẵn sàng tiếp cận với công nghệ mới và làm việc hiệu quả cùng với hệ thống robot công nghệ cao. 

Theo Vân Hà (Tổng hợp)/Gia đình Việt Nam